(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nhân dân ta hết sức tin tưởng và yêu mến Đảng ta, vì Đảng ta là người lãnh đạo họ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Vì lẽ đó, “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”.
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Thụy Sương |
1. Cả nước ta đang vào Xuân, đón Tết Đinh Dậu-2017. Đây là dịp để mỗi người dân Việt Nam nhìn vào lịch sử với niềm tự hào chính đáng về Đảng ta, dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, với những ai tôn trọng thực tế đều thấy rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện đã bằng thực tế để khẳng định là lực lượng chính trị duy nhất có khả năng và thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để làm được điều đó, Đảng đã không ngừng được xây dựng, củng cố cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; mỗi đảng viên không ngừng rèn luyện, tu dưỡng cả về tài và đức. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nhân dân ta hết sức tin tưởng và yêu mến Đảng ta, vì Đảng ta là người lãnh đạo họ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Vì lẽ đó, “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay, cán bộ, đảng viên cũng đang đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ hiện hữu: thách thức trong lãnh đạo quá trình kinh tế phát triển; thách thức trong thực hiện dân chủ và công bằng xã hội; trong đánh giá, sử dụng con người cũng như trong phân bổ lợi ích… Tổ chức Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên luôn tiềm ẩn những căn bệnh mang tính thể chế-căn bệnh nảy sinh từ những định chế quan liêu, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để sử dụng phung phí công quỹ...
2. Vượt qua những thách thức đó chỉ có thể bằng trí tuệ, đạo đức và năng lực lãnh đạo của Đảng, bằng việc xây dựng trên thực tế một nhà nước hợp lý, có hiệu quả-một nhà nước, một chính phủ phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Không phủ nhận những nỗ lực của Đảng, của Nhà nước trong những năm qua, nhưng quả thực vẫn còn quá nhiều việc khiến chúng ta phải suy nghĩ: Chẳng hạn, tại sao dân chủ trong Đảng vẫn còn mang tính hình thức? Đâu là mấu chốt để thực thi dân chủ trong quá trình ra các quyết sách, chủ trương liên quan tới đời sống nhân dân, trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ? Giải pháp căn bản nào để chống tham nhũng, lãng phí nhằm ngăn chặn sự tự diễn biến, tự suy thoái trong nội bộ? Những vấn đề cần tháo gỡ để cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có trọng trách trong chính quyền thực sự là đội tiên phong về trí tuệ và đạo đức của dân tộc và thời đại? Thực ra, đó là những điều Đảng đã nhìn thấy, đã có nhiều quyết tâm, nhưng xem ra vẫn chưa tạo được những thay đổi có tính căn bản. Phương pháp luận cho vấn đề đặt ra phải chăng là:
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán tại Gia Lai tháng 3-2016. |
Thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội vừa là sứ mệnh mà nhân dân giao phó, vừa là một quy phạm mang tính pháp lý, trở thành nguyên tắc Hiến định. Những cá nhân, tổ chức nào của Đảng không làm tròn sứ mệnh đó ở những mức độ nhất định cần đưa ra để nhân dân xem xét, thẩm định trước khi tổ chức Đảng có biện pháp xử lý, chứ không phải theo quy trình ngược lại. Để tiếp tục xứng đáng là tấm gương của dân chủ cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong toàn bộ hoạt động của Đảng, của Chính phủ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh và những khía cạnh liên quan đến việc lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền ở mọi cấp độ. Xem thực hành dân chủ là tiêu chí cơ bản nhất trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên và của các tổ chức Đảng. Xây dựng Đảng thành môi trường của lòng khoan dung, quan hệ ứng xử có lý, có tình, mỗi cán bộ, đảng viên đều biết qua đối thoại để cảm hóa, thuyết phục, đoàn kết trong Đảng và chỉ như vậy mới có thể tạo lập sự đồng thuận xã hội-nguồn sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ hai, Đảng mạnh là Đảng đủ sức xây dựng Nhà nước, Chính phủ hợp lý, có hiệu quả. Đó là nhà nước, chính phủ kiến tạo phát triển, thực sự phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhà nước, Chính phủ không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân phát huy tốt vai trò của mình trong hệ thống xã hội.
Muốn vậy, điều quan trọng là phải xây dựng một nhà nước, chính phủ hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng với một xã hội công dân rộng lớn. Xã hội hóa thực chất là một bước đi cụ thể theo hướng này. Thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội chức năng, công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Nhà nước kiến tạo phát triển bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, đặc biệt là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Chỉ có mở rộng dân chủ, chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia của người dân chúng ta mới có thể làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách, thực thi pháp luật đến hành động, mọi cơ quan công quyền, công chức đều phải bảo đảm tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và thu hút được nhân tài, tức là đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức có thể tham gia vào quy trình sản xuất kinh doanh một cách công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi các rào cản chính sách và độc quyền. Nhà nước kiến tạo phát triển bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này có nghĩa là phải xây dựng và hiện thực hóa cơ chế để cho người dân có thể giám sát chính quyền thông qua việc tăng cường sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai kiểm tra mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Hồng Thi |
Thứ ba, Nhà nước, Chính phủ cần tạo lập các điều kiện để có thể đột phá sự phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Nền kinh tế hiện tại của Việt Nam vẫn còn nghèo, là nước đi sau, năng lực cạnh tranh thấp. Bản thân đội ngũ doanh nhân cũng còn yếu, vẫn còn tình trạng dựa vào quan hệ hơn là năng lực kinh doanh thực sự... Do vậy, khả năng đứng vững và phát triển không phải là dễ dàng. Với vai trò quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô, Nhà nước, Chính phủ cần định hướng, hướng dẫn, chỉ dẫn hành vi và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp. Việc quyết định sản xuất cái gì, đầu tư như thế nào, vào lĩnh vực nào, ở đâu, doanh nghiệp, doanh nhân đều phải căn cứ vào thị trường và các quy định, luật lệ của Nhà nước trung ương và địa phương. Bằng hệ thống pháp luật, Nhà nước còn thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp trên thị trường cũng như kích thích quá trình cạnh tranh, bảo đảm được công bằng. Quyền tự do kinh doanh đối với tất cả doanh nhân, doanh nghiệp tất yếu sẽ kéo theo sự cạnh tranh, phát triển, đương nhiên sẽ có phá sản, có tố tụng. Kịp thời và hiệu quả trong việc xử lý tất cả điều đó là yêu cầu về một chính phủ phục vụ sự phát triển.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng