Người dân Ia Ka góp sức làm đường giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự tự nguyện đóng góp của người dân, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Nhờ đó, người dân đi lại và giao thương hàng hóa thuận tiện, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 cùng sự đóng góp ngày công của người dân, con đường bê tông dài 600 m ở làng Blúk Blui đã được hoàn thành.

Chỉ tay về phía con đường, ông Krớt vui vẻ nói: “Ngày trước, con đường này lầy lội, trơn trượt mỗi khi mưa xuống, còn mùa nắng thì bụi mù rất khó đi. Các cháu học sinh đến trường rất vất vả. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường bê tông, gia đình tôi góp ngày công và tự nguyện tháo dỡ hàng rào dài khoảng 50 m”.

Ông Krớt (bìa trái), làng Blúk Blui phấn khởi khi nhiều tuyến đường được bê tông hóa. Ảnh: Lê Nam

Ông Krớt (bìa trái), làng Blúk Blui phấn khởi khi nhiều tuyến đường được bê tông hóa. Ảnh: Lê Nam

Còn ông Rơ Châm Ban thì cho biết: Khi Ban Nhân dân thôn thông báo Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, bà con ai cũng phấn khởi. Sau đó, các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường đã chủ động tháo dỡ vật kiến trúc, riêng gia đình ông tự nguyện dỡ hơn 50 m hàng rào để giao mặt bằng thi công. “Hàng rào này gia đình phải bỏ chi phí hơn 20 triệu đồng để kéo lưới B40. Tuy nhiên, để có đường đẹp thì các gia đình phải cùng nhau góp sức, góp công”-ông Ban chia sẻ.

Theo ông Rơ Châm Ruen-Trưởng thôn Blúk Blui: Khi Nhà nước hỗ trợ 90% kinh phí để làm đường bê tông, bà con rất phấn khởi, sẵn sàng đóng góp ngày công lao động, chủ động tháo dỡ hàng rào, chặt cây cà phê để giải phóng mặt bằng giúp việc thi công được thuận lợi. Năm 2022, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, Nhà nước hỗ trợ 90% kinh phí, còn lại do người dân đóng góp nên đã làm được 700 m đường bê tông. Đến nay, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa đạt 60%.

Những ngày cuối năm 2023, con đường bê tông dài hơn 1 km ngay tại trung tâm làng Mrông Yố 1 cũng đã hoàn thành trong niềm vui của người dân. Dẫn chúng tôi tham quan con đường mới được đổ bê tông, ông Rơ Châm Phyih-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mrông Yố 1-cho hay: Trong 2 năm (2022-2023), cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, dân làng đã đóng góp thêm kinh phí và ngày công làm được hơn 2 km đường bê tông. Đến nay, đường giao thông trong làng đã bê tông hóa được khoảng 40%.

“Làng Mrông Yố 1 có 238 hộ dân, 1.078 khẩu, 100% là người Jrai. Khi được Nhà nước đầu tư làm đường giao thông nông thôn, bà con rất phấn khởi. Bộ mặt nông thôn từng ngày khởi sắc, đời sống người dân cũng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm. Làng hiện còn 10 hộ nghèo, 95 hộ cận nghèo”-ông Phyih vui vẻ nói.

Đường bê tông nội làng Blúk Blui (xã Ia Ka) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: L.N

Đường bê tông nội làng Blúk Blui (xã Ia Ka) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: L.N

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2022, xã Ia Ka đã triển khai làm được 6,3 km đường với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ hơn 4,8 tỷ đồng, người dân đóng góp hơn 636 triệu đồng); năm 2023, xã làm được 5,5 km với tổng kinh phí 4,16 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 3,82 tỷ đồng, người dân đối ứng 336 triệu đồng).

Đến nay, tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%; tỷ lệ đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm được 9,23/9,3 km, đạt 99%; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm được 50,8/78,2 km (đường bê tông, đường đá dăm láng nhựa chiếm 50%); tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm được 4,5/7 km, đạt 64,3%.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thành: Để đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đăng ký với huyện và xây dựng kế hoạch triển khai làm đường giao thông nông thôn theo từng năm. Trong đó, xã luôn quán triệt chủ trương huy động sự đóng góp của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện theo chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nhờ có hệ thống đường giao thông thuận tiện, người dân đi lại, giao thương thuận lợi hơn rất nhiều.

“Thời gian tới, khi tiếp nhận nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã tiếp tục quan tâm, phân bổ đến các thôn, làng đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông để sớm hoàn thành tiêu chí giao thông. Đến năm 2025, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới”-Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.