Người gắn bó với núi rừng Kon Ka Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gắn bó với vườn Quốc gia Kon Ka Kinh gần 40 năm, ông Đinh Djưng (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) dường như thuộc lòng từng gốc cây, ngọn cỏ, lối đi trong cánh rừng rộng hàng chục ngàn héc ta này. Nhờ đó, ông được mời tham gia dẫn đường cho các nhóm chuyên gia đi tìm hiểu, nghiên cứu và bảo vệ giống voọc chà vá chân xám quý hiếm đang sinh sống tại Kon Ka Kinh, đồng thời chung tay phát triển du lịch cộng đồng.
Dẫn đường tìm voọc chà vá chân xám
Khi Kon Ka Kinh còn là một khu rừng hoang sơ, chưa được bảo vệ, ông Djưng đã ngày ngày vào rừng săn bắt. Thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà nên ông thuộc nằm lòng cánh rừng rộng lớn này. Thác Ba Tầng, đỉnh Đá Trắng, thác 95… là những nơi mà ông Djưng đi qua không biết bao nhiêu lần. Nhờ thông thạo địa hình, năm 2004, ông được mời tham gia dẫn đường cho đoàn nghiên cứu voọc chà vá chân xám tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
“Trước kia thường xuyên đi rừng nên mình nắm rõ khu vực nào voọc xuất hiện. Có khi chỉ cần ngửi mùi khai nước tiểu động vật hay dấu răng trên trái cây rừng, mình cũng đoán được đó có phải của bầy voọc hay không, từ đó đoán hướng đi và dẫn đoàn đến đúng nơi chúng tập trung sinh hoạt. Cứ khoảng cuối tháng 3, voọc chà vá chân xám sẽ tập trung về rất nhiều ngay tại thác Ba Tầng và đỉnh Đá Trắng. Ngày trước, có thời điểm mình bắt gặp đàn voọc lên tới 108 con. Còn lại tùy từng đàn, khoảng vài chục con”-ông Djưng say sưa nói.
 Ông Đinh Djưng giới thiệu tấm ảnh voọc chà vá chân xám do chính tay ông chụp. Ảnh: P.L
Ông Đinh Djưng giới thiệu tấm ảnh voọc chà vá chân xám do chính tay ông chụp. Ảnh: P.L
Trong những chuyến đi cùng đoàn công tác vào rừng tìm nơi có voọc, ông Djưng cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ chụp ảnh, quay phim, kiểm đếm số lượng voọc trong đàn để làm tư liệu cho chương trình. Chỉ tay lên bức ảnh một chú voọc chà vá treo trên vách nhà sàn (trong ảnh còn có cả những dòng chữ tiếng Việt được dịch sang tiếng Bahnar giới thiệu ngắn gọn về tên gọi, giống loài và quy định xử phạt nếu săn bắt, nuôi nhốt, giết, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép loài linh trưởng quý hiếm ấy), ông Djưng tự hào nói: “Tấm ảnh này là do mình chụp đấy! Một anh trong đoàn công tác in ra và tặng lại. Bà con trong làng đến chơi, mình đều kể chuyện đi tìm voọc, rồi nói mọi người đừng săn bắt voọc nữa, vì nó là loài vật quý lắm, lại có nguy cơ bị tuyệt chủng”. Từ việc được tham gia cùng với đoàn nghiên cứu, ông Djưng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, sự quý hiếm của loài linh trưởng mang tên voọc chà vá chân xám đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Cho đến giờ, ông vẫn là một cộng tác viên đắc lực cho công tác nghiên cứu voọc cũng như các loài thú khác. Hiện ông được giao nhiệm vụ theo dõi các camera traps đặt trong rừng. Cứ định kỳ hàng tháng, ông Djưng lại vào kiểm tra máy, thay thẻ nhớ, nạp pin cho các thiết bị. Công tác nghiên cứu nhờ đó mà luôn được xuyên suốt, thuận tiện.
Anh Nguyễn Ái Tâm-điều phối hoạt động Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, người gắn bó thân thiết với ông Djưng qua các chuyến thực địa trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-chia sẻ: “Với kỹ năng, kinh nghiệm cực kỳ sâu sắc trong việc thực địa, khả năng định hướng tuyệt vời, hiểu rõ địa hình rừng núi, tập tính của các loài động vật, đặc biệt là voọc chà vá chân xám, ông Djưng đã rất tích cực, nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi trong những chuyến đi rừng, đem lại hiệu quả cao cho chương trình nghiên cứu”.
Yêu thích làm du lịch
Không chỉ làm người dẫn đường cho các đoàn nghiên cứu, ông Djưng còn làm “tour guide” (hướng dẫn viên du lịch) cho du khách khi đến tham quan Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Thêm một ưu điểm của ông khiến mọi người rất yêu quý, đó là tài nấu nướng rất ngon. Anh Tâm cho biết: “Khi đi cùng đoàn chúng tôi, ông Djưng cũng thường xuyên nấu các món ăn truyền thống, có nhiều món ăn được hái từ các loài lá cây trong rừng. Ông cũng rất am hiểu các loài dược liệu quý và sử dụng chúng để điều trị một số bệnh như đau dạ dày, đau bụng… rất tốt”.
Từ việc được tiếp xúc, làm việc với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, du khách từ khắp nơi, ông Djưng đã tích lũy được khá nhiều kiến thức. Đặc biệt, ông rất nhạy bén trong việc tiếp thu cách làm du lịch. Anh Tâm cho hay, nhóm nghiên cứu của anh thường xuyên tổ chức cho ông Djưng và một vài người trong làng đi tham quan để tìm hiểu thêm về cách làm du lịch ở các nơi như bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), phố cổ Hội An, cố đô Huế, vườn Quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đak Lak)… Ông Djưng bày tỏ: “Sau mỗi chuyến đi, thấy người ta làm du lịch, mình lại càng muốn thu hút du khách đến với buôn làng, với quê hương mình nhiều hơn”. Theo ông, người Bahnar ở Đê Kjiêng cũng có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc như dệt thổ cẩm, cồng chiêng, đan lát; có các lễ hội như đâm trâu, pơ thi, cúng giọt nước; có các món ăn ngon như cơm lam, gà nướng, bánh “voch” (loại bánh gói bằng lá đót)… “Những điều ấy vô cùng đặc sắc và mình đang kêu gọi bà con trong làng khôi phục lại, vừa để giữ gìn truyền thống, vừa để phục vụ cho du khách, vì làng mình được chọn để làm du lịch của tỉnh mà. Nếu được, mình cũng sẽ đầu tư để làm homestay cho khách đến ở lại. Hiện giờ mình đang xây nhà tắm, nhà vệ sinh để phục vụ cho du khách rồi đấy”-ông Djưng chia sẻ.
Trong suốt câu chuyện của mình, ông Djưng rất hào hứng khi kể lại những lần được dẫn khách nước ngoài đi tham quan Kon Ka Kinh. Tôi hỏi ông có biết nói tiếng Anh không, ông cười thật tươi nói: “Mình cũng chỉ nói được vài từ giao tiếp, từ chỉ một số con vật, cây cối để nói cho người ta hiểu. Nếu có điều kiện, mình cũng muốn được học tiếng Anh. Học nói chắc cũng dễ thôi, học nghe, viết thì chắc hơi khó một chút, vì cũng lớn tuổi rồi”.
Rồi đây, ngôi làng Đê Kjiêng mà ông đang sống sẽ dần chuyển mình, được đầu tư để trở thành làng du lịch cộng đồng. Ngôi nhà rông truyền thống sẽ được dựng lại trong nay mai, bộ cồng chiêng mà ông Djưng để sẵn nơi góc nhà sẽ tấu lên những âm thanh vang vọng khắp núi rừng trước sự thích thú của du khách. Từ giờ đến lúc ấy, làng Đê Kjiêng cần thật nhiều người dân cùng quyết tâm làm du lịch như ông Djưng.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm