"Ngôi nhà chung" của thể thao Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ lâu, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku đã trở thành “ngôi nhà chung” của các vận động viên (VĐV) thể thao phong trào tại Phố núi. Nơi đây đã góp phần “tiếp lửa”, trui rèn trình độ các VĐV phong trào, qua đó giúp thể thao TP. Pleiku không ngừng gặt hái được những thành công ở các giải đấu cấp tỉnh.
2 tuần 1 giải đấu
Nhà đa năng của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku (07 Nguyễn Thái Học) mà người dân vẫn quen gọi là  “Nhà Thi đấu Nguyễn Thái Học” có phần khiêm tốn về diện tích. Nhưng nhờ nằm ở vị trí thuận lợi, đặc biệt những người làm công tác thể dục thể thao (TDTT) nơi đây tâm huyết với nghề, cởi mở với giới VĐV nên “Nhà Thi đấu Nguyễn Thái Học” thường xuyên “sáng đèn” tổ chức nhiều giải đấu khác nhau.
Ông Nguyễn Thế Hiếu-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku-cho biết: “Trung bình, cứ 2 tuần chúng tôi lại tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị khác tổ chức một giải đấu. Mỗi giải đấu thường kéo dài khoảng 2 ngày. Riêng những năm diễn ra đại hội TDTT các cấp hoặc Hội khỏe Phù Đổng, gần như tuần nào cũng tổ chức giải. Bởi vậy, ngoài thời gian làm việc theo giờ hành chính, vào dịp cuối tuần, anh em trong cơ quan đều ra sân làm công tác tổ chức, làm trọng tài điều hành giải đấu. Tuy mệt vì các giải đấu diễn ra khá dày đặc nhưng ai nấy đều cảm thấy vui vì được các VĐV ủng hộ, tín nhiệm”.
 Các vận động viên taekwondo TP. Pleiku trên bục nhận huy chương. Ảnh: M.V
Các vận động viên taekwondo TP. Pleiku trên bục nhận huy chương. Ảnh: M.V
Cách đây chưa lâu, bản thân người viết bài này đã 3 lần đến “gõ cửa” Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku để mời cán bộ, nhân viên nơi đây làm trọng tài ở môn quần vợt. Đáng tiếc, cả 3 lần đó đều “thất bại” vì họ bận điều hành các giải đấu khác.
Muốn thành công phải biết lắng nghe
Trong lĩnh vực thể thao quần chúng, có một thực tế đáng mừng là hầu hết VĐV đều muốn thi đấu nhiều giải. Nắm bắt được tâm lý này, bên cạnh các giải đấu, hội thao mang tính truyền thống, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku còn phối hợp với các đơn vị tổ chức thêm nhiều giải đấu mới hấp dẫn.
Chẳng hạn, riêng ở môn bóng bàn, hiện tại, mỗi năm TP. Pleiku tổ chức tới 4 giải đấu khác nhau. Ngoài các nội dung thi đấu nằm trong khuôn khổ hội thao còn có thêm 3 sân chơi khác, gồm: Giải Bóng bàn truyền thống, Giải Bóng bàn các tay vợt mạnh (dành cho 8 VĐV nam và 8 VĐV nữ xuất sắc nhất), Giải Bóng bàn Super League. Trong đó, nhiều giải đấu được tổ chức theo hướng xã hội hóa về mặt kinh phí, do VĐV đóng góp hoặc các cá nhân, doanh nghiệp tham gia tài trợ.
Hiện nay, Giải Bóng bàn Super League 2018 đang diễn ra vào các ngày cuối tuần trên địa bàn TP. Pleiku, kéo dài suốt trong 3 tháng, thi đấu lượt đi và về với sự tham dự của 13 câu lạc bộ, tranh tài ở nội dung đồng đội (4 trận đánh đơn, 1 trận đánh đôi). Đây là giải đấu mang tính thử nghiệm, sau khi kết thúc sẽ làm căn cứ để xếp hạng các VĐV tương tự như ở môn quần vợt. Từ đó, những lần tổ chức sau, giải đấu sẽ trở nên cân bằng, kịch tích, hấp dẫn hơn.
Không chỉ riêng bóng bàn, ở một số bộ môn khác như quần vợt, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá… mỗi năm cũng tổ chức nhiều giải đấu khác nhau, thu hút đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham dự. Được thi đấu cọ xát ở nhiều giải, gặp nhiều đối tượng khác nhau, tất nhiên trình độ của các VĐV phong trào tại Phố núi được cải thiện đáng kể. Nhờ đó mà tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VIII-2018, đoàn thể thao TP. Pleiku giành được tới 43 huy chương vàng, 25 huy chương bạc và 15 huy chương đồng; bỏ xa các đơn vị xếp ngay sau là ngành Giáo dục và Đào tạo (26 huy chương vàng), huyện Ia Grai (19 huy chương vàng).
Ông Nguyễn Thế Hiếu chia sẻ thêm: “Phong trào TDTT ở TP. Pleiku có được thành công như ngày hôm nay là nhờ hội đủ nhiều yếu tố. Trong đó, những người làm công tác TDTT như chúng tôi luôn luôn biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ cơ sở và các VĐV, từ đó đưa ra phương án giải quyết thấu tình, đạt lý. Khi đã ngồi lên ghế trọng tài điều khiển các trận đấu, tuyệt đối cái tâm phải trong sáng, không chịu sự chi phối, chỉ đạo của người khác để làm sai kết quả… Nhờ đó mà có không ít giải đấu của TP. Pleiku được duy trì suốt 30 năm nay. Bên cạnh đó, hàng loạt giải đấu mới khác cũng ra đời”.         
Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm

Ấn tượng đội bóng dân tộc thiểu số huyện Krông Pa

Ấn tượng đội bóng dân tộc thiểu số huyện Krông Pa

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia giải bóng đá dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh nhưng đội bóng huyện Krông Pa đã tạo nên ấn tượng mạnh cho khán giả và giới chuyên môn. Ngôi vị Á quân tại Giải Vô địch Bóng đá 7 người các dân DTTS tỉnh Gia Lai năm 2024 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của họ.

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

VFF phạt HAGL vì đá xấu

VFF phạt HAGL vì đá xấu

Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa ra án phạt đối với CLB HAGL do có 5 cầu thủ nhận thẻ vàng ở trận đấu với CAHN thuộc vòng 7 LPBank V-League 2024/25.