Nguồn lực thị trường nội địa và niềm tin tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện người dân xếp hàng mua vàng ngày vía thần tài, hay những “xe rau Hải Dương” được “giải cứu”… đang cho thấy một khía cạnh tích cực: Nguồn lực khổng lồ từ thị trường nội địa.
 

 Chiến dịch giải cứu nông sản cho bà con vùng dịch đã được người dân Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Hà Văn
Chiến dịch giải cứu nông sản cho bà con vùng dịch đã được người dân Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Hà Văn


Sáng 20.2, Đức đăng lên mạng lời kêu gọi “giải cứu rau củ cho bà con Hải Dương”. Dòng trạng thái (status) của anh ấy bắt đầu bằng một cái giá: “Ổi Thanh Hà 3k/kg không ai mua. Nghe giá đã thấy xót xa cho nông dân”.

Suốt những ngày đó, Đức, trên “con wave cá”, như thoi đưa, từ đường Giải Phóng (Hà Nội) chở miễn phí khắp thành phố theo các đơn hàng.

Đức, chỉ đơn giản là thấy cần phải làm một điều gì đó.

Và tư cách “một gamer” của anh, từng bị cha mẹ vợ con nói không tiếc lời là “vô tích sự”, có lẽ, cũng là một chi tiết rất đắt trong cuộc giải cứu nông sản Hải Dương lần này.

Nhưng không chỉ rau củ ở Hải Dương, con số của Tổng cục Thống kê cho biết, tình trạng tồn kho của các ngành sản xuất tại thời điểm cuối 2020 là cực lớn. Sản xuất trang phục tồn kho 24,3%; ôtô xe máy: 37%; điện tử và máy tính thậm chí tồn kho lên tới 143,9%.

Cũng như rau củ, hoa trái của nông dân: Tồn kho đồng nghĩa với “tiền đống” nằm đó; đồng nghĩa với ngưng trệ lưu thông, đình đốn sản xuất; đồng nghĩa với dòng tiền ở đâu đó rất sâu dưới mức âm.

Những bi kịch, những nước mắt của nông dân có thể tạo ra sự đồng cảm để biến thành các cuộc giải cứu, thành những hành vi tiêu dùng.

Còn hàng hoá của các ngành sản xuất khác, có lẽ, cũng rất cần trông chờ vào nguồn lực từ thị trường nội địa.

Ngót 100 triệu dân. Con số ấy lớn lắm.

Có một câu chuyện rất liên quan vừa thấy rất rõ trong ngày vía thần tài. Đó là những đoàn người - đông lắm - xếp hàng chờ mua vàng. Họ mua, với một niềm tin cá nhân nào đó. Mua, cho dù biết chắc sẽ lỗ 700.000-800.000/lượng chỉ sau đó vài tiếng đồng hồ.

Câu chuyện ngày thần tài cho thấy, yếu tố nguồn lực trong dân và cả niềm tin tiêu dùng.

Tháng 3.2009, Tổng cục Thống kê cho biết: Bình quân chi tiêu đầu người một tháng đạt khoảng 1 triệu đồng, đẩy tốc độ bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa năm đó là chìa khoá giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng năm 2008.

Tháng 6.2020, ngành Du lịch bùng nổ sau khi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trân trọng “mời người dân đi du lịch”.

Nếu có được chính sách đúng, tạo ra được niềm tin và sự đồng cảm để người dân đưa nguồn lực vào sản xuất, mua sắm hàng hoá nội địa… thì chúng ta không những giải quyết được vấn đề “lớn và khó” là “nguồn vốn” mà còn giải quyết được cả vấn đề thị trường nữa.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nguon-luc-thi-truong-noi-dia-va-niem-tin-tieu-dung-882661.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong niềm vui, tự hào và xúc động dâng trào.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.