Người giữ “hồn” ring rơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân làng Bok Yơl (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thường gọi ông Byơh là người lưu giữ “linh hồn” của gió. Bởi lẽ, ông là người duy nhất ở vùng đất này còn nhớ cách tạo ra những chiếc chuông gió cổ xưa của người Bahnar. Thanh âm của chuông gió là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, là tài sản quý gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần.

“Linh hồn” của gió

Căn nhà sàn của ông Byơh luôn ngập tràn trong âm thanh của hàng chục chiếc chuông gió lớn nhỏ. Dù ở tuổi 63 nhưng đôi tai của ông vẫn khá nhạy bén trước những chuyển động nhỏ nhất. Chính vì vậy, mỗi chiếc chuông gió được ông làm ra đều mang những thanh âm khác biệt. Chỉ tay vào chiếc chuông gió có hình cây nêu treo trong nhà, ông Byơh kể: “Người Bahnar gọi chuông gió là ring rơng. Năm lên 10 tuổi, tôi đã bị mê hoặc bởi hình dáng và âm thanh đặc biệt của loại nhạc cụ này. Xưa nay, trong làng chỉ có gia đình tôi có thể làm ra những chiếc ring rơng. Chúng tôi xem đây là tài sản truyền đời của gia đình. Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể nhớ rõ đôi tay mình đã làm bao nhiêu chiếc ring rơng nữa”.

Ông Byơh và con gái bên những chiếc chuông gió do mình chế tác. Ảnh: T.D

Ông Byơh và con gái bên những chiếc chuông gió do mình chế tác. Ảnh: T.D

Nói rồi, ông Byơh đứng dậy đi về phía cuối cầu thang, ngắm nhìn chiếc chuông gió đang đung đưa nhè nhẹ. Ông bảo: “Người Bahnar có thể dựa vào hướng gió và âm thanh của chuông để đoán được thời tiết. Chiều nay, trời sẽ kéo mưa đấy!”. Thấy chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên, ông Byơh cười rồi lý giải: Trong quan niệm của người Bahnar, âm thanh của ring rơng sẽ xua đuổi tà ma, bảo vệ con người khỏi quỷ dữ. Vì thế, ring rơng cũng được dùng trong các nghi lễ trừ tà vì người ta tin rằng âm thanh tiếng chuông có thể đuổi linh hồn quỷ dữ đi chỗ khác. Ngoài ra, loại nhạc cụ này cũng giúp người làng nghe được hướng gió, tiếng mưa… từ đó chủ động trong sinh hoạt và sản xuất mùa màng.

Để làm ra một chiếc chuông gió có âm thanh đạt chuẩn, đôi tay của ông Byơh không biết bao lần tứa máu. Ban đầu, ông học làm những chiếc chuông gió có kiểu dáng đơn giản nhất, bao gồm 1 thanh tre với 5 ống nứa. Nhưng, với niềm đam mê và tâm huyết của mình, dần dần, ông tìm tòi học cách làm những chiếc ring rơng cổ. Quá trình làm ring rơng cổ cũng công phu hơn, đòi hỏi phải có bàn tay khéo và đôi tai thính nhạy để điều chỉnh âm thanh phù hợp. “Ring rơng cổ của người Bahnar có từ lâu đời. Tôi được ông nội và bố truyền lại. Chúng có hình dáng, mẫu mã như: cây nêu, quả bầu, con chim, cái gùi… Mỗi chiếc sẽ được dùng ở những hoàn cảnh khác nhau. Cách tạo âm thanh là khâu khó nhất trong quá trình làm ra những chiếc ring rơng xưa”-ông Byơh cho hay.

Nói rồi, ông Byơh chỉ cho chúng tôi từng bộ phận làm nên chiếc chuông gió: “đak get”-phần trên với hình chiếc bầu hay hình mái nhà rông, cây nêu…; “dơ vêng”-vòng treo bằng nan tre uốn tròn, trên vòng cột những sợi dây cân đối nhau. Đặc biệt, “ring rơng”-những ống nứa là bộ phận chính phát âm thanh phải được làm từ duy nhất một cây nứa để giúp âm thanh đồng nhất. Cây nứa vừa già, cao, thẳng, nhiều lóng được chọn đem về phơi nắng trong 1 tuần cho vừa khô. Thông thường ống nứa dài nhất khoảng 45-50 cm, đường kính 4-5 cm và ống ngắn nhất khoảng 25-30 cm, đường kính 2-3 cm. Tựa như các phím đàn trưng, tùy theo ống dài-ngắn, to-nhỏ sẽ cho âm thanh khác nhau. Các ống nứa này được cột vào giá treo sao cho ống dài nhất ở giữa, các ống còn lại xung quanh tượng trưng các con vây quanh người mẹ, để khi gió thổi nhẹ cũng đủ lay chiếc ống to nhất khiến các ống xung quanh va vào nhau thành tiếng vang. “Khi cắt khúc, tạo âm, nghệ nhân phải cẩn thận vát miệng ống để có âm thanh khác biệt, gần giống với thanh âm của núi rừng. Gió thổi càng mạnh thì tiếng kêu càng to, khô và giòn như một dàn hòa tấu âm thanh”-ông Byơh miêu tả.

Ngoài âm thanh độc đáo thì các họa tiết được trang trí trên những chiếc chuông gió cũng thể hiện nhãn quan của người Bahnar về thiên nhiên, con người. Màu sắc trên chuông gió được phối một cách tinh tế, thanh thoát mà rắn rỏi; trong đó 2 màu được sử dụng nhiều nhất là màu đen-tượng trưng cho đất đai và màu đỏ-tượng trưng cho mặt trời. Người Bahnar ở làng Bok Yơl cho rằng, ring rơng do đôi tay tài hoa của ông Byơh chế tác mang “linh hồn” của gió. Ông Pynh-người dân làng Bok Yơl-chia sẻ: “Đó là sự hòa hợp giữa chuông và gió để tạo nên một âm điệu của đất trời, cỏ cây, của âm-dương, mặt trăng-mặt trời. Ring rơng còn thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; được coi là biểu tượng may mắn trong văn hóa của người Bahnar. Vì lẽ đó mà hầu như mỗi nếp nhà ở làng Bok Yơl đều treo một vài chiếc ring rơng”.

Ring rơng ngân xa

Chuông gió do ông Byơh chế tác ngoài việc trang trí trong nhà còn được dùng làm vật treo trên cây nêu hay ở nhà rông trong những buổi lễ truyền thống như: mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng năm mới hay trong các nghi lễ như đám cưới, lễ đặt tên của người Bahnar. Loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này đang được ông Byơh và các con của ông quảng bá rộng rãi và trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất Hà Ra.

Ngoài âm thanh độc đáo thì các họa tiết được trang trí trên chuông gió xưa cũng mang ý nghĩa liên quan đến thiên nhiên, cây cối, đời sống của người Bahnar. Ảnh: T.D

Ngoài âm thanh độc đáo thì các họa tiết được trang trí trên chuông gió xưa cũng mang ý nghĩa liên quan đến thiên nhiên, cây cối, đời sống của người Bahnar. Ảnh: T.D

Chế tác chuông gió cũng được xem là một nghề truyền thống. Bởi vậy, ông Byơh ngày đêm trăn trở để truyền nghề cho 3 người con. May mắn là các con của ông đều mang trong mình tình yêu với văn hóa truyền thống nên luôn tích cực học hỏi. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Tan tự hào kể: “Hồi nhỏ, tôi thường theo bố lên rừng lấy nứa về làm ring rơng. Những sản phẩm đầu tay phát ra âm thanh không hay như của bố làm nhưng tôi không bỏ cuộc. Chỉ sau vài năm, tôi đã tự tin làm ra thật nhiều loại chuông khác nhau. Để loại nhạc cụ này vươn ra khỏi ngôi làng Bok Yơl và được nhiều người biết tới, tôi đã tìm cách kết nối với các cửa hàng lưu niệm tại một số khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiệu ứng du khách khá tốt khi tiếp nhận loại nhạc cụ đặc biệt như ring rơng. Có thời điểm, gia đình tôi bán ra khoảng 100 sản phẩm mỗi tháng, giá dao động trong khoảng 150-500 ngàn đồng/chiếc, tùy kích cỡ”.

Chị Nguyễn Anh Phương-Chủ cửa hàng lưu niệm, đặc sản Tây Nguyên (57 Quang Trung, TP. Pleiku) cho biết: “Chuông gió của người Bahnar là loại nhạc cụ dùng làm quà lưu niệm đẹp, mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng của vùng miền. Đặc biệt, chuông gió còn tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi nên du khách tới Gia Lai rất hứng thú. Bằng sự tài hoa và khéo léo, người Bahnar đã biến tre, nứa thành những chiếc chuông gió độc đáo. Ngoài những chiếc chuông gió cổ xưa, hiện nay, ông Byơh và các con đã cải tiến thành nhiều kiểu dáng bắt mắt hơn và trở thành sản phẩm được nhiều du khách gần xa đặt mua”.

Với ông Byơh, việc duy trì nghề chế tác chuông gió không chỉ là để thỏa mãn đam mê, tâm huyết mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, khi các con của ông đưa chuông gió ra thị trường để nhiều người biết đến, ông rất phấn khởi. Ông bày tỏ: “Các con đều có công việc riêng nhưng đều có chung tình yêu với nhạc cụ truyền thống. Tôi mong rằng con cháu mình sẽ gìn giữ và lan tỏa được tình yêu này”.

Ông Byơh bên chiếc chuông gió cổ hình cây nêu do chính tay ông chế tác. Ảnh: Trần Dung

Ông Byơh bên chiếc chuông gió cổ hình cây nêu do chính tay ông chế tác. Ảnh: Trần Dung

Nghệ nhân Byơh: “Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể nhớ rõ đôi tay mình đã làm bao nhiêu chiếc ring rơng nữa. Tôi mong rằng, con cháu mình sẽ gìn giữ và lan tỏa được tình yêu với nhạc cụ truyền thống, trong đó có ring rơng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, động viên thanh niên trong làng cùng học nghề chế tác ring rơng để cho thanh âm ring rơng của người Bahnar sẽ vang xa mãi”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Yung-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra-cho hay: “Hà Ra có 7 làng người Bahnar nhưng chỉ có ông Byơh duy trì việc chế tác chuông gió. Điều đáng mừng là thế hệ con cháu của ông Byơh đang tiếp nối mạch nguồn văn hóa này để chuông gió không bị mai một, biến mất. Chuông gió được xem là loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Bahnar, mang đặc trưng văn hóa dân tộc nên có thể bảo tồn và phát huy trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật, du lịch… Thời gian tới, địa phương sẽ chung tay để cùng người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là ring rơng”.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.