Người in ấn Điếu văn để làm Lễ truy điệu Bác Hồ tại KonTum năm1969.

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Tôi đã gặp ông vào một ngày Tháng 3 Tây Nguyên lich sử, đầy nắng và gió, được nghe ông kể về kỷ niệm ông trực tiếp sao chép và in ấn “Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Lời Di chúc của Bác” để làm công tác tuyên truyền tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch tại Kon Tum. Ông là Nguyễn Vui, nguyên Giám đốc xí nghiệp in tỉnh Gia Lai-KonTum, đã nghỉ hưu, hiện cư trú tại 145 Hoàng Quốc Việt, phường Hoa Lư, Pleiku, Gia Lai.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, cả nước tiếc thương trước sự ra đi của vị lãnh tụ thiên tài, cả cuộc đời hiến dâng cho dân tộc Việt Nam. Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng quyết định tổ chức Lễ Quốc tang Bác. Hàng triệu trái tim trên khắp dải đất hình chữ S hướng về Hà Nội, hướng về Bác Hồ, hòa với nỗi đau chung của dân tộc. Nhân dân nhiều tỉnh thành bị tạm chiếm tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ ngay trong lòng địch, dưới làn đạn của kẻ thù. Tại tỉnh Kon Tum, khu vực Tây Nguyên xa xôi của đất nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa đánh giặc vừa dõi theo diễn biến Lễ tang Bác ở Hà Nội qua song radio. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã kịp thời chỉ đạo Ban Tuyên huấn in ấn và phát hành bản “Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Lời Di chúc của Bác do đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ Nhất đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch” để phục vụ công tác tuyên truyền. 
Ông Nguyễn Vui tặng bản “Điếu văn của BCH Trung ương Đảng và Lời Di chúc của Bác” cho cán bộ Nghiệp vụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. (Ảnh: M.A)
Ông Nguyễn Vui tặng bản “Điếu văn của BCH Trung ương Đảng và Lời Di chúc của Bác” cho cán bộ Nghiệp vụ, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: M.A
Tổ 3 người đang làm công tác in ấn tại Nhà in giải phóng Kon Tum được giao nhiệm vụ ý nghĩa này gồm: Đặng Thanh Châu, Nguyễn Vui và A Ngô. Chữ in là chữ viết tay (viết ngược) của ông Đặng Thanh Châu, sau đó được in li-to (tiếng Pháp: lithographie, là phương pháp in bản phẳng trên đá) trên đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam-Đà Nẵng. Tổ in đã không quản mệt nhọc, miệt mài làm việc để có tài liệu tuyên truyền phục vụ Lễ truy điệu Bác tại Kon Tum. 700 bản in thủ công đã được in xong ngày 15-9-1969, mỗi bản có kích thước 10cm x 14cm, gồm 16 trang (chưa kể bìa), chữ in màu đỏ cánh sen.
Sau khi in xong, nhìn sản phẩm do chính tay mình làm ra ông lại rưng rưng nghĩ đến Bác, Từ sự yêu kính đối với Bác, tâm đắc và xúc động về tài liệu quý liên quan đến Hồ Chủ tịch, ông xin phép tổ chức giữ lại 1 bản làm kỷ niệm của riêng mình. Trải qua mấy chục năm công tác, kinh qua nhiều chức vụ, chuyển công tác và chuyển nhà nhiều lần ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, ông vẫn bảo quản và giữ gìn cẩn thận bản in li-to “Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Lời Di chúc của Bác do đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ Nhất đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch”.
Khi được tổ chức điều về làm trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Vui có thời gian tiếp cận và tìm hiểu về công tác bảo tàng. Ông suy nghĩ nếu mình giữ làm kỷ niệm sẽ bảo quản không tốt và không phát huy được tính tuyên truyền của một tài liệu quý liên quan đến Bác Hồ, đặc biệt trong tình hình hiện nay cả nước đang đẩy mạng việc học tập và làm theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ông đã tặng bản “Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Lời Di chúc của Bác do đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ Nhất đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum lưu giữ làm công tác tuyên truyền lâu dài.
Tôi hỏi sao nhiều năm công tác tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, ông không tặng kỷ vật này cho bảo tàng tỉnh? Ông vui vẻ bộc bạch: Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là cơ quan tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mảnh đất Tây Nguyên; kỷ vật này liên quan đến một sự kiện “đặc biệt” về Hồ Chủ tịch nên tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum hoàn toàn hợp lý. Như tâm nguyện của ông Nguyễn Vui, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum sẽ bảo quản thật tốt và hoàn tất hồ sơ hiện vật để trưng bày giới thiệu đến công chúng.
Nguyễn Anh Minh

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.