Nhà cũ… hồn quê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc cho tác động của đô thị hóa, nhiều gia đình ở xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) vẫn gìn giữ những nếp nhà mái ngói thâm nâu xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Suốt gần nửa thập kỷ qua, với họ, đây là tài sản tinh thần vô giá, chứa đựng cả thăng trầm của gia đình lẫn hồn cốt quê hương.

Hà Tam là một trong những địa điểm được tỉnh lựa chọn để triển khai công tác định canh định cư, xây dựng kinh tế mới cho người dân nội thị Pleiku sau ngày giải phóng. Từ một nơi hoang vắng với cây bụi um tùm, giờ đây, vùng đất này đã “thay da đổi thịt”, dân cư đông đúc, cuộc sống dần no ấm, sung túc.

1. Theo chân chị Trần Thị Cẩm Mai-Bí thư Đoàn xã Hà Tam, tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Công Bửu (thôn 5). Ông Bửu quê gốc ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) nhưng từ lúc 5 tuổi đã theo cha mẹ lên Pleiku sinh sống. Sau ngày thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương chung, ông Bửu cùng gia đình rời Pleiku xuống Hà Tam định cư, bắt tay khai hoang, phát triển sản xuất.

Ngôi nhà đầu tiên gia đình ông dựng lên chỉ là chòi tranh tạm bợ nằm chơ vơ giữa rẫy. Mãi đến năm 1986, vợ chồng ông mới tích góp xây được căn nhà chắc chắn hơn. “Kiến trúc nhà đặc trưng lúc bấy giờ là mái chái lợp tranh, vách đất, còn bên trong có khung gỗ với hệ thống cột kèo kiên cố do những người thợ mộc lành nghề tạo nên. Để dựng nhà, vợ chồng tôi phải lựa chọn kỹ gỗ và tích lũy dần qua từng năm”-ông Bửu cho biết.

Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Công Bửu (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ). Ảnh: Mộc Trà

Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Công Bửu (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ). Ảnh: Mộc Trà

Năm 1992, gia đình ông Bửu chuyển ra sinh sống dọc quốc lộ 19. Tài sản quý nhất được vợ chồng ông mang theo đến nơi ở mới là bộ khung nhà bằng gỗ. Vay mượn thêm ít tiền, ông lặn lội xuống tận Bình Định thuê đội thợ mộc và thợ xây về sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà. Kiến trúc cơ bản được giữ nguyên, chỉ thay mái lợp ngói, tường gạch; đồng thời, tăng số cột từ 8 lên 14 để mở rộng diện tích và bổ sung các chi tiết như: diềm mái, trần bảng… giúp ngôi nhà thêm chắc chắn. Ở gian chính-nơi thờ cúng tổ tiên và làm phòng khách, ông Bửu cho trổ 3 cửa lớn. Theo lý giải của gia chủ, cửa bên phải từ ngoài sân vào được mặc định là “cửa tử”, thường chỉ được mở khi nhà có cúng giỗ hoặc tang gia. Các cửa còn lại là “cửa sinh”, có thể mở hàng ngày. Gian bên cạnh, ông Bửu bố trí làm nơi sinh hoạt chung của cả gia đình; gian nhỏ phía sau là buồng ngủ; còn khu bếp được bố trí riêng biệt phía sau nhà.

Bà Lê Thị Thu (vợ ông Bửu) nhận định: “Người xưa thiết kế nhà rất hay. Dù không hiện đại như nhà bây giờ, song mùa hè thì mát mẻ, mùa đông ấm cúng. Mỗi lần đi làm về, chỉ cần bước vào nhà là tôi cảm thấy tinh thần khoan khoái, bao mệt nhọc ngoài đồng dường như tan biến hết”.

Sau hơn 30 năm, ngôi nhà vẫn được vợ chồng ông Bửu giữ gìn nguyên vẹn. Mọi chi tiết trong nhà dường như không thay đổi. Từ phía quốc lộ 19 nhìn vào, ngôi nhà nằm nép mình giữa dãy nhà hộp khang trang, bật lên nét xưa cũ yên bình và khó pha lẫn. Trước hiên nhà, ông Bửu còn trồng thêm gốc mai và ít cây cúc vạn thọ rực sắc vàng, tô điểm thêm vẻ đẹp dung dị của ngôi nhà.

“Thấy cha mẹ cứ sống mãi trong ngôi nhà cũ, năm 2019, các con tôi đề xuất việc phá dỡ để xây mới. Tuy nhiên, vợ chồng tôi nhất quyết không đồng ý. Bởi lẽ, ngôi nhà này là kỷ niệm, là tài sản tinh thần vô giá, nơi lưu giữ bao buồn vui của mọi thành viên trong gia đình. Chưa kể, nó còn là hình ảnh để chúng tôi nhớ đến quê hương, nguồn cội và giá trị văn hóa của dân tộc. Bao năm nay, vợ chồng tôi luôn cố gắng gìn giữ ngôi nhà, mong sao con cháu mình nhìn vào đó mà quý trọng những thành quả lao động của ông bà, cha mẹ. Chúng tôi cũng nhiều lần căn dặn các con, sau này, khi ba má mất đi thì không được bán hay tháo dỡ căn nhà mà dùng làm từ đường hoặc đơn giản là nơi gặp gỡ, chốn đi về của anh em, con cháu”-ông Bửu tâm sự.

2. Trong ngôi nhà mái chái hơn 30 năm tuổi ở thôn 1, ông Huỳnh Duyên cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hương ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn của gia đình sau gần nửa thế kỷ định cư nơi vùng kinh tế mới. Ở tuổi 85, ông Duyên đã bắt đầu có biểu hiện nhớ nhớ quên quên của người già, thế nhưng, khi nhắc nhớ về ngôi nhà đậm nét kiến trúc Bình Định xưa của mình, ông kể vô cùng tường tận như thể chuyện vừa mới hôm qua. “Ngôi nhà này với vợ chồng tôi cũng truân chuyên, lận đận lắm. Kỷ niệm buồn nhiều hơn là vui”-ông Duyên chia sẻ.

Vợ chồng ông Huỳnh Duyên trong ngôi nhà có tuổi đời hơn 30 năm của gia đình. Ảnh: Mộc Trà

Vợ chồng ông Huỳnh Duyên trong ngôi nhà có tuổi đời hơn 30 năm của gia đình. Ảnh: Mộc Trà

Năm 1979, sau 4 năm chuyển từ Pleiku xuống định cư tại Hà Tam, vợ chồng ông Duyên mới có đủ điều kiện để làm nhà ở. Thế nhưng, khi ngôi nhà chỉ còn trét vách là hoàn chỉnh thì bão ập tới, đánh sập. Nhìn tổ ấm mong đợi bấy lâu giờ chỉ còn là đống đổ nát, vợ chồng ông chỉ biết ôm nhau khóc. “Trời làm, mình phải chịu thôi chứ biết kêu ai. Thế rồi, gạt đi nước mắt, đợi bão qua đi, chúng tôi bắt tay dựng lại nhà. Vợ đánh tranh lợp mái, chồng nhào đất trét tường, phụ thợ mộc dựng lại khung gỗ… Mỗi người một việc, quyết tâm dựng được căn nhà đàng hoàng để ở”-ông Duyên kể.

Những tưởng đã được “an cư” để “lạc nghiệp” thì năm 1990, ngôi nhà của ông Duyên lại bị lửa thiêu rụi trong một buổi trưa hè nắng gắt. Vợ chồng ôm con mau mải chạy ra khỏi nhà mới thoát nạn. “Nhìn cơ ngơi của mình phút chốc biến thành tro bụi, rồi đưa mắt sang gần chục đứa con nhỏ, nước mắt tôi tuôn trào, tinh thần suy sụp. Lần này, chúng tôi đã mất hầu hết tài sản. Cả nhà sau đó được chính quyền địa phương hỗ trợ ít nhu yếu phẩm, một số đồ dùng sinh hoạt; còn người dân trong xóm thì tập trung dựng giúp ngôi nhà tạm ở vị trí cạnh bên. Những chuỗi ngày ăn chuối mốc thay cơm lại bắt đầu, song chúng tôi không hề nản chí. Vợ chồng quyết tâm làm lụng nuôi con, vực dậy kinh tế gia đình”-bà Hương tâm sự.

Vài năm sau, ông bà đã dựng lại được ngôi nhà khang trang trên nền đất cũ theo kiến trúc 3 gian 2 chái, lợp ngói đỏ tươi. Có thời điểm, ông Duyên đổ bệnh, cộng với 12 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu. Thế nhưng, dù thế nào, vợ chồng ông luôn cố gắng giữ lại ngôi nhà mà theo như lời ông Duyên là “khó lắm mới có lại được”. Mới đây, khi con cái trưởng thành, cháu chắt thêm đông, ông bà mới đồng ý để các con cơi nới thêm phía sau nhà tạo không gian rộng rãi hơn. Và tất nhiên, ngôi nhà cũ với khung gỗ chắc chắn vẫn được giữ lại như một chứng tích cho những thăng trầm của gia đình.

Những ngôi nhà xưa cũ với mái ngói rêu phong ở Hà Tam điểm xuyết thêm cho bức tranh nông thôn bình dị, mang đậm hồn quê. Ảnh: Mộc Trà

Những ngôi nhà xưa cũ với mái ngói rêu phong ở Hà Tam điểm xuyết thêm cho bức tranh nông thôn bình dị, mang đậm hồn quê. Ảnh: Mộc Trà

3. Theo các bậc cao niên, hầu hết số hộ dân từ Pleiku di cư xuống Hà Tam sau năm 1975 đều là người gốc Bình Định. Do vậy, kiến trúc nhà ở đây phần lớn đều mang dáng dấp của miền đất võ. Ngày ấy, để dựng nhà, gia chủ thường lặn lội về Bình Định để tìm thuê thợ mộc lên dựng khung nhà nhằm đảm bảo đúng kiến trúc, vừa kiên cố và có tính thẩm mỹ. Ông Trần Văn Lân (thôn 1) là một trong những thợ mộc lành nghề, từng tham gia xây dựng nhiều ngôi nhà mái chái tại địa phương. Bén duyên với nghề mộc khi 24 tuổi, ông Lân đã có nhiều năm theo người bác ruột hành nghề ở quê nhà Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) và các vùng lân cận. Năm 1990, trong một lần theo đội thợ mộc lên Gia Lai dựng nhà thuê, ông Lân vì phải lòng một cô gái ở Hà Tam mà quyết định ở lại nơi đây thành gia, lập nghiệp.

Ông Lân cho hay: Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, người dân bắt đầu làm ăn ổn định, kinh tế khấm khá nên nhu cầu xây nhà kiên cố tăng lên. Những căn nhà mái chái lợp tranh, trét đất dần chuyển sang lợp ngói và xây tường gạch. Tuy nhiên, bộ khung nhà bằng gỗ vẫn được giữ nguyên. Kiến trúc nhà thường là 2 gian 2 chái, 3 gian 2 chái theo kiểu nhà ngang, được dựng lên bởi nhiều cột chính và hệ thống kèo, đòn tay, mè, rui... Các loại gỗ thường được sử dụng để làm khung nhà là cà chít, căm xe, bằng lăng, dổi, bình linh với đặc điểm chung là cứng, không bị cong vênh, mối mọt. Tùy vào quy mô ngôi nhà mà thời gian làm mộc kéo dài 1-2 tháng mới hoàn chỉnh.

20 năm trở lại đây, người dân không còn làm nhà mái chái nữa mà chuyển sang nhà mái Thái, nhà hộp cao tầng. Nhu cầu đóng bàn, ghế, giường, tủ bằng gỗ… cũng không còn nhiều nữa vì đồ dùng sản xuất công nghiệp có kiểu dáng bắt mắt và đa dạng hơn. Nhiều thợ mộc chuyển sang nghề khác để kiếm sống, ông Lân cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong sâu thẳm lòng mình, ông vẫn da diết nhớ cái nghề đã nuôi sống bản thân và gia đình suốt bao nhiêu năm, cho ông có cơ hội được sáng tạo, góp phần lưu giữ hồn cốt quê hương. Mở 2 chiếc rương gỗ lớn nơi góc nhà kho, ông Lân bộc bạch: “Đây là những công cụ mà tôi từng một thời sử dụng để theo nghề. Tất cả sẽ được tôi cất giữ cẩn thận như một phần ký ức đẹp thời tuổi trẻ của mình”.

*

* *

Xã hội ngày càng phát triển, song những ngôi nhà xưa cũ với mái ngói rêu phong ở Hà Tam vẫn hiện diện và điểm xuyết thêm cho bức tranh nông thôn vẻ đẹp bình dị, đậm hồn cốt quê hương. Có lẽ, đây cũng là sự nhắc nhớ thế hệ hôm nay phải biết trân trọng, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông mình. “Đây là nét văn hóa tốt đẹp. Vì vậy, thông qua các cuộc họp thôn, ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư hay các phong trào thi đua yêu nước, xã cũng thường xuyên tuyên truyền, động viên bà con giữ gìn, gắn với duy tu, sửa chữa để vừa giữ được vẹn nguyên giá trị của ngôi nhà, vừa đảm bảo an toàn nhà ở”-ông Đặng Văn Lượng-Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Hà Tam thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.