(GLO)- “Sinh ra và lớn lên ở làng nên tôi thuộc lòng những góc bếp, giọt nước của làng mình. Yêu làng lắm nhưng cũng trăn trở nhiều lắm. Làm sao để bà con phải chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo, xóa bỏ mọi hủ tục lạc hậu”- Đó là những lời tâm sự từ chính nỗi niềm của già làng Hrmit (làng Brel- xã Biển Hồ-TP. Pleiku).
Gặp già Hrmit khi ông đang giúp dân làm nhà, mồ hôi ướt đẫm gương mặt nhưng ông vẫn tiếp chúng tôi bằng nụ cười trìu mến. Có trò chuyện với ông mới nhận ra rằng, bà con làng Brel yêu quý ông không chỉ vì ông là người nêu gương trong phát triển kinh tế mà hơn hết đó còn là tấm gương góp phần giữ gìn bản sắc, xây dựng nếp sống văn hóa, giúp dân thoát khỏi đói nghèo ở làng Brel. Người dân làng Brel ví ông như “cánh chim đầu đàn”, tiên phong trong chuyện vượt khó làm giàu, nuôi dạy con cái nên người. “Thủ lĩnh tinh thần” ấy cũng là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
Tuy đã ở tuổi 66 nhưng già Hrmit (bên trái ảnh) vẫn thường xuyên đi giúp đỡ dân làng xây nhà, làm hàng rào, sân ngõ… Ảnh: Mai Ka |
Điều khiến già Hmrit trăn trở nhất là cuộc sống của người dân làng Brel vẫn còn nghèo khó. Bà con trong làng vẫn có lúc thiếu ăn, thiếu mặc. Làng có 94 hộ dân với 457 nhân khẩu (trong đó có 13 hộ nghèo). Thương bà con, già Hrmit thường xuyên đi thăm nom các hộ gia đình trong làng, đặc biệt là những gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Rồi già khích lệ, động viên họ thoát nghèo bằng cách chăm chỉ làm ăn, không được buông xuôi hay ỉ lại. Già đem những thông tin bổ ích về kể cho dân nghe, rồi đem những kinh nghiệm tích lũy được truyền lại cho mọi người cùng nhau vận dụng phát triển kinh tế. Già Hrmit tâm sự: “Ban đầu làm công tác tuyên truyền vất vả lắm, bà con không tin những gì mình nói đâu. Mình phải mày mò học thêm nhiều kiến thức vì bản thân mình mà không hiểu rõ được đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì sao nói cho họ hiểu, họ tin mình được. Mình già rồi nên việc học cũng trở ngại lắm. Nhưng nhận thức được vai trò “cầu nối” của mình, vẫn phải lặng lẽ học để đem cái hay, cái đúng về truyền đạt lại cho dân làng”.
Già vượt khó học tập và chứng minh cho bà con thấy được điều mình nói và điều mình làm là đúng. Già cùng vợ mình chăm chỉ làm ăn và nuôi dạy 4 người con trưởng thành. Giờ đây, khi cháu con quây quần no đủ, ông bà vẫn lao động không ngơi nghỉ. Hai vợ chồng chăm sóc 500 cây cà phê, trồng lúa, nuôi thêm heo, gà… Mỗi năm, vợ chồng già Hrmit thu về khoảng 70 triệu đồng. Già vừa làm kinh tế, vừa đảm nhiệm công tác xã hội: Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Biển Hồ, Trưởng ban công tác Mặt trận làng Brel, nên vợ già luôn là người thấu hiểu và ủng hộ ông. “Chồng mình đi giúp dân làng mà, không đi làm việc xấu, không uống rượu say xỉn nên mình thương và không phàn nàn gì đâu. Thấy vui và tự hào vì những việc chồng mình làm cho làng. Mình phải giúp chồng nuôi con, làm kinh tế tốt thì bà con mới tin tưởng và nghe theo lời chồng mình nói”- bà Đung (vợ già Hrmit) cười hiền chia sẻ.
Già Hrmit là tấm gương về phát triển kinh tế của làng. Ảnh: Mai Ka |
Chính từ những trăn trở của mình là giúp đỡ những người nghèo khó trong làng, già đã đưa những hoàn cảnh ấy báo cáo lên các cấp, ngành nhờ sự giúp đỡ. Ông Anunh (làng Brel) nay đã 40 tuổi nhưng bị tàn tật nên phải nằm một chỗ. Ông không có khả năng lao động và phải sống trong căn nhà dột nát. Chứng kiến cảnh đó, già Hrmit không cầm được lòng mình, đã giúp ông Anunh tìm tới các nhà hảo tâm và được họ xây cho một căn nhà mới. Cuộc sống của ông Anunh từ đó cũng không phải ở trong nhà mà lo nắng, lo mưa như trước. Hay hộ bà Amuih (làng Bel) thoát nghèo nhờ được già Hrmit vận động làm chuồng heo và nuôi hai con heo nái. Đến nay đàn heo nhà bà Amuih đang dần sinh sôi nảy nở… Nhìn những hoàn cảnh khó khăn ấy được vực lên và họ lại vui sống, trong lòng già Hrmit vui mừng không tả hết.
Ông Đào Lai (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Biển Hồ-TP. Pleiku) khẳng định: “Già Hrmit thực sự là một “cánh chim” không biết mỏi của làng Brel. Già là người luôn đi đầu trong mọi hoạt động xã hội. Và nếu không có già Hrmit, người dân làng Brel sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc bị đói nghèo đeo bám. Cũng nhờ có già mà người dân trong làng biết đoàn kết vươn lên trong cuộc sống”.
Mai Ka