Người góp phần tôn vinh vẻ đẹp áo dài Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tối 29-2, hơn 50 nhà thiết kế (NTK) áo dài trong cả nước sẽ có phần ra mắt các bộ sưu tập ấn tượng trong đêm khai mạc Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2024 diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Gia Lai có đại diện duy nhất được mời tham gia chương trình, đó là NTK Nguyễn Hạnh. Là “tay ngang” với đam mê rất tình cờ, bà đã góp phần vào hành trình gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của áo dài-biểu trưng cho sự duyên dáng và thuần khiết của phụ nữ Việt.

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh khiến nhiều người ngạc nhiên khi khởi nghiệp với áo dài khi đã ở độ tuổi U60. Điều đó đã truyền cảm hứng đến phụ nữ với tư duy: Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn.

Độc đáo áo dài di sản

Theo thông tin từ Ban tổ chức Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2024, đêm khai mạc chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam tổ chức. Điểm nhấn của show diễn là bộ sưu tập “Tinh hoa Việt Nam” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam-cái tên quen thuộc của làng thời trang Việt, với nỗ lực quảng bá áo dài thông qua kỹ thuật cắt may, thêu đính, vẽ tay tinh xảo trên nền chất liệu lụa SVF cao cấp theo xu hướng thời trang quốc tế.

Chương trình còn có sự góp mặt của hơn 50 NTK là những học viên xuất sắc nhất sau các khóa học cắt may và thiết kế áo dài ly vuông do NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tổ chức. Fashion show có sự kết hợp nhiều loại hình trình diễn, ca múa hấp dẫn; đặc biệt là màn trình diễn áo dài của các phu nhân Đại sứ Mỹ, Armenia, Maroc, Cộng hòa Séc, Indonesia…

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh cho biết: Bà mang đến chương trình bộ sưu tập “Áo dài di sản” gồm 5 chiếc, tôn vinh vẻ tuyệt sắc của thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku), núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) và thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Đây là những hình ảnh đã đi vào thi ca, nhạc họa nhưng là lần đầu tiên xuất hiện trên áo dài.

Những sản phẩm độc đáo với sự tỉ mỉ của từng đường kim mũi chỉ, nét bay bổng của tà áo duyên dáng sẽ góp phần tôn thêm vẻ đẹp và giá trị di sản thiên nhiên của vùng đất Gia Lai.

Các mẫu thiết kế áo dài tôn vinh thắng cảnh Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya và thác Phú Cường (ảnh nhân vật cung cấp).

Các mẫu thiết kế áo dài tôn vinh thắng cảnh Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya và thác Phú Cường (ảnh nhân vật cung cấp).

Chia sẻ cảm xúc cùng P.V Báo Gia Lai, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận xét: “Bộ sưu tập “Áo dài di sản” như những bức tranh thủy mặc lung linh, huyền ảo, thơ mộng và kỳ vỹ. Sự phối hợp của NTK Nguyễn Hạnh và Công ty cổ phần Thời trang Sen Vàng không chỉ làm nên vẻ đẹp của bộ áo dài thời trang cao cấp mà còn truyền đi thông điệp về văn hóa-du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh di sản Gia Lai ra quốc tế.

Các mẫu áo dài này có thể mặc trong những sự kiện văn hóa quan trọng, các dịp lễ, Tết, giúp mọi người ngắm nhìn, tận hưởng vẻ đẹp món quà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất Gia Lai”.

Để ra mắt bộ sưu tập này, NTK Nguyễn Hạnh đã liên hệ với các nhiếp ảnh gia trao đổi về vấn đề tác quyền, kỳ công chọn lựa những hình ảnh đẹp nhất, phù hợp nhất để đưa lên áo dài kết hợp thêu đính phụ liệu, thiết kế hoa văn. Bằng cách đó, bà đã kể lại câu chuyện sống động về vẻ đẹp thiên nhiên của xứ sở cao nguyên.

Tại đêm khai mạc Tuần lễ Áo dài Việt Nam 2024, bà sẽ đứng chung trên sân khấu thời trang cùng hơn 50 NTK khác và đặc biệt là NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam-người được biết đến với nhiều bộ sưu tập áo dài từng xuất hiện trên các sàn diễn thời trang danh giá trong và ngoài nước như: “S Vietnam”, “Sen Vàng”, “Di sản Việt”, “Giấc mơ hoa”...

Khởi nghiệp tuổi U60

Người phụ nữ tuổi 56 từng là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, nghỉ hưu năm 2018. Chỉ 1 năm sau đó, bà phải qua một cuộc đại phẫu tim mạch. Yêu thương và biết ơn những ngày mình đang sống, bà Hạnh khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Sống Xanh với nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa vì cộng đồng, kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường. Trong đại dịch Covid-19, bà và các thành viên (hầu hết là giáo viên về hưu và các nhà hảo tâm) đã tích cực vận động nguồn lực để hỗ trợ người dân trong và ngoài tỉnh.

Vóc người nhỏ bé nhưng bà Hạnh khiến nhiều người bất ngờ vì nguồn năng lượng sống mà bản thân âm thầm tích trữ. Giữa năm 2023, biết được thông tin về khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài ly vuông” miễn phí do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và Học viện SVF Academy tổ chức, thu hút sự tham gia của gần 1.000 hội viên khắp các tỉnh, thành trên cả nước, bà Hạnh quyết định đăng ký.

“Mới đầu, tôi chỉ nghĩ là học để may cho mình và cho bạn bè thân thiết thôi, nhưng khi học xong thì mới cảm thấy đây là cơ hội chia sẻ với cộng đồng”-bà Hạnh chia sẻ.

NTK Nguyễn Hạnh và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (ảnh nhân vật cung cấp).

NTK Nguyễn Hạnh và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (ảnh nhân vật cung cấp).

Được sự khích lệ từ gia đình, hơn nửa năm qua, bà miệt mài học online trên phần mềm Zoom để được hướng dẫn phương pháp cắt may, thiết kế áo dài ly vuông đầy sáng tạo, giúp rút ngắn thời gian hoàn thiện một chiếc áo dài truyền thống. Phương pháp này còn tôn lên tối đa phom dáng người mặc với ưu điểm không nhăn nách, không dúm cổ, lộ bụng.

Mục tiêu của khóa học là hỗ trợ phụ nữ có thể khởi nghiệp, mở cửa hàng may, thiết kế áo dài và kinh doanh hiệu quả trong điều kiện khó khăn vì mất việc hoặc không có công việc ổn định sau dịch Covid-19. Đây còn là một trong những hoạt động nhằm lan tỏa và quảng bá để áo dài sớm được Chính phủ công nhận là quốc phục và hướng tới đề xuất UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hào hứng nói về chiếc áo dài ly vuông, NTK Nguyễn Hạnh cho hay: Theo cách thức truyền thống, nếu muốn học may áo dài phải mất 1-2 năm. Nhưng đến với lớp học online này, bà chỉ cần học 1 tháng là đã có thể may hoàn chỉnh sản phẩm. Phương pháp cắt may áo dài ly vuông vừa nhanh, vừa khắc phục khuyết điểm theo từng dáng người nên mặc vào rất đẹp, vừa vặn.

Hiện bà đã học xong các lớp thiết kế cấp độ 1, 2, 3 và sắp sửa hoàn thành khóa học về khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu với áo dài. Các khóa học đòi hỏi sự sáng tạo rất cao song bà vẫn theo đến cùng với mong muốn làm sao để phụ nữ ai cũng đẹp, cũng kiêu hãnh khi mặc bộ áo dài.

Người thầy đứng lớp Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ: “Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh là một nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng thái độ học tập rất tuyệt vời. Mặc dù sức khỏe có phần hạn chế nhưng bà luôn là học viên truyền năng lượng. Không những vậy, bà còn tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ các học viên khác. Ngay sau khóa học, bằng tình yêu áo dài, bà đã thiết kế những bộ trang phục rất đẹp. Thành công của bà Hạnh cũng chính là thành công của khóa học này”.

Một trong những khách hàng đầu tiên và rất tín nhiệm áo dài ly vuông là bà Phạm Thị Tường Vy, hiện đang sinh sống tại Sydney (Úc). Tự hào gửi cho P.V những bức hình mặc bộ trang phục áo dài chụp lưu niệm tại các điểm đến nổi tiếng tại xứ sở kangaroo, bà Vy xúc động: “Tôi rất tự hào khi mặc chiếc áo dài Việt Nam ở Úc. Khách nước ngoài đều bảo họ rất thích kiểu dáng và màu sắc chiếc áo. Áo dài ly vuông mặc tôn dáng nên tôi sẽ tiếp tục nhờ Hạnh may thêm. Tết này, dù ở nơi xa xứ, tôi cũng mặc áo dài đi lễ chùa để hòa cùng không khí Tết Việt Nam với mọi người”.

“Áo dài Sống Xanh”

Cơ sở thiết kế áo dài Nguyễn Hạnh (32-34 Tô Hoài, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) ra mắt chưa lâu, nhưng với tinh thần thiện nguyện sẵn có, bà Hạnh đã nghĩ đến việc thành lập Quỹ “Áo dài Sống Xanh”. Mục tiêu của Quỹ là may tặng áo dài cho nữ sinh khó khăn thông qua việc trích lợi nhuận từ cơ sở và huy động sự hỗ trợ, đóng góp của các nhà hảo tâm.

Người phụ nữ nhỏ nhắn, chưa khi nào hết “lửa” với công tác thiện nguyện nhớ lại: Năm 2019, trong một trận lũ lớn ở miền Trung, nhiều cô giáo ở Quảng Nam đã bị cuốn trôi hết đồ đạc, giáo án. Trước tình cảnh ấy, các thành viên Câu lạc bộ Sống Xanh đã vận động, quyên góp hàng chục bộ áo dài cũ để gửi tặng. Số áo dài này được trao đi sau khi đã giặt sạch, đóng bao bì cẩn thận, bên ngoài ghi rõ size, cân nặng, chiều cao để người nhận chủ động lựa chọn bộ trang phục phù hợp.

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh (bìa phải) bên một người mẫu trình diễn áo dài ly vuông do mình thiết kế (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh (bìa phải) bên một người mẫu trình diễn áo dài ly vuông do mình thiết kế (ảnh nhân vật cung cấp).

Cũng với tinh thần ấy, tới đây, Quỹ “Áo dài Sống Xanh” sẽ có buổi ra mắt tại TP. Pleiku trong không khí đầm ấm tình thân. Vào cuối mỗi năm học, Quỹ lựa chọn những nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn và nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc để may tặng áo dài.

Được mời tham gia buổi ra mắt trong vai trò dẫn chương trình và người mẫu trình diễn, chị Trần Thanh Bình (phường Tây Sơn, TP. Pleiku), một MC chuyên nghiệp chuyện trò: “Khoác lên người bộ áo dài nữ sinh nền nã, vừa vặn do cô Hạnh thiết kế, tôi rất xúc động. Tôi càng hiểu cảm giác của các bạn nữ sinh vùng khó khi được may tặng bộ áo dài”.

“Biết ơn” là điều mà NTK Nguyễn Hạnh chia sẻ khi nói về cảm hứng sống tích cực đến từ đam mê rất tình cờ, mang đến niềm tin về bước phát triển mới mẻ của bản thân. “Trước mắt, cơ sở thiết kế áo dài Nguyễn Hạnh hướng đến phục vụ nhu cầu của phụ nữ địa phương; Quỹ “Áo dài Sống Xanh” cho thuê trang phục để chị em phụ nữ có thể trải nghiệm với áo dài cao cấp.

Một mục tiêu nữa của chúng tôi là đồng hành cùng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhằm “xuất khẩu áo dài” trong năm 2024”-NTK Nguyễn Hạnh hào hứng nói về dự định trong thời gian đến.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.