Kiến trúc "nhà Việt cổ" Ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dẫu chỉ là mang dáng dấp chứ không giống hẳn 100%, nhưng không khó để cảm nhận được “hồn Việt” ở đây-quán Trà Cung Đình 3 (15 Đồng Tiến, TP. Pleiku). Và tôi cũng khá bất ngờ khi ngoài quán Trà Cung Đình 3, một số người ở Pleiku cũng dùng lối kiến trúc này cho nhà ở và nhà thờ họ.

Khiêm nhường trên một cung đường nhỏ, cánh cổng gỗ và tấm biển quán Trà Cung Đình 3 với tông màu trầm khiến khách tới quán nhìn kỹ mới thấy. Ấn tượng đầu tiên khi bước qua cổng là khối nhà ba gian với mái ngói đỏ, hoa văn chạm trổ kiểu cổ và một không gian nhiều cây xanh, một đoạn đường ngắn và cây cầu nhỏ.

 

Trà Cung Đình 3. Ảnh: Linh Hoàng
Trà Cung Đình 3. Ảnh: Linh Hoàng

Dấu ấn nhà xưa

Nói về lựa chọn kiến trúc nhà Việt xưa cho quán của mình, anh Nguyễn Phòng-Chủ quán Trà Cung Đình 3 cho biết: “Kiến trúc đương đại thay đổi nhanh theo thời gian, đầu tư cũng lớn. Trong khi đó, có dịp đi châu Âu, châu Mỹ, tôi thấy bên họ thường quay về với kiến trúc truyền thống, nhiều quán rất hay. Từ đó, tôi nghĩ mình nên lựa chọn kiến trúc quán theo kiểu nhà truyền thống. Qua tư vấn của bạn bè và người thân, tôi quyết định chọn kiến trúc nhà rường của Huế. Ở Gia Lai cũng chưa có quán nào làm theo kiến trúc này”.

Qua lời anh Phòng thì ban đầu, anh định mua hẳn 1 căn nhà cổ đem từ Huế về, nhưng chi phí cao, trong khi Gia Lai là đất gỗ. Bởi vậy anh đã tham khảo các mẫu nhà rường ở Huế và mời thợ ngoài ấy về làm. Và quán Trà Cung Đình 3 lấy mẫu theo nhà ở Kim Long và nhà rường làng Phước Tích (Thừa Thiên-Huế).

Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam. Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ thì làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Đây là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Làng Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá, trong tổng số 117 nóc nhà của làng, hiện tại còn tới 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường ba gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ. Mặt khác, Phước Tích còn là nơi kế thừa nghệ thuật độc đáo của điêu khắc kiến trúc, chạm trổ trên các bộ khung gỗ của ngôi nhà, càng đậm nét dân gian bản sắc. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn”.
 

Cửa lùa. Ảnh: Linh Hoàng
Cửa lùa. Ảnh: Linh Hoàng

Không thể “sao y bản chính” nhà rường của Huế, quán Trà Cung Đình 3 được thiết kế phù hợp với không gian của một quán trà (cà phê), song cũng cố gắng giữ lại những điểm chính yếu nhất. Quán có đặc điểm là mùa đông ấm, mùa hè mát mẻ do mái lợp bằng ngói liệt 7 lớp, nhiều cửa. Một số cây cột được bỏ bớt để lấy không gian. Lan can bằng xi măng chứ không làm gỗ, do sợ gỗ không chịu được mưa nắng.

Kiến trúc sư Nguyễn Hùng Linh-Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Không Gian Việt, người đã thiết kế quán Trà Cung Đình 3 giới thiệu: “Bố cục chung của nhà Việt thường theo 1 cụm gia đình của “tam đại đồng đường”. Cụm giữa là nơi ở của ông bà, hai bên là dành cho con trưởng và con thứ. Ngày xưa, trong khuôn viên một cụm nhà, người ta sẽ “trước trồng cau, sau trồng chuối”, cau che nắng, chuối chắn gió. Phía trước nhà lúc nào cũng có 1 cái hồ cá, giờ được thay bằng hồ cảnh. Nhà Việt thường có 3-5 gian, 2 chái. Các khối được nối với nhau bằng trường lang. Quán Trà Cung Đình 3 thiết kế dựa trên cơ sở đó”. Sự độc đáo của quán không chỉ thu hút khách mà còn là lựa chọn thường xuyên của nhiều cặp đôi muốn chụp hình cưới.

Độc và trường tồn

Sau quán Trà Cung Đình 3, một số người cũng đã áp dụng kiến trúc này để xây dựng nhà ở hay nhà thờ họ. Tôi may mắn được gặp anh Nguyễn Đăng Bé, thợ chuyên làm nhà rường khi anh đang trực tiếp thi công một công trình tại ngã ba Nguyễn Viết Xuân-Lê Thánh Tôn. Anh Bé người xã Hương Văn (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Năm nay 46 tuổi, nhưng anh đã có thâm niên xây dựng các công trình nhà cổ đã 30 năm. Anh hồn nhiên: “Ông nội tui, rồi chú tui cũng là thợ làm nhà rường. Tui sinh ra trong cái nôi nớ mà. Tui cũng ráng trau dồi tay nghề từng ngày, làm nhà rường khó lắm, nhứt là làm 2 chái. Bởi rứa mà tui được nhiều nơi mời về để làm nhà cho họ. Hiện tại làm nhà ni nhưng đang có 4-5 nhà đã đặt công để tui làm”.

 

Ảnh: Linh Hoàng
Ảnh: Linh Hoàng

Ở Gia Lai kiến trúc nhà rường là sự lựa chọn thông minh, bởi nó “độc” và luôn trường tồn. Trải qua biết bao thời gian, ông bà xưa mới tìm cho mình thế ứng xử trong cách sống để phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, thể hiện rõ nhất là ở ngôi nhà. Kiến trúc sư Nguyễn Hùng Linh cho biết: Kết cấu ngôi nhà Việt truyền thống có nhiều kiểu, nhưng có hai kiểu phổ biến là nhà hình thước thợ, tức là nhà chính và nhà phụ (nhà phụ thường là bếp), kiểu kết cấu này bắt gặp rất nhiều ở đồng bằng Bắc bộ; kết cấu thứ hai là kiểu hình chữ Môn, tức là nhà chính nằm ở giữa, hai bên có hai căn nhà phụ (một là nhà kho để chứa lương thực, một là nhà bếp), kiểu này thường là của gia đình khá giả.

Ngôi nhà có thể tồn tại vững chắc vài trăm năm, nên việc dựng nhà được người Việt hết sức quan tâm, từ khâu chọn nguyên liệu đến xem ngày, xem tháng, so tuổi (vì quan niệm cơ nghiệp của nhiều đời, sự thịnh vượng của cả gia đình hay lớn hơn là cả một dòng họ). Do vậy, ngôi nhà người Việt là sự kết tinh của tâm sức, ý chí, tập trung công sức, tiền của. Nó còn thể hiện cái khéo léo, tài hoa của người thợ Việt Nam.

Tôi thích những gì giản dị. Bởi giản dị chính là đỉnh cao, là tiềm ẩn của sự tinh tế. Nhà Việt xưa cũng vậy, bên trong cái vẻ giản dị, mộc mạc khiêm nhường ấy là một sự hợp lý, hợp lý với tự nhiên, văn hóa. Hơn hết, đó là cội nguồn của một dân tộc, sức sống lâu bền của người Việt.

Linh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.