Người Mường ở Gia Lai đón Tết Độc lập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau gần 30 năm, những người Mường ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đến thôn 6 (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) định cư lập nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, họ còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có Tết Độc lập. Việc làm này không chỉ là niềm tự hào của người Mường mà còn lan tỏa đến cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn biên giới.

Trước ngày diễn ra Tết Độc lập, chúng tôi về thôn 6 xã Ia Piơr. Ban Nhân dân thôn đã huy động thanh niên, phụ nữ quét dọn, chỉnh trang đường sá, cảnh quan và treo cờ hoa rực rỡ khắp các ngả đường, ngõ xóm.

Bà Hà Thị Thắm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6 (thứ 3 từ trái sang) cùng người dân trong thôn dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc chuẩn bị đón Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Yến
Bà Hà Thị Thắm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6 (thứ 3 từ trái sang) cùng người dân trong thôn dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc chuẩn bị đón Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Yến

Ngay từ sáng sớm ngày 2-9, những chiếc bánh chưng, những mâm xôi được nhà nhà bày biện thật đẹp; nhiều nhà cũng đã mổ xong heo để chuẩn bị mâm cỗ đón Tết. Sau đó, bà con các dân tộc anh em gồm: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao, Jrai và Ê-Đê cùng về hội trường và sân bóng của thôn để giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu các trò chơi truyền thống như nhảy sạp, múa xòe…

Bà Bùi Thị Hiên từ quê hương ở tỉnh Hòa Bình vào đây lập nghiệp năm 1994 chia sẻ: “Ngày Tết Độc lập 2-9 không chỉ ở quê mà ở đây đều rất vui, không khí nhộn nhịp, mọi người gặp gỡ, uống với nhau ly rượu, chúc mừng nhau mọi điều thuận lợi, may mắn trong cuộc sống và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống”.

Người dân thôn 6 chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày Tết Độc lập. Ảnh: Hà Thắm
Người dân thôn 6 chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày Tết Độc lập. Ảnh: Hà Thắm

Còn gia đình cựu chiến binh Đỗ Văn Thứ đang hối hả dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị gà, lợn và cùng giã bánh dày… để đón con cháu ở nơi xa về đoàn tụ, cùng ăn Tết Độc lập. Ông Thứ bày tỏ: “Là người vào sinh ra tử qua cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc nên tôi càng thấy được giá trị lớn lao của độc lập, tự do. Chính vì vậy, khi có được cuộc sống khá giả, ổn định như ngày hôm nay, tôi càng trân quý. Sau bữa cơm đoàn viên mừng Tết Độc lập, câu chuyện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được tôi kể lại cho các thành viên trong gia đình để nhắc nhớ và giáo dục con cháu về giá trị lịch sử, khí thế hào hùng của ngày Quốc khánh 2-9”.

Mọi ngả đường ở thôn 6 đều rực rỡ cờ hoa, chào đón Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Yến
Mọi ngả đường ở thôn 6 đều rực rỡ cờ hoa, chào đón Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Yến

Mọi ngả đường ở thôn 6 ngày này đều rực rỡ cờ hoa, sắc màu văn hóa các dân tộc. Bà Hà Thị Thắm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6-cho biết: Thôn 6 hiện có 213 hộ, gần 1.000 người thuộc 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. “Trước đây, việc ăn Tết Độc lập chỉ với người Mường thì vài năm trở lại đây đã được cộng đồng các dân tộc anh em trong thôn cùng tổ chức. Tết Độc lập là dịp để mỗi gia đình tưởng nhớ tổ tiên, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để đất nước được độc lập, tự do, mỗi gia đình có cuộc sống ấm no hạnh phúc”-bà Thắm chia sẻ.

Ông Đinh Công Thiển-Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 6-cho hay: Tết Độc lập với người dân chúng tôi quan trọng lắm. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà mổ heo, mổ gà để thết đãi anh em, con cháu. Những người con đi làm xa về được bố mẹ ưu tiên nấu những món ngon truyền thống và mời họ hàng, làng xóm đến chung vui. “Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, ngày Tết Độc lập, quan trọng nhất là bàn thờ Bác Hồ. Đúng ngày 2-9, chúng tôi thường kính dâng lên 1 mâm xôi, cỗ cúng. Sau đó, thắp nhang và báo công với Bác về những kết quả mà gia đình, con cháu và xóm làng đã đạt được trong năm qua”-ông Thiển xúc động nói.

Múa xòe là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường vui đón Tết Độc Lập. Ảnh: Hà Thắm
Múa xòe là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường vui đón Tết Độc Lập. Ảnh: Hà Thắm

Đến với thôn 6 những ngày này, mọi người đều cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày Tết Độc lập. Dù bận rộn với công việc đồng áng, song từ ngày 1 đến hết 2-9, mọi người đều gác công việc lại để cùng nhau đón Tết Độc lập trong niềm vui, hạnh phúc. Bà Mùi Thị Đào-Chi Hội trưởng phụ nữ thôn 6-bộc bạch: “Trước ngày Tết Độc lập, chị em trong thôn phân công theo nhóm, mỗi người một nhiệm vụ để dọn dẹp vệ sinh quang cảnh đường thôn, tập văn nghệ. Đúng ngày Tết, chị em biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao để ngày Tết thêm vui tươi”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr Hà Văn Tin (thứ 3 từ phải qua) trao đổi với Ban Nhân dân thôn 6 về tổ chức Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Yến
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr Hà Văn Tin (thứ 3 từ phải qua) trao đổi với Ban Nhân dân thôn 6 về tổ chức Tết Độc lập. Ảnh: Đinh Yến

Trao đổi với P.V, ông Hà Văn Tin-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho biết: Thôn 6 có vị trí nằm ở trung tâm xã. Giờ đây, không chỉ với người Mường mà cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trong thôn đều trân trọng giá trị của độc lập tự do mà Đảng, Bác Hồ và cha ông mang lại. Vì vậy, mấy năm nay, ngày Quốc khánh 2-9, tất cả người dân thôn 6 lại hân hoan đón Tết Độc lập. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm, gói bánh cổ truyền dâng lên bàn thờ tổ tiên có treo ảnh Bác Hồ-nơi trang trọng nhất để nhớ mãi về Mùa thu độc lập ấy và cầu mong ấm no, hạnh phúc đến với mỗi nhà. “Đây là nét đẹp văn hóa từ quê hương Hòa Bình được bà con mang vào đây và giữ gìn đến nay. Thông qua tổ chức vui đón Tết Độc lập hàng năm, người Mường và anh em các dân tộc ở địa phương bày tỏ sự trân quý giá trị của độc lập, tự do, tiếp tục cùng nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu đất nước, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”-ông Tin nói.

Còn Bí thư Chi đoàn thôn 6 Đinh Ngọc Sáu cho hay: “Lịch sử lùi xa, nhưng giá trị của độc lập, tự do lại càng được khẳng định. Qua những bài học, những câu chuyện kể lại, tôi đã hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do, hiểu hơn lời dạy của Bác Hồ về dựng nước và giữ nước. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn tôi tiếp tục tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì đất nước. Đó chính là lòng yêu nước”.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.