Nhà khoa học trẻ và ngày trở về không giống ai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau gần 10 năm du học ở Australia và Hàn Quốc, hoàn thành xuất sắc cả 3 bậc học Thạc sĩ, Tiến sĩ và sau Tiến sĩ, anh Cao Đình Hùng đã từ chối nhiều lời mời cộng tác với vị trí và mức lương hấp dẫn để trở về Việt Nam.

“Cõng” cả phòngthí nghiệm về nước

 

TS Hùng có 3 năm nghiên cứu tại ĐH Chonbuk Hàn Quốc.
TS Hùng có 3 năm nghiên cứu tại ĐH Chonbuk Hàn Quốc.

Sau khi hoàn tất chương trình sau Tiến sĩ tại Đại học (ĐH) Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng của ánh sáng đơn sắc (LED) trong nông nghiệp công nghệ cao (CNC)” được xếp loại xuất sắc và nhiều chuyên gia đầu ngành trên thế giới đánh giá là mang tính đột phá mới trong khoa học, anh Cao Đình Hùng (42 tuổi) quầy quả về nước cùng khối hành lý đồ sộ nặng hơn 7 tấn, hầu hết là trang thiết bị và máy móc hiện đại để mở Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TPHCM. Ngay cả hành lý xách tay lên máy bay của anh cũng là cây giống in vitro.

“Tôi còn nhớ như in khi xe tải chứa container máy móc, thiết bị nổ máy, chuẩn bị chuyển bánh rời khỏi trường ĐH Quốc gia Chonbuk thì nhiều đồng nghiệp Hàn Quốc nói với theo: “Đó là toàn bộ gia tài để Hùng về Việt Nam khởi nghiệp, chúc mọi điều tốt đẹp và hẹn gặp lại Hùng nhé!”. Tôi xúc động không cầm được nước mắt trước những lời động viên và ánh mắt chứa chan tình cảm của bạn bè. 7 đồng nghiệp này đã giúp tôi đóng gói cẩn thận toàn bộ hàng hóa rồi cùng nhau hì hục khiêng vác chất vào container trên xe tải chở ra cảng biển của Hàn Quốc để đưa về Việt Nam”, Hùng tâm sự.

Hỏi anh về nguồn gốc container hàng hóa này, Hùng bảo do ĐH Quốc gia Chonbuk hỗ trợ. Hùng kể quá trình làm đề tài sau Tiến sĩ, chính anh và TS Kim Seon-Ki đã đặt mua hầu hết máy móc, thiết bị, hóa chất, phân bón, cây giống… với giá lên đến cả chục tỷ đồng (nếu quy ra tiền Việt Nam) để trang bị cho một phòng nghiên cứu của trường. Biết rằng việc thuyết phục họ hỗ trợ hầu hết máy móc, thiết bị hiện đại… của phòng nghiên cứu này trên cho trường ĐH của Việt Nam thật không dễ dàng nhưng anh vẫn nỗ lực làm thuyết khách. Cuối cùng thì ĐH Chonbuk đã đồng ý hỗ trợ tất cả những gì anh liệt kê.

Tại ĐH Quốc gia TPHCM, suốt một tháng ròng, Hùng nghiên cứu lắp đặt các trang thiết bị máy móc liên quan đến công nghệ in vitro và công nghệ sản xuất hạt giống nhân tạo. Riêng với hệ thống thủy canh hồi lưu dưới ánh sáng đơn sắc, anh nhờ hai đồng nghiệp từ Hàn Quốc bay sang giúp đỡ trong vòng một tuần. Một tháng sau, việc lắp đặt cơ bản hoàn tất nhưng còn thiếu một chiếc tủ cấy vô trùng. Hùng tự bỏ tiền ra mua tủ cấy và một số hóa chất còn thiếu để có thể vận hành Trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành này, bao gồm ngành Nông nghiệp CNC kết hợp với Sinh học và Vật lý.

“Ban đầu là những sinh viên (SV) năm cuối của ngành Vật lý ứng dụng đến xin thực tập để tốt nghiệp đại học. Sau đó rất nhiều SV các ngành Môi trường và Sinh học thực nghiệm đến học tập ngoại khóa. Trong vòng một năm nay đã có khoảng 500 SV đến từ nhiều trường khác nhau như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc tế TPHCM... xin vào thực tập”, Hùng đưa ra con số thống kê khá ấn tượng và bảo rằng rất vui khi có nhiều SV được sử dụng các trang thiết bị hiện đại của Hàn Quốc, trong đó anh tâm đắc nhất với mô hình thủy canh ứng dụng CNC tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay. Đó là công nghệ thủy canh hồi lưu dưới ánh sáng đơn sắc (LED) có kết hợp với công nghệ hạt nhân tạo và công nghệ in vitro (để sản xuất nhanh cây giống sạch bệnh) nhằm giúp cây trồng sinh trưởng nhanh, phát triển tốt và đặc biệt cho ra các sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe.

Anh nói nếu những mô hình thế này được nhân rộng sẽ góp phần giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn ở Việt Nam. Hiện nông sản kém chất lượng của Trung Quốc tràn vào nước ta khá nhiều và khó kiểm soát, đồng thời có rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hay không có nhãn mác chính xác nhưng vẫn được tiêu thụ hàng ngày. Đặc biệt là nông sản chứa dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, độc tố hay mầm bệnh gây hại đến sức khỏe. Thế nhưng nhiều người không biết nên vẫn mua về sử dụng.

Lại “khai sơn phá thạch”

 

TS Hùng hướng dẫn cho SV về công nghệ thủy canh hồi lưu dưới ánh sáng đơn sắc.
TS Hùng hướng dẫn cho SV về công nghệ thủy canh hồi lưu dưới ánh sáng đơn sắc.

Hùng bảo, sắp tới sẽ chuyển giao Trung tâm này cho trường ĐH Quốc gia TPHCM quản lý, còn mình tập trung nghiên cứu khoa học, đầu tiên là đề tài “Ứng dụng công nghệ in vitro trong sản xuất giống cây việt quất nhằm đưa vào Việt Nam một loại cây ăn trái mới, có giá trị kinh tế và dược liệu cao”. Vậy đó, một lần nữa những từ “mới”, “lạ”, “đột biến” lại đóng đinh trong các công trình nghiên cứu của một người đam mê “khai sơn phá thạch” như anh.

“3 năm sống ở Hàn Quốc, thấy người Hàn xem quả việt quất như thần dược, tôi liền tìm hiểu và nhận ra loại quả này chứa chất chống ôxy hóa (antioxidants) với hàm lượng cao và nhiều dược chất quan trọng khác như anthocyanin, pterostilbene, polyphenol, a-xít ellagic và abutin giúp chống lão hóa, ngăn ngừa một số bệnh về tim mạch, tiểu đường, ung thư, đường ruột… Tra cứu thông tin thấy nước mình phải nhập khẩu việt quất với giá gần cả triệu đồng mỗi ký chứ chưa trồng được với quy mô hàng hóa, tôi quyết định mang các giống cây việt quất in vitro từ Hàn Quốc về nghiên cứu”, anh cho biết.

Từng nhiều năm công tác tại thành phố Đà Lạt, anh bảo những vùng có khí hậu ôn đới như Đà Lạt, Sa Pa sẽ thích hợp với một số loại việt quất. “Thật may mắn là ngay sau khi báo cáo hướng nghiên cứu cũng như tiềm năng kinh tế của loại cây này, nhà nước đã đồng ý cấp kinh phí cho tôi làm chủ nhiệm đề tài. Nếu tìm được vùng sinh thái phù hợp cho việc sinh trưởng và kết trái của cây việt quất sẽ thu được lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng/ha/năm. Càng có nhiều người trồng thì giá thành sẽ hạ xuống để ai ai cũng được ăn loại trái cây quý hiếm, rất tốt cho sức khỏe này”, anh nói.

Thiêng liêng hai tiếng “Việt Nam”

 

TS Hùng (bên phải) chinh phục đỉnh núi Hallasan 1.950m, cao nhất Hàn Quốc.
TS Hùng (bên phải) chinh phục đỉnh núi Hallasan 1.950m, cao nhất Hàn Quốc.

Còn nhớ, vào năm 2011, sau khi luận án tiến sĩ của Hùng ở Đại học Sunshine Coats (Úc) được đánh giá xuất sắc, mang tính đột phá trong 30 năm qua ở lĩnh vực sản xuất các giống cây thân gỗ, nhiều trường đại học uy tín trên thế giới đã mời anh giảng dạy chính thức, làm trưởng phòng thí nghiệm, trợ lí giám đốc cho các công ty lâm nghiệp ở Australia với mức lương rất cao. Thế nhưng anh đã từ chối để về công tác ở viện nghiên cứu và trường ĐH tại thành phố Đà Lạt.

Tương tự, năm 2016, khi Hùng hoàn thành chương trình nghiên cứu sau Tiến sĩ tại trường Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), các trường ĐH Quốc gia Chonbuk, ĐH Dankook, Công ty New Farm System (NFS)... cũng mời anh vào làm việc với vị trí và mức lương rất hấp dẫn nhưng anh một lần nữa chối từ. “Bạn bè khuyên nên ở lại Hàn Quốc vì có thể kiếm nhiều tiền và có cơ hội phát triển tốt hơn nhưng tôi lại không muốn đất nước mình bị chảy máu chất xám thêm nữa”.

Khi tôi thắc mắc vì sao anh đã từ chối ở lại làm việc mà ĐH Quốc gia Chonbuk vẫn tài trợ cả container hàng hóa để mang về cho một trường ĐH ở Việt Nam, anh bảo trước hết hãy cho họ thấy nếu có điều kiện tốt để học tập, nghiên cứu thì bạn trẻ Việt Nam có năng lực nghiên cứu vượt trội. Một khi đã tin tưởng, nể phục thì họ sẽ lắng nghe và hỗ trợ mình.

 

Trung tâm Tiểu sử quốc tế “Who’s who” ở Vương quốc Anh đã bình chọn và cấp giấy chứng nhận TS Cao Đình Hùng là 1 trong 2.000 nhà khoa học, đồng thời cũng là 1 trong 2.000 nhà trí thức xuất sắc của thế kỷ 21.

Chia sẻ kinh nghiệm tạo được sự đột phá trong nghiên cứu khoa học, TS Hùng nói phải thực sự tâm huyết, tập trung phần lớn thời gian cho công trình nghiên cứu, kể cả những ngày nghỉ lễ và cuối tuần. Anh kể trong gần 10 năm ở nước ngoài, có những lúc túng thiếu do học bổng có hạn mà giá hàng hóa và dịch vụ đắt đỏ. Thế nhưng anh vẫn cố gắng chi tiêu dè sẻn chứ không đi làm thêm để kiếm tiền. Thấy bạn bè tụ tập vui chơi, có lúc cũng tủi thân nhưng khi nghĩ về bà con quê mình ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), vùng trũng ven sông Bồ thường xuyên bị lũ lụt, nghèo khó thì lại có khí thế để làm việc tiếp, hy vọng sau này sẽ giúp ích được nhiều cho quê hương.

Kim Anh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.