Nhân viên Vietcombank Gia Lai sống cùng nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tình cờ gặp anh Phạm Hùng (39 Ngô Tất Tố, TP. Pleiku), một trong những người theo đuổi xu hướng “Living with art”-sống cùng nghệ thuật, chúng tôi không khỏi bất ngờ.

1. Cách đây vài năm, chuyện trò về thú chơi tranh tại Gia Lai, một họa sĩ từng cảm thán: Nhiều người thà mua tranh chép, tranh trang trí đơn thuần chứ không bỏ tiền ra mua một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Hầu hết tranh của những họa sĩ thành danh ở Gia Lai đều về tay một số bảo tàng mỹ thuật trong nước hoặc nhà sưu tập tranh ở các tỉnh thành khác.

“Rào đón” như vậy để lý giải niềm xúc động của tôi khi bước vào ngôi nhà của anh Phạm Hùng-nhân viên Vietcombank Gia Lai. Không gian sáng nhất, trang trọng nhất anh dành để trưng bày tranh của một số họa sĩ mà mình yêu mến. Từ tầng trệt đến tầng 3 tràn ngập sắc màu mỹ thuật. Cả không gian sống ấm cúng, tinh tế.

Không gian nhà của gia đình anh Phạm Hùng mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Ảnh: Phương Duyên

Không gian nhà của gia đình anh Phạm Hùng mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Ảnh: Phương Duyên

Anh Hùng cho hay, anh rất yêu thích hội họa, gốm, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt... Cuối năm 2021, khi xây nhà xong, anh bắt đầu đặt vẽ tranh hoặc tìm mua tranh về treo. Anh coi đó như một giải pháp trang trí nội thất. Tình yêu với hội họa lớn dần, số lượng tranh ngày một nhiều thêm. “Tôi thích những bức mang lại năng lượng tích cực, ví dụ tranh về chủ đề lễ hội Tây Nguyên, hoa cỏ, sinh hoạt đời thường… Nhìn ngắm chúng mỗi lúc trở về nhà, tôi luôn có cảm giác thật dễ chịu”-anh Hùng nói.

Phòng khách của ngôi nhà gây ấn tượng mạnh với bức “Vào hội” (khổ 1,2x2,4 m) của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu. Đây là tác phẩm đạt giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022. Những không gian khác như phòng sinh hoạt chung, chiếu nghỉ cầu thang, phòng ngủ… cũng đều được tô điểm bởi các tác phẩm sơn mài, sơn dầu sinh động của các họa sĩ Gia Lai. Đó là “Sắc màu Tây Nguyên” (Lê Nguyễn Thảo My); “Mùa hoa dong riềng”, “Gió xuân” (Mai Thị Kim Uyên)… Ngoài ra, còn có tác phẩm của các cây cọ có tiếng khác trong cả nước như: “Đôi bạn” (Bùi Văn Quang, Khánh Hòa); “Chuyện đầu tuần” (Tiến Đạt, Hà Nội); “Hồ Ea Hleo” (Nguyễn Tấn Vĩ, Đak Lak)…

Tuy thế, anh Hùng không tự nhận là nhà sưu tập mà cho rằng mình chỉ đơn thuần là một người yêu nghệ thuật. Anh cũng không quá đặt nặng chuyện tác phẩm mình muốn mua có phải của họa sĩ nổi tiếng hay không, quan trọng là sự rung động sâu xa khi nhìn ngắm. Anh nêu ví dụ: “Với bức “Chuyện đầu tuần”, vừa nhìn thấy là tôi đã thích, giống y cảnh con trai tôi vui vẻ ngồi kể chuyện với ba mẹ sau khi đi học về”.

Chung sở thích với chồng nên chị Trương Lê Hoàng An luôn ủng hộ khi anh Hùng thỉnh thoảng mang về nhà một tác phẩm mỹ thuật mới. Chị chia sẻ, cả hai đều muốn chăm chút để ngôi nhà mang dấu ấn riêng, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Có bức tranh mua với giá vài chục triệu đồng, anh chị xem như tài sản nhưng hiện tại họ chưa nghĩ đến góc độ thương mại như các nhà sưu tập khác.

2. “Living with art” đang là xu hướng mới, được nhiều người trẻ lựa chọn trong trang trí không gian gia đình. Với cách thức này, các tác phẩm mỹ thuật thiết kế chủ ý vào không gian sống sao cho hài hòa với các món đồ nội thất. Bằng vẻ đẹp tinh tế, các tác phẩm này mang đến cho ngôi nhà những điểm nhấn ấn tượng. Xu hướng này văn minh và cũng là cách tôn vinh giá trị của những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Phòng khách của gia đình anh Phạm Hùng được tôn lên vẻ ấm cúng, sang trọng nhờ một tác phẩm hội họa. Ảnh: Phương Duyên

Phòng khách của gia đình anh Phạm Hùng được tôn lên vẻ ấm cúng, sang trọng nhờ một tác phẩm hội họa. Ảnh: Phương Duyên

Trao đổi với P.V, họa sĩ Mai Thị Kim Uyên cho rằng, các thành phố lớn trong cả nước có không ít nhà sưu tập tranh; họ sở hữu tranh như một cách làm đẹp không gian sống nhưng đồng thời cũng xem đây là tài sản. Danh tiếng họa sĩ càng cao thì tác phẩm càng được giá. Tuy nhiên, Gia Lai hiện vẫn chưa hình thành giới sưu tập tranh. Nói về những “đứa con cưng” đang được trưng bày tại nhà anh Hùng, nữ họa sĩ chia sẻ: “Chỉ riêng việc anh Hùng yêu tranh đã là điều hết sức đáng quý, chưa nói đến chuyện mua về trưng bày. Sự xuất hiện của những người như anh Hùng quả là một tín hiệu vui”.

Cũng lạ lùng khi nghe một họa sĩ Phố núi nói rằng từng từ chối mức giá mà nhà sưu tập ở Hà Nội đưa ra vì chưa tương xứng, song sau đó lại quyết định bán với mức giá thấp hơn cho người mua là một người yêu tranh trong tỉnh. Đôi khi, vấn đề không nằm ở giá tiền mà là sự chân tình, là mong mỏi làm được gì đó để thắp lên ngọn lửa tình yêu nghệ thuật.

Từ “ăn no, mặc ấm”, con người ta dần vươn đến tiêu chí “ăn ngon, mặc đẹp”. Vậy thì cớ gì không “Living with art”? Hãy để ngôn ngữ của đường nét và sắc màu lên tiếng, chạm vào sâu xa làm cho cuộc sống thêm phong phú và tươi mới.

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

(GLO)- Nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ miêu tả một bức tranh đồng quê rực rỡ hương sắc cỏ hoa, cây trái. Vẫn là con đường, cánh đồng ấy nhưng như được khoác lên mình một tấm áo mới tươi tắn, rộn ràng... được ông đặt tên là "Màu Giêng".