Người tự nguyện "xẻ đất" làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với người nông dân, đất được quý như vàng và để cho đi thật không hề dễ dàng, thế nhưng ở thôn Piơng (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) đã có người làm được điều tưởng chừng khó khăn ấy. Đó là nông dân Y Nhưi, anh đã sẵn sàng cho đi 1.800 m2 đất sản xuất của gia đình để mở rộng đường giao thông nông thôn và làm mương dẫn nước vào đồng ruộng.

Anh Y Nhưi là một trong 5 nông dân đại diện cho tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV-2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tháng 9-2015. Trở về sau Đại hội, anh Y Nhưi khiêm tốn: “Mình cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào nhưng so với nhiều nông dân điển hình trên toàn quốc thì thấy mình vẫn chưa thật sự xứng đáng!”.
 

 Anh Y Nhưi nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (ảnh do nhân vật cung cấp).
Anh Y Nhưi nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (ảnh do nhân vật cung cấp).

“Đã cho đi thì không tiếc!”

Nhẩm tính về những lần đã hiến đất, anh Y Nhưi vui vẻ: “Không nhớ chính xác đâu nhưng số đất cho đi khoảng 1.800 m2 và lần hiến đất đầu tiên cách đây cũng khá lâu. Lúc đó, việc gieo trồng của bà con tại cánh đồng làng Piơng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Năm nào mưa thuận gió hòa thì năng suất cây trồng ổn định, mùa màng bội thu nhưng gặp những lúc hạn hán, bà con chỉ biết ngồi nhìn cây trồng khô héo, thậm chí mất trắng! Và rồi, một cuộc vận động hiến đất mở rộng mương Đak T’Rang để dẫn nước vào đồng ruộng được phát động. Nhiều bà con có diện tích sản xuất tại cánh đồng làng Piơng đều vô cùng phấn khởi, hăng hái hưởng ứng. Riêng anh Y Nhưi-dù chỉ có 2 sào ruộng lúa tại cánh đồng này nhưng đã mạnh dạn hiến 60 m2 đất. “Mình đã suy nghĩ rất nhiều, nhưng nếu muốn năng suất cây trồng ổn định thì phải có nguồn nước ổn định. Đây là lợi ích chung, vì vậy mình quyết định cho đi”-anh Y Nhưi chia sẻ.

Sau lần hiến đất đầu tiên ấy, anh Y Nhưi còn tiếp tục “xẻ” nhiều phần đất của mình để cho đi. Mới đây nhất là đợt vận động hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Anh đã không ngần ngại hiến 240 m2 đất nhà ở để mở rộng con đường liên thôn chạy ngang. Bởi, trước đây, con đường này khá hẹp lại rất lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa, rất nguy hiểm. Nhất là mỗi khi vào mùa vụ, việc vận chuyển nông sản của bà con qua lại con đường này rất khó khăn. Rồi kế đó, anh lại tiếp tục hiến 480 m2 đất tại diện tích 1 ha đất đang trồng cà phê… Để có thể hiến nhiều đất như thế, có lẽ một mình anh Y Nhưi chẳng thể làm được nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của vợ và các con. Trả lời cho câu hỏi “Hiến nhiều đất như thế anh có tiếc không?”, Y Nhưi cười-nụ cười chân chất của người nông dân vốn chỉ quen với đồng ruộng và những điều dung dị. “Mình nằm trong Ban vận động của thôn, nếu không gương mẫu thì ai làm theo. Hơn nữa ai cũng đòi tiền đền bù hết thì đến bao giờ mới làm được con đường”-anh Y Nhưi nói.

Còn chị Nghìn-vợ anh, người phụ nữ không thông thạo tiếng Kinh nhưng luôn ngồi bên cạnh chồng lắng nghe rồi cười bẽn lẽn. Chị bảo, chồng mình nằm trong Ban vận động thôn nên phải gương mẫu thì nói người ta mới nghe. Dù kinh tế gia đình chưa dư dả nhưng vì bà con trong làng, mình cũng cố gắng đóng góp một phần. Một phần mà chị nói ấy nếu đem ra tính kinh tế thì không hề nhỏ, nhưng với họ “đã cho đi thì không tiếc!”. “Nhìn những con đường được mở rộng, xe cộ qua lại tấp nập, chúng tôi vô cùng  phấn khởi”-chị Nghìn vui vẻ.

Niềm tự hào giản đơn

Nhìn vào diện tích mà gia đình anh Y Nhưi đã cho đi, nhiều người sẽ nghĩ rằng, chắc đất đai nhà anh rộng lớn, hoặc kinh tế gia đình dư dả. Nhưng thực chất, thu nhập hiện tại của gia đình cũng chỉ ở mức đủ để nuôi 4 đứa con ăn học. Anh cho biết: Trước đây, 5 sào lúa nước của gia đình có thể đáp ứng đủ nguồn lương thực nhưng vài năm gần đây, vụ Đông Xuân thường bị hạn hán, mất mùa nên phải mua thêm lúa gạo từ bên ngoài. Riêng 2 ha cà phê do đã kinh doanh lâu năm (20 năm) nên năng suất sụt giảm, bình quân chỉ đạt 2 tấn cà phê nhân/ha, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. “Sau vụ thu hoạch này, mình dự định sẽ cắt bỏ bớt diện tích cây trồng kém năng suất để trồng thay thế, mỗi năm trồng khoảng 300 cây. Ngoài ra, hai vợ chồng còn nuôi thêm 3 con heo nái, mỗi năm cũng xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng, để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học”-chị Nghìn bộc bạch.

Điều đặc biệt ở cặp vợ chồng nông dân này là mỗi khi nhắc đến các con, họ luôn nở nụ cười rạng rỡ và đôi mắt ánh lên niềm tự hào khôn xiết. Mà không tự hào sao được khi các con của anh chị đã không phụ niềm mong mỏi của cha mẹ, luôn chịu khó, chăm ngoan và học tốt. Cậu con trai thứ hai đang học năm cuối Đại học Quy Nhơn, cô con gái thứ ba cũng sẽ trở thành cô giáo trong 2 năm tới và cậu con trai thứ tư và con gái út cũng đang tiếp tục noi theo gương anh chị.

…Và có lẽ sẽ không có lời nhận xét nào ý nghĩa hơn tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho nông dân Y Nhưi vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Phần thưởng này một lần nữa khẳng định cho những đóng góp của nông dân này trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm