Người truyền cảm hứng với tình yêu âm nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh năm 2006, năm nay, Võ Minh Quang mới 15 tuổi, nhưng đã có một bộ sưu tập giải thưởng âm nhạc khá đồ sộ: hơn 20 giải nhất và giải đặc biệt trong các cuộc thi piano trong nước và quốc tế.
 
Võ Minh Quang
Võ Minh Quang
Khác với vẻ bề ngoài hiền lành, rụt rè của một cậu bé mới lớn, ở trên sân khấu, lướt tay trên những phím đàn, Võ Minh Quang dường như trở thành một con người khác hẳn - mạnh mẽ, kiêu hãnh và trong trẻo. Sau 2 năm liên tiếp có mặt trong danh sách 10 Gương mặt trẻ triển vọng, ngày 21-3 vừa qua, Võ Minh Quang vinh dự là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Đây là một mốc son ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cậu bé được yêu mến gọi với cái tên “thần đồng của âm nhạc Việt”. 
Ươm mầm với những bài học âm nhạc
Sinh năm 2006, năm nay, Võ Minh Quang mới 15 tuổi, nhưng đã có một bộ sưu tập giải thưởng âm nhạc khá đồ sộ: hơn 20 giải nhất và giải đặc biệt trong các cuộc thi piano trong nước và quốc tế. Trong đó, nhiều giải thưởng vượt xa lứa tuổi của em như: giải đặc biệt và giải nhất cuộc thi tại Atlanta (Mỹ) năm 2020. Ba lần đoạt giải nhất bảng 17-19 tuổi, bảng 14-16 tuổi, bảng 11-13 tuổi cuộc thi Tài năng trẻ châu Á và châu Đại Dương. Năm 2020 Võ Minh Quang tiếp tục đoạt giải nhất piano trong hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên…
Theo dõi hành trình âm nhạc đầy hoa của Võ Minh Quang, ít ai có thể ngờ rằng cậu sinh ra trong một gia đình chẳng có dính dáng chút nào tới nghệ thuật, và bất ngờ hơn khi chỉ ít năm trước, bố mẹ đã từng đắn đo về việc có nên cho Quang theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. 
Chị Thanh Hà (mẹ Võ Minh Quang) kể, Minh Quang là một đứa bé “rất quậy” và luôn gây bất ngờ cho bố mẹ. Khi hơn 4 tuổi, Quang đã có thể tự đọc sách, truyện. Cùng năm đó, mẹ dẫn cậu tới đăng ký học piano ở trung tâm, nhưng bị từ chối bởi cậu bé quá, bàn tay nhỏ xíu sợ không ấn nổi phím đàn. Hơn một năm sau, việc học đàn của cậu mới bắt đầu với một chiếc organ cũ kỹ. Đến với âm nhạc từ khi chưa biết viết, nhưng ngay khi nhập cuộc, Quang đã thể hiện năng khiếu vượt trội. Sau một buổi học, Quang đã nhớ các nốt nhạc và chỉ một tuần đã “chạy” xong giáo trình được soạn trong 3 tháng.
Với tốc độ tiếp thu “khủng” đó, Quang đã hoàn thành chương trình học cơ bản 6 năm tại trung tâm trong vòng 1 năm rưỡi và cậu là học viên nhỏ tuổi nhất của Việt Nam đạt xuất sắc piano bậc 5 (piano grade 5) của ABRSM - Hội đồng Liên kết các trường âm nhạc Hoàng Gia tại Anh). Giành giải nhất và giải đặc biệt trong Việt Nam Piano Festival vào tháng 6-2015, Minh Quang được tuyển thẳng vào Khoa Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 
“Cùng tài năng thiên phú về âm nhạc, Minh Quang còn rất chịu khó học hỏi, tìm tòi, có bản lĩnh sân khấu vững vàng, chịu áp lực tốt. Vì thế, dù tuổi còn nhỏ, nhưng Quang đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ”, TS Đào Trọng Tuyên, Trưởng Khoa Piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người trực tiếp theo sát quá trình học tập và rèn luyện của Quang khen ngợi. Được rèn giũa, Võ Minh Quang trưởng thành vượt bậc, chinh phục các cuộc thi quốc tế. Thầy rất tự hào khi gọi Võ Minh Quang là “cậu bé hạt tiêu”.
Vui khi được khám phá thế giới quanh mình
Không chỉ xuất sắc trong âm nhạc, tại lớp chuyên Toán Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), Minh Quang còn là một trong những học sinh sở hữu bảng thành tích học tập nổi bật. Chia sẻ về cậu học trò đa tài và thông minh này, cô Nguyễn Thiếu Ngân, giáo viên chủ nhiệm của Quang kể, cùng với âm nhạc, cậu còn say mê Toán, miệt mài với Ngữ văn, hứng thú với ngoại ngữ, hội họa và hăng hái tham gia các hoạt động thể thao. Minh Quang luôn là học sinh xuất sắc, nhận học bổng loại 1 tất cả các năm học ở cả 2 ngôi trường mà em theo học, đồng thời có thể sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp và Nhật.
“Nhiều cô chú cũng hỏi cháu rằng, làm thế nào để có thể học tốt nhiều thứ cùng lúc như vậy? Thực ra cũng không có bí kíp hay kinh nghiệm gì cả, mà là cháu thích học. Học với cháu không phải là nghĩa vụ, áp lực mà học là niềm vui, là sự ham thích khi được khám phá cái mới…”, Minh Quang giãi bày. Học song song 2 trường cùng lúc nên lịch học của Quang luôn dày đặc. Tuy nhiên, việc theo các lớp học này hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện và đam mê, do vậy Minh Quang không cảm thấy mệt mỏi hay áp lực. Mỗi môn học đối với em đều là những khoảng thời gian thú vị và tràn đầy sự hứng khởi.
Mẹ của Minh Quang kể rằng, Quang chẳng chán học môn nào hết, vì thế việc phân chia thời gian cho nhạc, ngoại ngữ, học văn hóa, bơi lội… cũng không dễ. Đã có lúc tìm lớp học cho con khó quá, mẹ Quang đứng ra gom nhóm rồi mời thầy cô về dạy, để Quang vừa được học môn yêu thích lại không mất nhiều thời gian cho việc di chuyển. Càng lớn, khối lượng kiến thức dày thêm, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian hơn cho âm nhạc và văn hóa, Minh Quang đã rất buồn khi phải tạm rời wushu vì ảnh hưởng tới sự thả lỏng khi chơi đàn. Quang cũng không có đủ thời gian dành cho cầu lông, bóng rổ, bóng bàn, cờ vua… Chỉ riêng có đá cầu và đá bóng thì gần như ngày nào cậu cũng chơi với các bạn.
“Tôi thường nhắc con hãy thật thoải mái tập luyện, phát huy khả năng của mình với những kế hoạch đề ra, bởi không có bất cứ áp lực nào đặt lên con. Con cứ sống, trải nghiệm và hạnh phúc với những đam mê của mình, cả gia đình luôn luôn sẵn lòng ủng hộ con”, mẹ Minh Quang nói.
Trái tim biết sẻ chia
Từ nhiều năm trước, vào dịp cuối tuần, nghỉ hè, Minh Quang và mẹ đều cố gắng thu xếp thời gian để tham gia các buổi biểu diễn thiện nguyện với mong muốn chung tay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. “Dù thời gian học gần như kín hết tuần, nhưng gia đình vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để Quang tham gia biểu diễn hòa tấu, biểu diễn solo piano và hát hợp xướng trong chương trình “Hát cùng những niềm vui” chung tay gây quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Nhi Trung ương…”, mẹ Minh Quang cho hay.
“Khi dùng khả năng của mình để cống hiến cho xã hội, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Em mong rằng những giai điệu trầm bổng, giàu âm sắc này sẽ góp phần giúp cho những bệnh nhi, những mảnh đời kém may mắn cảm thấy cuộc sống tràn ngập yêu thương và tạm quên đi nỗi đau về thể xác đang giày vò họ hàng ngày”, Minh Quang chia sẻ. Năm 2020, trong những ngày cả nước giãn cách bởi dịch Covid-19, Minh Quang cũng là một trong những thành viên tích cực tham gia buổi biểu diễn nghệ thuật online gây quỹ mua khẩu trang và dụng cụ phòng hộ gửi tặng các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Phiêu trên sân khấu, hăng hái trong giờ học, hết mình trong mỗi pha tranh cướp bóng là “thần đồng” âm nhạc theo cách gọi của nhiều người, nhưng khi ở nhà, Minh Quang luôn là một người anh trai gương mẫu khi biết trông em, cho em ăn, ngủ những lúc người lớn không có nhà.
Những ngày tháng 3 này có lẽ là khoảng thời gian đặc biệt và bận rộn nhất của Minh Quang. Là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, ngay sau khi hoàn thành lịch hoạt động dày đặc với nhiều hoạt động giao lưu, gặp gỡ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Minh Quang lại tiếp tục hành trình khám phá âm nhạc khi tham gia các cuộc thi tuyển chọn của một số trường âm nhạc danh tiếng. Chị Thanh Hà cho biết, lúc này việc tìm kiếm học bổng du học cho Minh Quang chưa đặt nặng, nhưng thử sức với các vòng thi tuyển cũng là một cách để Quang học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để “lớn” lên. 
Chặng đường học hỏi và phấn đấu của Quang Minh đã đem tới cho cậu biết bao trái ngọt. Song, ai cũng hiểu rằng, với đam mê, nỗ lực không ngừng nghỉ, với tài năng và kiến thức đã được trau dồi, ước mơ mang tiếng đàn cùng lá cờ đỏ sao vàng bay khắp năm châu bốn biển của Minh Quang chắc sẽ sớm thành hiện thực.
VĨNH XUÂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.