Ngón tay nhúc nhích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã là tháng 6, những đám mây ung ủng bám trên nền trời trắng bạc như báo hiệu một cơn mưa đầu mùa sẽ đến. Kỳ thực cơn mưa ấy vẫn ở tít đâu đó. Trời hầm không thể hầm hơn. Bình hoa ly vừa cắm hôm qua, hôm nay đã chực rầu rĩ úa màu. Cảm giác khó chịu bực bội khiến Ngân ngồi thừ ra nghe một khúc nhạc không lời được xem là rất hay nhưng với Ngân lại dường như không cảm xúc.

Mẹ ngồi gần đó, giọng mẹ vẫn tỉ tê, kiên nhẫn: “Một ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích. Hai ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích. Ba ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích”.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Ban đầu, Ngân muốn nói với mẹ là bài hát ấy đơn giản quá, nhàm chán quá, chẳng có gì hay, mà cũng có lợi ích gì đâu nào. Những ngón tay của Ngân vẫn mềm èo như cục bột nhũn nước, đâu thể nhúc nhích, nhúc nhích theo câu hát mời gọi của mẹ. Nghĩ thế nhưng Ngân vẫn tủm tỉm cười theo từng giai điệu đều đều của bài hát, không nỡ thể hiện điều gì khác khi mặt mẹ tràn ngập yêu thương, hào hứng. Còn để mở lời nói điều gì đó, dù rất muốn, Ngân cũng không thể.

Ở góc nhà, chú Ngọc ngồi đọc sách. Chú nhẫn nại chờ mẹ chơi với Ngân xong, dỗ dành Ngân vào giấc ngủ. Và khi Ngân bắt đầu lơ mơ đi vào giấc ngủ thì mẹ mới có thể quay qua hỏi han trò chuyện với chú dăm câu. Giấc ngủ của Ngân thấp thoáng những lời thương yêu dịu ngọt của mẹ và chú.

Trước chú Ngọc, chú Sinh, chú Hòa… nhiều chú đã không thể nhẫn nại. Có vài người nói yêu mẹ, muốn quan tâm tới mẹ. Ngân đã thoáng lo sợ khi không ai nhắc tới sẽ lo cho Ngân. Nhưng rồi, hết thảy đến rồi đi, ngang qua cuộc đời hai mẹ con. Người dăm tháng, người dăm tuần, có người chỉ dăm ba ngày. Người lâu nhất là chú Ngọc, đã được nửa năm. Chú Ngọc ấn tượng với Ngân bởi vẻ tháo vát, nhanh nhẹn. Hôm trước, vừa thấy chú bắc thang lên mái nhà để lợp lại ngói giúp mẹ trước mùa bão về, hôm sau chú đã sửa lại hết một loạt dây điện cũ, ống nước cũ. Chú là người duy nhất chịu chơi với Ngân. Những người khác thường nhìn Ngân ngại ngần, dè chừng, có người không giấu được cái nhíu mày không vừa ý. Chỉ chú Ngọc thường đi ngang hỏi bé Ngân khỏe không, bé Ngân vui không, đêm qua ngủ ngon không… Chẳng bao giờ nghe Ngân trả lời nhưng chú vẫn vui vẻ gật đầu, nheo nheo mắt nhìn, kiểu như ý nói: “Chú hỏi thế thôi, Ngân chẳng cần trả lời chú cũng hiểu rồi. Nhìn là hiểu mà”. Điều đó khiến Ngân vui lây, đôi khi bất giác mỉm cười đáp lại… Có chú, mẹ cười nhiều hơn. Ngân cũng cười nhiều hơn.

Sau những cuộc gặp gỡ, mẹ vẫn thường hát câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Giọng hát trầm ấm của mẹ khiến Ngân hết lo ngại việc mẹ có thể bỏ Ngân mà đi lấy chồng. Ngân chỉ cảm thấy có chút buồn phiền mơ hồ trong mắt mẹ.

Những cuộc gặp gỡ, hẹn hò thưa dần, thưa dần rồi vắng hẳn. Hôm chú Ngọc rước cô dâu mới về khu tập thể, đi ngang nhà, Ngân ngó ra nhìn. Khi xe chầm chậm lướt ngang qua, chú Ngọc có nhìn Ngân cười rất buồn. Lúc ấy, mẹ còn lúi húi nấu cơm chiều sau bếp. Lúc đi lên, Ngân thấy mắt mẹ ươn ướt. Không biết vì mẹ cũng biết xe hoa vừa về ngang nhà hay vì khói bếp bay lên mắt…

*
Khi những đứa nhỏ cùng tuổi Ngân đều đã biết đi ở tuổi thôi nôi thì Ngân vẫn chỉ biết ngồi. Ngồi và im lặng, không u ơ điều gì. Mẹ hốt hoảng bế đi khắp các bác sĩ Tây y đến Đông y, gõ luôn cửa nhà những ông lang. Chỉ hy vọng có một nơi đúng bài, đúng thuốc để Ngân có thể bình thường như những đứa trẻ khác. Mẹ không thôi hy vọng, dù bất cứ bác sĩ nào cũng lắc đầu rồi bảo, Ngân sẽ không thể đi đứng bình thường chứ đừng mơ chi chuyện nói năng.

Đôi khi, Ngân nghe vài người lớn xầm xì, kể cho nhau rằng ai bảo hồi mang thai, “mẹ nó” cột chặt bụng giấu bầu làm chi, lại còn đuểnh đoảng đẻ rớt con trong nhà vệ sinh công cộng nữa chớ… Mọi người nói thản nhiên như không có mặt Ngân. Người ta còn nghĩ Ngân điếc, vì điếc mới câm. Nhưng câu chuyện dường như không bao giờ kết thúc khi chỉ dăm ba câu dang dở là mẹ đã có mặt ngay sau đó để chấm dứt mọi lời đàm tiếu. Ngân muốn hỏi mẹ tại sao mà không thể. Nhìn mẹ tất tả bế ẵm Ngân khi Ngân đã bắt đầu trổ dáng, Ngân thấy thương nhiều hơn giận. Ở tuổi lên bảy, Ngân vẫn cần có mẹ bế ẵm. Tuổi đó, có đứa nhỏ nào cần mẹ bế ẵm nữa đâu.

Ngân 10 tuổi, bài hát ngón tay ngoan vẫn được hai mẹ con chơi mỗi tối. Khác với những ngày trước, ngón tay Ngân đã có thể nhúc nhích theo điệu nhạc mẹ hát. Giọng Ngân hơi méo mó nhưng vẫn có thể ê a theo mẹ. Và chỉ một năm sau đó, cả bàn tay đã có thể cầm nắm, bàn chân đã có thể đứng vững và nhờ mẹ dìu, Ngân có thể bước những bước đầu tiên. Ngân đã bắt đầu hát rõ lời những từ đơn giản. Hai mẹ con đã có thể chạy dọc bờ biển, đi tìm những hạt cát mịn màng về làm tranh cát. Mẹ dạy Ngân cách chọn lọc sắc màu của cát, nhuộm màu cát bằng những củ quả từ thiên nhiên, cách làm tranh cát từ những hạt cát bé nhỏ. Chẳng điều gì cuốn hút Ngân hơn việc nhìn say đắm theo bàn tay trắng gầy của mẹ điều khiển cát theo ý mình để cho ra những bức họa đẹp mắt.

Ngân thực sự vất vả để có thể điều khiển tay mình theo những đường cong của tranh cát. Càng khó hơn để bắt tay hoạt động theo ý muốn của mình. Nhiều khi, làm xong bức tranh cát, Ngân lại khóc òa đổ ly cát ra nền vì bất lực trong việc phối màu cát sao cho tinh tế như mình mong muốn. Nhìn thấy, mẹ không nói gì, chỉ lẳng lặng ôm Ngân vào lòng. Đợi khi nỗi buồn của Ngân trôi qua, mẹ đặt một khay cát mới trước mặt Ngân. Tự Ngân luôn biết sẽ phải quyết tâm làm tốt hơn những thứ mình đã đổ bỏ.

Những bức tranh cát của Ngân dần dần được nhiều người biết tới. Chính mẹ cũng bất ngờ vì những bức tranh cát của con gái một ngày kia bỗng sống động, lung linh và có hồn. Không ít lần, mẹ nhìn bức tranh Ngân vừa hoàn thiện mà không giấu được nước mắt xen lẫn nụ cười. Hai mẹ con có thể mở một ki ốt nho nhỏ trưng bày và bán những bức tranh cát mà Ngân làm ra.

*
Ngân vẫn nhớ những lời đàm tiếu năm xưa, nhưng không quan tâm tới điều đó từ lâu lắm rồi. Lúc mới nghe, Ngân giận mẹ, muốn hỏi mẹ thì không nói năng gì được. Khi đã nói được thì câu chuyện ấy không quan trọng với Ngân nữa. Những gì mẹ dành cho Ngân quan trọng hơn nhiều. Đôi khi sực nhớ lại, Ngân nghĩ đó chỉ là một tai nạn không vui, chắc rằng mẹ không muốn nhắc.

Bất ngờ, người đàn bà đẻ rớt con trong nhà vệ sinh công cộng ngày nào quay về. Cô quay về với người chồng năm xưa. Ngân sửng sốt khi biết mẹ chỉ là mẹ nuôi mình. Người buộc bụng giấu bầu, đẻ con trong nhà vệ sinh lại là cô gái tóc nhuộm màu hạt dẻ, móng sơn thẫm đỏ, trang điểm kỹ càng trước mặt Ngân lúc này. Ngân được mẹ kêu lại ngồi nghe để có thể đưa ra quyết định cuộc đời mình. Mẹ chỉ là bạn cùng phòng trọ với cô ấy. Ba mẹ đẻ của Ngân đấy, giờ đã là chủ nhà hàng dành cho người Việt ở Đức. Họ có cơ ngơi nhưng không có con cái để thừa tự. Khi biết con nhỏ quặt quẹo từ lúc sinh ra năm xưa giờ đã lành lặn thì tìm về xin lại. Nếu gật đầu, Ngân sẽ có cả sản nghiệp trong mơ cũng chưa từng thấy.

Nhưng, Ngân không quá khó khăn để đưa ra quyết định:

- Con bé ngày đó đã chết lâu lắm rồi cô chú ạ. Con bé ngày đó các bác sĩ nói nó không thể đi đứng được, đừng mơ chi nói cười. Có con ngày hôm nay là nhờ mẹ con. Con không bao giờ đi vì con không còn là con bé đó…

Đêm ấy, mẹ choàng tay qua ôm Ngân khi chuẩn bị ngủ. Giọng mẹ thầm thì:

- Mẹ đã lựa chọn con và mẹ đã chọn đúng.         

Ngân nhắc mẹ khúc hát con cò. Mẹ ầu ơ nhẹ bẫng: “Dù ở gần con, dù ở xa con, lên rừng xuống biển cò vẫn tìm con cò vẫn yêu con. Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Những giọt nước mắt nóng hổi, ấm nồng lăn đều trên má mẹ và Ngân. Ngọt ngào và hạnh phúc...

Võ Thu Hương

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.