SỐ PHẬN 6 CỰU BINH RA SAO Ở PHIÊN TÒA SẮP TỚI ?
Theo kế hoạch, ngày 18.2, TAND TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông sẽ xét xử sơ thẩm trở lại vụ án 6 cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng theo khoản 1 điều 189 bộ luật Hình sự 1999 (có khung hình phạt lên đến 5 năm tù).
Vụ án gây chú ý vì 6 cựu chiến binh từng bị TAND tỉnh Đắk Nông kết tội với mức án từ 6 - 7 tháng tù. Sau khi ra tù, các cựu chiến binh tiếp tục kêu oan và được cấp giám đốc thẩm lật lại vụ án. Như vậy, sau 4 năm được TAND cấp cao tại TP.HCM hủy án vì chưa đủ căn cứ buộc tội, 6 cựu chiến binh lại tiếp tục hầu tòa dù vụ án đã kéo dài 10 năm.
![Sáu cựu chiến binh tiếp xúc với các luật sư về vụ án Sáu cựu chiến binh tiếp xúc với các luật sư về vụ án](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248c5ea746f5a2466e7e456ef78fa5b4bfbd750041cfe1a943d4380226f5b01d82af3a7fc934da0c1dc202e39475fa797c8c2e4e7489a871ebbae2ab69c32bc7619/cuu-chien-binh-17393523810211229490715.jpg)
Trong suốt 10 năm qua, 6 cựu chiến binh liên tục kêu oan, gồm: Đỗ Mạnh Hùng (63 tuổi), Ngân Xuân Dũng (65 tuổi), Vũ Tất Đắc (72 tuổi), Hoàng Văn Sằn (68 tuổi), Nguyễn Nam Thái (58 tuổi) và Cao Minh Điến (57 tuổi, cùng ở H.Đắk Song, Đắk Nông), ngoài ra còn có ông Đoàn Xuân Trường đã qua đời.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba này là thẩm phán Mai Đoàn Minh Hương, kiểm sát viên là bà Lê Thị Thanh Dung. Tham gia bào chữa cho 6 bị cáo có 4 luật sư: Nguyễn Thanh Huy (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND tối cao, Đoàn Luật sư TP.HCM), Huỳnh Đạt (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông), Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ngoài ra, còn có ông Y'Lam và ông Phạm Quang Long (Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông) tham gia bào chữa cho các bị cáo.
UBND TP.Gia Nghĩa được xác định là nguyên đơn dân sự của vụ án.
Hôm 20.1, Viện KSND TP.Gia Nghĩa đã ra thông báo giữ nguyên quyết định truy tố 6 cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến tòa. Theo cơ quan này, hôm 3.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Gia Nghĩa ban hành kết luận điều tra bổ sung giữ nguyên bản kết luận điều tra tháng 11.2022. Kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố tại bản cáo trạng tháng 12.2022 của Viện kiểm sát.
![Ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, nhiều lần lên tiếng bảo vệ 6 cựu chiến binh Ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, nhiều lần lên tiếng bảo vệ 6 cựu chiến binh](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248c5ea746f5a2466e7e456ef78fa5b4bfb6e95f8604a3b2515b4306753b9a543b38607b0d9646a048426f5b06544cfd335c2e4e7489a871ebbae2ab69c32bc7619/cuu-chien-binh1-1739352381041903540218.jpg)
TÒA CẤP CAO HỦY ÁN VÌ THIẾU CHỨNG CỨ
Theo hồ sơ vụ án, tại cuộc họp đầu năm 2015, cho rằng không còn rừng nên ông Đỗ Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 6 (xã Trường Xuân, H.Đắk Song), đưa ra ý kiến chi hội sẽ phát dọn đất rừng tại lô 3, lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 1710 (TX.Gia Nghĩa, nay là TP.Gia Nghĩa) để trồng cây keo gây quỹ hoạt động. Tất cả hội viên đồng ý.
Trong 2 ngày của tháng 1.2015 và 2 ngày của tháng 4.2015, các hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn 6 đã chặt những cây bụi, dây leo, cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở xuống và gom lại thành từng đống chờ khô sẽ đốt. Đây là đất rừng do UBND tỉnh Đắk Nông giao Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa (Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín) quản lý.
Theo kết luận giám định tháng 4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu (thuộc Hạt Kiểm lâm TX.Gia Nghĩa), rừng bị hủy hoại 0,98 ha, là rừng sản xuất, thiệt hại hơn 53 triệu đồng. Do đó, 6 cựu chiến binh nói trên bị truy tố.
Cả 2 lần xét xử sơ thẩm, TAND TX.Gia Nghĩa (nay là TP.Gia Nghĩa) tuyên phạt 6 cựu chiến binh với mức án từ 6 - 7 tháng tù. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan vì cho rằng thời điểm chặt các cây bụi, dây leo thì trên thực tế đã không còn rừng nên không thể bị buộc tội hủy hoại rừng.
Xét xử phúc thẩm lần 1 (năm 2016), TAND tỉnh Đắk Nông hủy bản án sơ thẩm. Cuối năm 2017, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm lần 2, bác kháng cáo kêu oan của 6 cựu chiến binh, tuyên y án sơ thẩm.
Sau khi ra tù, 6 cựu chiến binh tiếp tục gửi đơn kêu oan khắp nơi. Năm 2020, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm nêu ra 9 vấn đề cho thấy chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, hủy tất cả các bản án để điều tra lại.
Theo tòa cấp cao, các cựu chiến binh thừa nhận có chặt, phá cây vào 2 ngày tháng 1.2015 và 2 ngày của tháng 4.2015. Tuy nhiên, theo các bị cáo, hiện trạng đã bị chặt phá, đốt cháy trước đó. Các bị cáo chỉ chặt, dọn dẹp những cây nhỏ, cây dây leo để trồng cây gây quỹ.
Nơi xảy ra vụ án, cơ quan tố tụng xác định là rừng nhưng tại sao xung quanh không phải là rừng? Hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh nơi xảy ra vụ án là rừng, chủng loại rừng theo Nghị định 23, Quyết định 186 năm 2006 của Thủ tướng, và Thông tư 34 năm 2009 của Bộ NN-PTNT. Bởi từ đó mới có cơ sở xác định hành vi của các bị cáo có cấu thành tội phạm hay không.
Bên cạnh đó, theo điều 189 bộ luật Hình sự 1999, Thông tư liên tịch số 19 và điều 20 Nghị định 157, phải hủy hoại trên 5.000 m2 (đối với rừng sản xuất) mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan CSĐT xác định các bị cáo chặt, phá rừng trong 4 ngày, trong đó có 2 ngày của tháng 1.2015 là 4.000 m2. Theo văn bản tháng 3.2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông thì rừng lại bị thiệt hại 100%.
Cũng theo tòa cấp cao, Cơ quan CSĐT không chứng minh được diện tích rừng vẫn chưa bị thiệt hại 100% mà chỉ dựa vào lời giải thích của ông Nguyễn Thanh Tùng (cán bộ Hạt Kiểm lâm TX.Gia Nghĩa) để xác định các bị cáo tiếp tục phá rừng trong 2 ngày của tháng 4.2015 là không đủ cơ sở… Từ đó, tòa cấp cao cho rằng "chỉ xác định thiệt hại trên hiện trạng cuối cùng là không khách quan, không định lượng và không đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội".
Sau khi bị tòa cấp cao hủy án, năm 2023, TAND TP.Gia Nghĩa đã 2 lần ra quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung nhiều vấn đề vì cho rằng "thiếu chứng cứ dùng để chứng minh về hành vi hủy hoại rừng của các bị can".
Theo TAND TP.Gia Nghĩa, cần phải làm rõ biên bản vi phạm hành chính và biên bản xác minh vào tháng 3.2015 của Chi cục Kiểm lâm TX.Gia Nghĩa, xác định rừng bị phá trong 2 ngày của tháng 1.2015 đã bị hủy hoại hoàn toàn. Vậy trong 2 ngày của tháng 4.2015, các bị can có chặt phá rừng hay không, diện tích rừng bị hủy hoại là bao nhiêu… là những vấn đề cần làm rõ.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam vào cuộc bảo vệ hội viên
Năm 2024, thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ký công văn kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an kịp thời có hướng dẫn đảm bảo việc xét xử thực sự khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không gây oan sai. Từ đó góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cựu chiến binh trong vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, Hội Cựu chiến binh VN đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét vụ án. Đồng thời, hội còn cử cán bộ trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho các cựu chiến binh tại phiên tòa.
Cũng theo thượng tướng Bế Xuân Trường, vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hội Cựu chiến binh VN nhận định bản kết luận điều tra năm 2022 của Cơ quan CSĐT Công an TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông là "Không mang tính khách quan, toàn diện. Nội dung bản kết luận điều tra không những không đáp ứng được những nội dung, yêu cầu của kháng nghị giám đốc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM, mà vẫn sử dụng những tài liệu điều tra trước đây có vi phạm pháp luật để đề nghị truy tố các bị can". Theo hội, lẽ ra phải áp dụng điều 230 bộ luật Tố tụng hình sự để đình chỉ điều tra vụ án vì "đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được các bị can thực hiện hành vi phạm tội"…
Theo Ngân Nga (TNO)