Ngược thượng nguồn: Bước vào "thế giới" Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dãy núi Ngọc Linh tạo ra nguồn nước cho đầu nguồn sông Thu Bồn. Nay, đang là thời cắt núi mở đường, phần còn lại của cánh rừng mong manh chóp đỉnh đang bị đe dọa nhiều mặt và dòng sông mùa lũ ngập ngụa phế thải. 

Thi công đường lên núi Ngọc Linh.
Thi công đường lên núi Ngọc Linh.
Hai năm qua, đầu nguồn sông Thu Bồn liên tục sạt lở lấp vùi. Mảng xanh là cánh rừng nguyên sinh mỗi ngày thêm mất khiến cho hoàn cảnh sống của con người nơi đây cũng cùng chiều với cánh rừng khi mưa bão đổ về, rủi ro kéo đến.
Đau rát cánh rừng, “chăm bẵm” dòng sông…
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ huyện miền núi phía nam Quảng Nam, với tên gọi sông Tranh, chảy theo hướng bắc và đổ ra Biển Đông ở Cửa Đại (Hội An). Hiện thực đầu nguồn sông Thu Bồn hôm nay, là sự chắp vá của nhiều mảng rừng. Rừng keo chiếm số nhiều. Rừng tái sinh ít ỏi. Rừng nguyên sinh cũng bị người “vén” dần lên cao, thoi thóp tồn tại dựa vào cây sâm Ngọc Linh.
Trong “thế giới” Ngọc Linh, núi đang chuyển từ tĩnh tại, vững chãi sang đổ sập do mất rừng. Năm trước, nhiều sông nhỏ đầu nguồn: sông Xoan, sông Leng, sông Trường, sông Tranh, sông Khang, sông Vang, sông Ghềnh Ghềnh... chứng kiến những sạt lở lấp nhà, chết hàng chục người dân.
Rừng-không gian bảo vệ khí hậu cho sâm Ngọc Linh. Cũng chính nó bảo vệ đầu nguồn sông Thu Bồn không bị kiệt nước mùa khô. Và mùa mưa nước cũng không đổ dồn ào ạt kích hoạt sạt lở liên miên phía thượng nguồn. Nhưng mọi sự việc đã đi theo chiều hướng khác do cách khai thác quá tay của con người.
Và với tôi, ba lần lên đỉnh Ngọc Linh, cùng một điểm xuất phát, cùng điểm đến nhưng không đi cùng một con đường.
Năm 2014, tôi theo đoàn khảo sát dược liệu Ngọc Linh đi bộ tám giờ đồng hồ từ chân núi lên đến trạm dược liệu Quảng Nam ở độ cao 1.900 m.
Cuối năm 2019, một con đường mới mở còn thô, tức là mới phá núi, san gạt mặt bằng và ngồi xe hơi chạy lên đến trạm dược liệu Quảng Nam.
Chuyến đi thứ hai mang trong mình một cảm giác mất mát. Mất đi những góc đẹp chiêm ngưỡng sườn núi, dòng chảy của các con suối. Mất đi cảm giác tọc mạch, ngó nghiêng nếp sống người dân và những phương pháp canh tác, bảo vệ mùa màng của họ.
Chuyến đi thứ nhất còn được thấy nhiều nhà giàu thửa một đống gỗ tươi, làm nhà. Tiến sĩ sinh học Vũ Thị Đào trong chuyến đi đó, bình luận rằng: “Sâm Ngọc Linh cần rừng nguyên sinh. Nhà gỗ mới làm chỉ có cách phá rừng nguyên sinh. Đây là sự mất-mất. Mất rừng, mất sâm và mất sinh kế... lâu dài”.
Cũng trong chuyến đi đó, qua những nhà nghèo, bên ngoài quây hàng rào lồ ô thân nhỏ, trong nhà, lương thực treo ngược. Cuối chiều, trong bếp có phụ nữ hoặc người già nấu ăn, vài đứa trẻ con quây quần. Phần lơ lửng của đỉnh núi vẫn gặp phụ nữ gùi lương thực, củ, quả nặng trịch dấn bước. Len lỏi trong cánh rừng có phụ nữ đang thóp bụng, mắm môi vác lồ ô đập dập về dặm lại sàn nhà.
Dưới chân núi, bắt gặp vợ chồng công kênh trên chiếc xe Win lôm chôm trên đá nhô, xuống chợ. Nếu không nhìn sắc phục, ánh mắt, làn da, mái tóc thì lại nhầm với vùng thượng nguồn sông Đà, sông Lô.
Đường mở đến đâu, rừng mất đến đó-đó là ý kiến của nhiều người đi đường rừng, hiểu rừng, bất lực khi nhìn những cánh rừng bị mất. Thực tế, rừng Ngọc Linh đã bị mất từ lâu, do đồng bào Xê Đăng phát nương làm rẫy, khai thác gỗ làm nhà, bán cho người dưới xuôi. Ngay trong những trại sâm cũng là lãnh địa riêng, chúng tôi thấy những đống gỗ xếp sẵn chờ vận chuyển. Cách khai thác của họ là tỉa bớt những cây cổ thụ có thân đẹp, gỗ tốt.
Và một con đường mở ra cũng hợp lý cho những thứ vận chuyển từ rừng về xuôi êm thấm, gọn gàng.
Trong nhiều cánh rừng vẫn âm ỉ “tệ nạn” khi người ta thấy cây ươi hàng trăm năm tuổi cũng đốn hạ chỉ vì vài chục cân ươi bán mấy trăm nghìn. Một tổ ong mật trên ngọn cây, một chùm dâu da vắt vẻo ngoài cành... Thân cây đó cũng sẽ bị đốn hạ.
Từng nghiên cứu dược liệu, yêu quý dòng sông Thu Bồn với làng trồng dâu, dệt lụa. Làng lúa, làng nghề... cảnh đẹp bên dòng sông theo mình cùng năm tháng, ông Đỗ Hữu Phác, sống tại Đà Nẵng, cho biết: “Cái cách kiếm sống lùng sục trong rừng cũng như cái cách thức dựa vào nguồn nước phía hạ nguồn của dân thuyền chài ở Hội An mà tôi chứng kiến”. 
“Họ làm tất cả, hạ gục tất cả từ chặt cây xanh đến kích điện bắt cá trên sông. Họ bất chấp, chỉ tính chuyện kiếm chác thu lợi nhỏ nhặt. Kiếm từ rừng, kiếm từ sông mà không nghĩ tương lai phía trước”, ông Phác nói.
“Họ không thương dòng sông phải gánh thủy điện, thủy lợi. Mùa lũ trần mình với rác, mùa khô trơ trọi bãi bờ. Khảo sát, nhiều người dân địa phương, người có chức, có danh trong các tỉnh miền trung vẫn gọi dòng sông lớn chảy trong tỉnh của mình là: sông mẹ. Không tranh cãi cách gọi mà cảm giác buồn hơn khi họ không “thương mẹ” của mình”, ông Phác cho hay.
Nhớ lại năm 2014, bước vào “thế giới” Ngọc Linh và chứng kiến công nhân sâm Trà Linh vứt tất cả các túi rác nylon vào gốc cây cổ thụ. Trong nhiều năm qua, trong đoàn của chúng tôi, mỗi người nghĩ về sông, nghĩ về những cánh rừng. Người miền biển, đồng bằng, miền núi vẫn nghĩ đến lợi ích trước mắt, bất chấp thảm họa cho thế hệ sau.
Tới ngưỡng của sự tàn phá là tàn phá
Huyền thoại “con đường sâm” mà trong những năm trước chúng tôi phải đi bộ bắt đầu từ trạm xá xã Trà Linh. Đoàn đi bắt buộc phải có người dẫn đường và trong suốt hành trình vượt dốc, nó là lối mòn mờ nhạt qua khe suối, nương rẫy. Nay đã ngồi xe bốn bánh lăn nhanh lên đỉnh núi. Và cũng là thời kỳ “tai biến” mạnh mẽ của hệ thống núi khi đường mở, rừng mất, nước cuộn chảy trong những mùa mưa.
Tạm biệt núi rừng, xa những con đường mòn, Hồ Thị Liêng kể rằng: “Những năm 2014-2017, vào những chiều thứ bảy hằng tuần, em ngược núi về nhà trên đôi chân đi bộ”. Liêng, nhà ở nóc Măng Lùng (xã Trà Linh, Nam Trà My). Liêng học trường nội trú cho con em đồng bào ở thị trấn Tắk Pỏ, Nam Trà My: “Đó là những chuyến đi hồn nhiên, nhiều kỷ niệm”, Liêng nhớ lại. Nay, Liêng đang làm công nhân tại thị xã Điện Bàn của tỉnh.
Liêng và nhóm bạn cùng quê cho rằng: “Rừng thượng nguồn ít âm u hơn so với thời họ còn bé nhỏ. Nhưng lại có nhiều chuyện không an lành so với trước đây. Năm trước, sạt lở, chết người. Năm nay, sạt đường đứt lối về nhà”.
Trong cộng đồng các dân tộc sống ven các con sông thượng nguồn đa phần hoạt động cộng đồng liên quan đến tín ngưỡng tâm linh mà không có ngày hội chia sẻ kinh nghiệm, giữ rừng, giữ gìn vệ sinh thôn bản, định hướng chăn nuôi, trồng trọt có tính bền vững. Ngược lại, nhiều gia đình giàu có nhờ bán sâm Ngọc Linh lại phô trương nhà gỗ bề thế, lát nền gạch men…
Trong những năm qua, đều đặn nghe báo cáo ngành năm sau tốt hơn năm trước, đẹp hơn năm trước, hạnh phúc hơn năm trước. Ngành nông nghiệp đã phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Ngành giao thông mở thêm những con đường. Ngành giáo dục đã có tỷ lệ cao tốt nghiệp các bậc học. Không có ngành nào yếu kém nhưng bài học ngoại khóa cần thiết là so sánh nơi ta sống hôm qua so với hôm nay là rừng mất, là nguồn nước cạn kiệt mùa khô, là môi trường ngập ngụa rác thải, là nương rẫy phát đi phát lại đã đến lúc bạc màu.
“Tạo tác” dòng Thu Bồn khởi đầu là hệ thống núi Ngọc Linh, ra đến biển lại nhìn thấy đảo Cù Lao Chàm. Dòng chia tay những ngọn núi, ra đến biển lại nhìn thấy núi. Thiên nhiên sắp đặt nên một cảnh quan sông với những lặp lại đầy luyến láy yêu thương. Hồ Văn Thành, làm bảo vệ cho một khách sạn ở Cửa Đại (Hội An), cho biết: “Đường về nhà là tuyến đường ngược sông Thu Bồn”.
Con đường mà Thành đi từ Hội An về xã Trà Nam (Nam Trà My) phải qua sông Trường Giang, sông Tiên gặp lại sông Thu Bồn ở đập thủy điện Sông Tranh 2, chặng đường từ đó, đi ngược sông Tranh để về huyện, về xã. Thành nói vui: “Tôi chạy trốn một dòng sông nhưng vẫn không ra khỏi một dòng sông”.
“Mỗi lần lũ về, nhìn cửa sông ngập rác, cây khô, tôi nhận ra rằng, đó là ở thượng nguồn trôi về. Trong đó cả xác động vật, bịch rác đóng gói… Nó không đẹp mắt, không thơm tho nhưng biết làm sao được”, Thành nói.
Dòng nước Thu Bồn được kết tụ từ đỉnh núi Ngọc Linh cao 2.598 m. Sông chảy qua các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn đổ ra biển. Tại Vĩnh Điện (Điện Bàn), dòng Thu Bồn có một chi lưu cấp nước cho sông Hàn (Đà Nẵng). Sông chảy vào sông là như vậy.
Hệ thống sông tạo sinh kế và nhịp sống đôi bờ.
Sông Thu Bồn mang cho con người nguồn năng lượng thủy điện.
Và dòng Thu Bồn cũng đang bấn loạn về môi trường.
Định cư ở Pháp ba năm nay, nhưng mùa mưa năm 2020, Tiến sĩ sinh học Vũ Thị Đào có hỏi về những sạt lở ở huyện Nam Trà My. Vào mùa mưa năm nay, vẫn câu hỏi đó. Lý do là chị đã từng nhiều lần đi bộ lên đỉnh Ngọc Linh, nghiên cứu về sâm và cây dược liệu khác. Khi thông tin về tình trạng nhiều xã trong huyện bị chia cắt khi mùa lũ đến. Như một người vợ ngoan hiền, lấy phải anh chồng có tính lăng nhăng, bỏ không được đành nén tiếng thở dài chịu đựng, chị Đào bình luận: “Tất cả đã tới ngưỡng của sự chịu đựng rồi. Khi không chịu đựng được sẽ là tàn phá”.
“Người miền núi đa phần kiếm cơm bằng phá rừng. Người khá hơn, lo bộ bàn ghế, sập gụ hoành tráng cũng phá rừng. Mà ít khi thấy cảnh sống hòa cùng thiên nhiên, yêu thiên nhiên và giữ gìn nó”, chị Đào nói thêm.
Thương một dòng sông là khi bạn có một cuộc sống khá hơn. Hay, bạn phải lên tiếng giúp dòng sông khôi phục lại những gì đã mất? Đó là một hành trình cần có sự khởi động chân thực, một tình yêu cho nó. Thu Bồn bao nỗi bồn chồn cho những ai thương sông, nhớ bến...
Theo Bài và ảnh: Ninh Nguyễn (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.