Bởi lâu nay, các hành vi bôi bẩn đường phố như xịt sơn lên tường nhà, cửa cuốn, gầm cầu... rồi biện hộ rằng đó là nghệ thuật vẽ đường phố graffiti khiến người dân "xốn mắt". Từ giữa năm 2023, khi cầu Ba Son - cây cầu mang tính biểu tượng của TP.HCM thông xe thì cũng là lúc bên dưới trụ cầu trở nên nhem nhuốc bởi những hình thù, ký hiệu kỳ quái. Người dân bức xúc, chính quyền vào cuộc, tốn công tẩy xóa nhưng được thời gian ngắn thì tiếp tục bị bôi bẩn trở lại như thách thức pháp luật. Những hành vi xấu đó lâu nay không được xử lý thỏa đáng, phần vì khó bắt quả tang, phần vì cơ quan chức năng còn nhân nhượng, du di cho qua và chỉ yêu cầu khắc phục hậu quả.
Cầu Ba Son liên tục bị bôi bẩn, ảnh chụp hồi tháng 8.2023. Ảnh Chiêu Ngô |
Ngoài vẽ bậy, đường phố TP.HCM còn bị bôi bẩn bởi tờ rơi, rao vặt dán khắp trụ đèn, tủ điện, tường nhà dân cho đến ghế đá công viên. Tất cả hành vi phá hoại này lúc công khai, lúc lén lút. Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, những tờ rơi giới thiệu cho vay trả góp, hỗ trợ tiêu dùng còn tiếp tay đưa đẩy nhiều người, nhiều gia đình vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát. Thực trạng trên được báo chí phản ánh nhiều năm, nhưng biện pháp xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe. Phát hiện đã khó, một số cơ quan khi bắt quả tang cũng chỉ yêu cầu người vi phạm cạo bỏ rồi cho về. Hệ quả, những tờ rơi, quảng cáo lại nhan nhản xuất hiện.
Hơn một năm qua, nhiều quận, huyện ở TP.HCM tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân bóc, xóa quảng cáo sai quy định góp phần giúp đường phố đẹp hơn. Để những nỗ lực đó không bị "đổ sông, đổ biển", cơ quan chức năng cũng cần nghiêm trị những kẻ bôi bẩn. Và nếu phát hiện có sự cấu kết, hoạt động có tổ chức, cho vay nặng lãi thì cần xem xét xử lý hình sự nhằm răn đe những người có ý định vi phạm.
Nhập cảnh vào nhiều quốc gia chỉ với mục đích… vẽ bậy đường phố
Du khách 'xấu xí': Vẽ bậy lên di tích, chụp khoe thân chốn linh thiêng
Theo Nguyên Vũ (TNO)