Người nối dài thanh âm Xê Ðăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mấy mươi năm qua, nghệ nhân A Nol (80 tuổi, buônKon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư Mgar, tỉnh Ðắk Lắk) vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hằng ngày ông miệt mài chế tác các loại nhạc cụ dân tộc và truyền lửa đam mê tình yêu văn hóa tộc người mình cho thế hệ trẻ.
 
Nghệ nhân A Nol hướng dẫn cách đánh đàn T’rưng
Mong ước của lão nghệ nhân
Mùa khô Tây Nguyên, gió ràn rạt qua mặt, cái nắng hanh trải dài trên con đường đất đỏ. Giữa khoảng sân trước ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ, người đàn ông dáng mảnh khảnh, nước da đen sạm đang cắt đo những thanh tre. “Đó là nghệ nhân A Nol, bà con vẫn gọi là kho tàng văn hóa sống của dân tộc Xê Đăng” - anh cán bộ văn hóa xã đi cùng tôi giới thiệu. Bỏ dở công việc làm đàn T’rưng, ông tiếp khách. Câu chuyện của chúng tôi phải thông qua phiên dịch của cán bộ văn hóa xã, vì nghệ nhân ANol nói tiếng Kinh không rành lắm.
Thời niên thiếu của ông là những đêm bập bùng cùng lửa, say mê cùng nhịp chiêng và chuếnh choáng với men rượu cần. Những đêm hội ấy kéo ông gần hơn với văn hóa tộc người mình.
Khi ấy người dân Kon H’ring đang sinh sống yên bình ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Năm 1972, chiến tranh loạn lạc  bà con di cư sang xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1988 lập làng mới, gọi là buôn Kon H’ring, ở xã Ea H’đing, huyện Cư Mgar. Khi ấy, cả làng cùng nhau dựng một ngôi nhà rông. Đối với đồng bào Xê Đăng, nhà rông là linh hồn của buôn làng, là nơi lưu giữ các giá trị thiêng liêng, là nơi sinh hoạt cộng đồng nên khi lập một làng mới, những người nhiều kinh nghiệm thay mặt làng đi tìm mảnh đất bằng phẳng cao ráo nằm ở trung tâm của làng để dựng nhà rông.
Đôi mắt nghệ nhân xa xăm chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm khi kể đến chuyện nhà rông bị cháy. Vào một đêm giông gió cuối đông năm 2002, ngôi nhà rông duy nhất mà cả làng cất công dựng bỗng chốc cháy rụi và đổ sụp. Mất mát đó đối với người dân Kon H’ring là quá lớn. Buôn bây giờ không còn nhà rông truyền thống. Sinh hoạt của bà con được chuyển về nhà văn hóa cộng đồng buôn. Ông cũng như mọi người trong buôn mong muốn dựng một ngôi nhà rông nhưng nguyên liệu hiếm, rừng bị tàn phá không còn gỗ, cỏ tranh bị xịt thuốc, tre nứa cạn kiệt. Chi phí làm nhà lớn ngoài tay với ông và dân bản.
Bẵng đi một thời gian vì cuộc mưu sinh ở quê hương mới, ông thổn thức nhớ tới tiếng cồng chiêng, những âm thanh nhạc cụ ở miền quê cũ. Và rồi ông quay lại với thanh âm dân tộc từ dạo ấy. Ông thủ thỉ, rằng có lẽ tình yêu cồng chiêng đã ngấm sâu vào máu thịt ông từ lúc nhỏ, khi những lễ mừng lúa mới rộn ràng tấu lên những thanh âm du dương đầy mê hoặc. Đến bây giờ, khi tóc đã nhuốm màu mây trời, khi mắt đã mỏi với cái nắng nhưng tay ông vẫn chuẩn nhịp chiêng, khéo léo chế tác các loại đàn, tai ông vẫn đượm những thanh âm và tình yêu với văn hóa dân tộc cuồn cuộn chảy trong mạch máu.
Truyền hồn cho thế hệ trẻ
Chiều chiều ở Kon H’ring, âm thanh đàn T’rưng vang vọng. Ngôi nhà nhỏ giữa buôn như một bảo tàng thu nhỏ của người Xê Đăng. Đàn T’rưng, đàn Klông pút và các nhạc cụ của người Xê Đăng được sắp xếp ngay ngắn, trong đó có hai bộ chiêng quý được ông giữ như báu vật, bộ chiêng này ông cùng trưởng buôn Anít theo chân những nhà quản lí văn hóa lặn lội sang Kon Tum mang về.
Giữa căn nhà, ông bày ra tình yêu của mình rồi cẩn thận lau kỹ từng vết lõm trên mặt chiêng, trên từng thanh tre … Ông bảo, mỗi cái chiêng, mỗi một nhạc cụ đều có hồn vía riêng. Muốn điều khiển được nó thì phải hiểu nó, coi nó như bạn của mình, như vậy khi đánh hồn sẽ hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, vang vọng núi rừng. Nhưng rồi vì cuộc sống, gánh nặng cơm áo gạo tiền không còn mấy ai mặn mà, tiếng chiêng, tiếng đàn dần chìm vào quên lãng.
Để âm vang nhạc cụ dân tộc được cất mãi ở Kon H’ring, ông mở lớp dạy đánh chiêng cho trai trẻ trong buôn, nhờ thế mà bây giờ ở Kon H’ring có một đội chiêng trẻ. Chính nghệ nhân ANol là người dạy các điệu múa truyền thống của người Xê Đăng cho các chị em trong buôn. Nhờ ông mà đội chiêng, đội múa của Kon H’ring được mời đi thi và biểu diễn ở rất nhiều nơi, mang về những danh hiệu quý giá cho đội và cho cả buôn làng.
Trưởng buôn Anít cho biết: Nghệ nhân A Nol không chỉ là người duy nhất của buôn biết đánh và chỉnh chiêng, ông còn đam mê chế tác đàn T’rưng, đàn Klông pút. Theo ông, Klông pút chỉ dành riêng cho phụ nữ, khi đánh người phụ nữ sẽ đứng ở cuối ống tre dùng tay vỗ để âm thanh được vang ra. Hằng năm, vào dịp tết dương lịch, dân làng Kon H’ring lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Sau khi kết thúc một vụ mùa với nhiều thắng lợi, tại lễ hội cồng chiêng tấu lên rộn rã, những điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng của người phụ nữ Xê Đăng. Những nghệ nhân trình diễn làn điệu dân ca, chơi đàn Klông pút, đàn tinh ninh…
Tiền bạc có thể tiết kiệm nhưng văn hóa truyền thống cần phải được tôn vinh. Nhiều năm nay, lễ hội mừng lúa mới không còn là của riêng người Xê Đăng mà đã trở thành lễ hội chung của toàn bộ bà con buôn Kon H’ring. Đây là dịp để đàn ông thể hiện tài nghệ tạo dáng cây nêu, đánh từng nhịp chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Còn phụ nữ trổ tài nấu nướng với những ống cơm lam và các món ẩm thực, diện những bộ đồ truyền thống. Lễ hội cũng chính là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, lưu giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, giúp những người trong buôn xích lại gần nhau hơn, ông ANít cho biết thêm...
Chiều trên đại ngàn, cái nắng, cái gió hòa lẫn theo từng âm thanh của nghệ nhân già. Ở miền nắng gió, lão nghệ nhân ấy vẫn coi cồng chiêng, những nhạc cụ dân tộc được làm từ thanh tre, cây nứa là báu vật, mãi giữ lửa và truyền lại cho đời sau để âm thanh ngân vang nối dài mãi trong tâm hồn mỗi người con nơi núi rừng này.

Theo cán bộ văn hóa xã Ea Hđing, nghệ nhân A Nol là người đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xê Ðăng trên địa bàn. Ông không những đánh cồng chiêng giỏi mà còn là một nghệ nhân chỉnh chiêng rất tài ba, biết chế tác các nhạc cụ dân tộc. Những người như nghệ nhân A Nol đã và đang góp sức mình vào bảo tồn văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa của người Xê Ðăng.

 
Những phụ nữ buôn H’ring đánh Klông pút 
Nguyễn Thảo (TP)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…