(GLO)- Bằng việc quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi tham gia những kỳ Hội nghị xúc tiến đầu tư của khu vực, Gia Lai đã và đang có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Giai đoạn 2017-2020, Gia Lai hứa hẹn là một mảnh ghép tươi sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của toàn khu vực khi tỉnh bắt đầu có những bước tiến đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính, cởi mở trong thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Các ngân hàng cam kết hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp. Ảnh: H.D |
Từ “cú hích” đầu tiên
Tháng 9-2009, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ nhất được tổ chức, bước đầu tạo ra “cú hích” vô cùng cần thiết cho hoạt động thu hút đầu tư của vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Cùng với việc giới thiệu tiềm năng kinh tế, cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, tỉnh ta cũng đã công bố rất nhiều dự án kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2015 tổ chức tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Gia Lai mới bắt đầu xác định lại tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, rà soát lại danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để phát huy đúng thế mạnh riêng của mình. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo rà soát lại thủ tục hành chính, thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn... Nhằm tránh tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho tỉnh thành lập Hội đồng xúc tiến đầu tư do chính Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng và tập trung giải quyết các dự án một cách nhanh chóng, tránh để nhà đầu tư đi lại nhiều lần. “Nhờ vậy, trong năm 2016, nhiều dự án đã được triển khai rất tốt”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Tháng 12-2016, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai. Đây là một nỗ lực lớn của tỉnh, bên cạnh mục đích giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước còn nhằm chứng minh tỉnh rất kiên quyết trong việc giữ cam kết đối với các nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai vào cuối tháng 12 vừa qua, tới nay, chỉ mới gần 3 tháng nhưng đã có trên 50 nhà đầu tư tới đặt vấn đề được đầu tư vào tỉnh ở tất cả các lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phân bón, giáo dục-đào tạo, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp... với tổng số vốn đăng ký là 31.000 tỷ đồng.
Đất đai của vùng này rất rộng, tiềm năng rất lớn, nhưng chính sách chưa thông thoáng, tính minh bạch chưa cao, chưa tốt. Cái này tôi nói để lưu ý lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên. Hôm nay có 5 Bí thư, 5 Chủ tịch của 5 tỉnh, các vị về phải có chỉ đạo cải thiện ngay vấn đề thủ tục đầu tư. Bỏ ngay quan niệm cũ, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, mà trước mắt là đơn giản hóa thủ tục đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư vào tỉnh mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Mở ra nhiều cơ hội mới
Có thể thấy, tỉnh ta đã đi đúng hướng chung với cả khu vực, khi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4-2017 tại Đak Lak mới đây cũng đặc biệt chú trọng đến giải pháp thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc; công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, “tiềm năng thì có, nhưng hiện việc đầu tư gặp nhiều khó khăn, trong đó thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập. Nếu xóa bỏ được rào cản này, các nhà đầu tư sẽ “nhảy vào” để giúp Tây Nguyên phát triển”-ông Nguyễn Chí Dũng-Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Điều đáng mừng là ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, ngay trong chiều 11-3, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Gia Lai đã gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư tại Gia Lai, trong đó có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Những lĩnh vực được các doanh nghiệp quan tâm là điện gió, nâng cấp y tế-giáo dục... Ông Gunkut Kurtaran-đại diện của Công ty Egeres Enerji (Nhổ Nhĩ Kỳ), một trong những doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề được khảo sát và đầu tư điện gió tại Gia Lai trong buổi đối thoại cho biết: “Công ty chúng tôi là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo là năng lượng gió và mặt trời. Gia Lai có tiềm năng về điện gió rất cao. Bởi vậy sau hội nghị này, chúng tôi sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để được đi khảo sát một số nơi và tiến hành đo gió. Việc đo này sẽ hoàn thành sau 1 năm, khi có kết quả, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh để đề nghị được đầu tư. Với sự tư vấn nhiệt tình, hỗ trợ tích cực từ phía Gia Lai ngay tại đây, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đi đúng hướng”.
Qua 3 kỳ xúc tiến, thu hút đầu tư, cả khu vực Tây Nguyên chỉ thu hút được 128 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký là 818,7 triệu USD. Đây là con số quá khiêm tốn đối với quy mô cả vùng. Riêng tỉnh ta, tính cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 5 dự án của 3 doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Nói về nguyên nhân, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên chưa thu hút được nguồn vốn FDI là bởi quá chú trọng đến vấn đề ổn định an ninh chính trị. “Ta phải phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh sinh kế của người dân; đồng thời phải đấu tranh kiên quyết với kẻ xấu phá hoại sự bình yên đất nước”-Thủ tướng chỉ đạo.
Với việc được Thủ tướng“bật đèn xanh”, chắc chắn Gia Lai trong thời gian tới sẽ có cơ hội đón nhiều hơn những nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Cộng với những thay đổi tích cực từ phía tỉnh như những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tin rằng trong thời gian ngắn, Gia Lai sẽ thực sự chuyển mình, từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ trong khu vực.
Hà Duy