Ngược dòng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ông lão chèo đò buông mái chèo lấy thế nhảy ùm xuống mặt nước. Một lúc sau, với tay nắm được con thuyền, ông lão dùng hết sức bình sinh đưa cô gái từ dưới nước lên, chiếc thuyền chòng chành lắc lư. Khi cô gái đã nằm gọn trong thuyền, ông lão nỗ lực dùng sức già vừa bơi vừa kéo con thuyền vào trong bờ. Mũi thuyền chạm vào khoảng đất trống mọc đầy cỏ dại, ông nhanh tay xóc nước, vỗ má, giật tóc mai cho cô gái. Phải mất một lúc lâu cô mới cử động, sắc mặt tái xanh, hai hàm răng cô gái va vào nhau lập cập.

Những tia nắng sớm rọi vào khuôn mặt đang dần hồng hào trở lại, trên bãi cỏ, cô gái khẽ trở mình. Ông lão lấy thêm cái áo cũ đắp lên người cô gái cho ấm, thở phào:

- Cũng may trời thương.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Đôi mắt cô gái hé mở, cô mơ màng nhìn lên bầu trời. Trời vẫn xanh. Cô quay sang nhìn mặt nước đang soi bóng bình minh đỏ rực. Lúc này cô mới để ý đến ông lão chèo đò. Cô hỏi khẽ:

- Sao ông cứu con chi vậy? Con đang muốn chết, con khổ quá ông ơi...

Ông lão quăng tàn thuốc cháy dở xuống sông, giọng khàn:

- Tui chèo đò ở đây mấy chục năm, có bao giờ tui trơ trơ nhìn người ta tự tử? Mà cô là người ở xứ nào, khổ việc gì mà tìm đến cái chết vậy?

Cô gái bật khóc, dường như nỗi buồn ngưng đọng thành những giọt trong trẻo đang chảy xuống đôi gò má hốc hác của cô. Ông lão thoáng nhìn cô, khuôn mặt này, đôi mắt này dường như ông đã gặp đâu đó trong đời, nhưng lại không nhớ rõ.

*
Chiếc ghe lớn nổ máy xuôi về làng. Nghe đám con gái trong làng bàn chuyện tối nay đi xem ca nhạc, lòng cô cũng nôn nao. Vũ Thanh, một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng mà cô vẫn thường trông thấy trên ti vi, hôm nay cũng về làng phục vụ.

Khán đài đang im ắng, giọng nghệ sĩ Vũ Thanh cất lên khiến mọi người vỡ òa, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay tán thưởng. Trong cánh gà, nghệ sĩ Vũ Thanh vận bộ đồ cổ trang phong thái đĩnh đạc vừa bước ra vừa ngân giọng: “Công nương ơi, xin tiễn biệt đưa nàng sang xứ lạ...”. Mới đến đó người làng đã nhận ra Vũ Thanh đang đóng vai Khắc Chung để hát trích đoạn “Huyền Trân biệt Khắc Chung”, một tuồng cổ mà người làng thuộc lòng từng chữ từng câu. Ai đó thốt lên:

- Trời ơi, hát ngọt quá, hay hơn trên ti vi nhiều.

Nhưng rồi ngay cả Vũ Thanh cũng sững sờ vì vai diễn Huyền Trân vẫn chưa chịu bước ra khi Khắc Chung đã hát xong lời tống biệt. Khán đài bắt đầu nháo nhào lên, vỗ tay rần rần, giục:

- Hát nữa đi. Huyền Trân đâu rồi?

Lúc bấy giờ trưởng đoàn bước ra từ trong cánh gà đứng tần ngần trên sân khấu, vừa cúi đầu, vừa nói:

- Tôi thành thật xin lỗi bà con, vai diễn Huyền Trân bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe nên không thể hát được. Tôi xin lỗi...

Cả làng tiếc rẻ, không gian bắt đầu ồn ã hơn. Đợi không khí dần lắng xuống, trưởng đoàn ngỏ ý:

- Ở đây có ai hát được vai Huyền Trân không?

Làng im lặng. Trưởng đoàn hỏi thêm lần nữa. Từ trong đám đông, cô chen chân bước thẳng lên sân khấu, nói to:

- Tui hát được.

Làng vỗ tay rôm rả. Chỉ có đám gái làng là nhìn cô bằng ánh mắt ghen tỵ. Nhạc lại lên, Vũ Thanh bắt đầu hát lại câu hát lúc nãy. Cô tiếp: “Buổi tao phùng xin hẹn kiếp lai sinh, thiếp ra đi vì nợ nước ly tình, người ở lại buồn đau trong kỷ niệm”...

Hơn mười phút thì trích đoạn “Huyền Trân biệt Khắc Chung” đã hoàn thành trọn vẹn. Trưởng đoàn cảm ơn cô rối rít, làng vỗ tay tán thưởng, còn Vũ Thanh thì khen cô hát “hao hao” cô Lệ Thủy. Mặt cô đỏ ửng, ngượng ngùng.

Đêm đó, cô cùng Vũ Thanh ngồi giữa cánh đồng mới gặt. Dưới trăng, khuôn mặt người con gái thôn dã trắng ngần, đôi môi cong cong đầy mê hoặc. Cũng trong đêm ấy, Vũ Thanh ngỏ lời yêu cô. Thoạt đầu, cô rất đỗi bất ngờ vì lời nói ấy, nhưng rồi cô không cưỡng được lòng mình, sức mạnh nào đã kéo cô từ từ ngả đầu xuống bờ vai Vũ Thanh. Vũ Thanh ôm lấy cô, anh đo lên thân thể ngọc ngà của người con gái có nắng nhuộm da, có sương nhuộm tóc, có từng chiều hoàng hôn nhuộm thắm đôi mắt bồ câu sóng sánh giọt buồn.

*
Ông lão chèo đò rít thêm một điếu thuốc nữa cho ấm. Giờ thì cô đã bình lặng lòng mình. Ông hỏi tiếp:

- Rồi thì hắn hứa sẽ về làng cưới cô, nhưng hắn đã quên đi lời hứa đó. Và hắn lại cặp kè với một cô gái khác, không phải cô... Đúng vậy không?

Cô ngạc nhiên:

- Ơ, sao ông lại biết?

Ông lão cười khanh khách:

- Họ là vậy đó cô à! Chuyện của cô y hệt như trong tiểu thuyết hồi còn trẻ tui hay đọc. Cớ gì mà phải chết hả cô?

- Ông biết không-cô từ tốn-sau đêm ấy, con phát hiện trong người là lạ. Con có thai. Cũng có lúc con nghĩ hay là con sinh nó ra như bao đứa trẻ khác, nó có tội tình gì đâu. Nhưng tưởng tượng cái cảnh đàn bà không chồng mà lại có con, lòng con đau lắm…

Nói rồi cô lặng im. Nước vỗ vào mạn thuyền róc rách. Cô ngồi nhìn mây trời, thi thoảng đưa bàn tay vuốt nhẹ lên bụng, mắt đỏ hoe.

Ông lão buột miệng:

- Cha mẹ cô vẫn còn đủ cả chứ?
- Mẹ con mất hồi con còn nhỏ xíu-Cô buồn bã đáp.
- Còn cha cô?

Ký ức về người cha vẫn mãi là ký ức buồn khắc khoải lòng cô. Cô nhớ về những tháng ngày hai cha con lênh đênh trên cánh đồng mùa nước nổi. Một đêm bão to, cha cô một mình vào xóm tìm bất cứ thứ gì no lòng cho con gái nhỏ. Cô ngủ say trong thuyền. Đến khi cô tỉnh dậy, trời vẫn đổ mưa trắng xóa mặt sông. Cô thấy mình dập dềnh ở một vùng đất khác, một khúc sông khác. Những ngày sau đó, cô cứ ngồi khóc trong thuyền, mặc cho gió đưa thuyền trôi đâu thì trôi. Và rồi cô lạc vào một nơi với những khuôn mặt rám nắng mà hiền từ, bao dung, chân chất. Cô chọn làng làm bến đỗ cuộc đời.

Nghe đến đó, mặt ông lão méo xệch, đuôi mắt ép vào nhau hằn lên những nếp nhăn. Ông chợt hỏi, giọng run run, hình như ông đang mong đợi một điều gì lạ lắm:

- Có phải... trên trán cô có vết sẹo to bằng đầu ngón tay hay không?

Cô gái bất ngờ:

- Sao ông biết? Vết sẹo đó là do một lần con trượt chân ngã va đầu vào mũi thuyền.  Cha con ra chợ mua thuốc cho con xức, mà xức mãi vẫn thành sẹo nên con để phủ tóc che lại.

- Trời ơi, đúng là con rồi! Đêm đó cha ngược dòng tìm con, tìm mãi không thấy, ngần ấy năm cha sống bơ vơ trên sông đợi chiếc thuyền năm xưa đi ngang qua, đợi con...

Cô gái ngẩn người ra trong khoảnh khắc rồi sấn tới ôm lấy người cha già. Cô gái gục đầu vào ngực ông lão, khóc ròng, ông lão cũng sụt sùi nước mắt. Một lúc sau, ông nói:

- Con thấy đó, trời rồi sẽ sáng, sông vẫn trôi, con đã từng mạnh mẽ mấy mươi năm trời không cha, lẽ nào con lại gục ngã trước một biến cố?-Ngập ngừng một lát, ông vuốt vai con, nói tiếp-Thôi, đừng buồn nữa, cháu cha, cha nuôi. Rồi cha con mình sẽ bán con thuyền lên bờ dựng nhà ở luôn nghe con.

Cô gái khẽ gật đầu.

Trong khoảnh khắc, cô cảm nhận hơi ấm tình cha miên man khắp thịt da. Giờ cô đã có cha là bờ vai vững chắc, là chỗ dựa ấm áp của cô trên mỗi chặng đường đời. Ngược dòng là lạc nhau, là đợi chờ, là hy vọng. Ai rồi cũng sẽ tương ngộ sau những tháng năm lạc mất nhau giữa dòng đời.

Ánh sáng rọi vào trong thuyền, sáng trưng. Cô gái thổi cơm, người cha rít thuốc. Ngọn khói bếp trắng đục vấn vít bay lên sưởi ấm cả không gian...

Hoàng Khánh Duy

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.