Nghịch lý trong nguồn nhân lực ngành Bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Môi giới bất động sản đang quá tải, trong khi nguồn nhân lực bất động sản “thực thụ” chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu của doanh nghiệp, đó là một thực tế đang tồn tại hiện nay.

Thiếu nhân lực ngành Bất động sản được đào tạo bài bản

Hơn 10 năm trở lại đây, kinh doanh bất động sản (BĐS) là một nghề hấp dẫn, thu hút đông đảo lực lượng lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện cả nước chỉ có 20 cơ sở đào tạo trình độ đại học ngành BĐS, trong đó có 10 cơ sở đào tạo ngành quản lý đất đai, xây dựng, kiến trúc là ngành tương đối gần với ngành BĐS. Tổng chỉ tiêu đào tạo và tuyển sinh trung bình là 100 sinh viên/khóa/năm. Tức hiện nay, mỗi năm, ngành BĐS được cung ứng khoảng 2.000 nhân sự.

Thị trường BĐS ngày càng phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản. Ảnh: Anh Tú

Thị trường BĐS ngày càng phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản. Ảnh: Anh Tú

Trong khi thực tế, có hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành BĐS, độ chênh quá lớn giữa đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực với nhu cầu thực tế đang là bất cập, trở ngại cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS.

Tại Diễn đàn nguồn nhân lực BĐS Việt Nam 2023-2024 được VNREA tổ chức tại TP Hồ Chí Minh chiều 12.8, ông Lê Nhật Thanh - Giám đốc Vận hành An Gia Group - cho rằng, nguồn nhân lực BĐS hiện nay chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhân sự ngành BĐS đang được đào tạo tự phát, không có sự xâu chuỗi, bài bản, thiếu kiến thức pháp luật - xã hội, nhiều trường hợp môi giới tâng bốc sản phẩm quá nhiều.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) chỉ ra một nghịch lý, nguồn nhân lực BĐS được đào tạo đang thiếu, trong khi đó môi giới BĐS lại đang quá tải, làm phiền người khác và không hiểu biết.

“Thời gian qua rộ lên việc quá tải môi giới, những người đi làm môi giới đó không hiểu BĐS là gì, nội dung của BĐS là thế nào. Phải hiểu BĐS là gì, hiểu vai trò và vị trí của BĐS trong nền kinh tế, quan hệ của nó với các ngành khác như thế nào mới nên triển khai hoạt động” - ông Thắng nói.

Cần gia tăng đào tạo nguồn lực có chất lượng

Nguồn nhân lực BĐS hiện nay luôn là nổi trăn trở lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành BĐS, bởi lẽ nhân sự BĐS không chỉ là môi giới bán hàng mà phải có kiến thức, hiểu biết về pháp luật, xã hội, đặc biệt là hiểu về sản phẩm BĐS.

Theo bà Mai Thị Hồng Quyên - Giám đốc Kinh doanh SunProperty khu vực miền Nam, vai trò của BĐS không chỉ đơn thuần phân lô bán nền, cắt đất bán mà đó là giá trị gia tăng, môi trường sống, giá trị hưởng thụ.

“Ngành BĐS đào thải rất nhanh, có những nhân sự bước vào nghề nhưng không trụ lại được với hướng đi BĐS chuyên nghiệp mà phần lớn lựa chọn những phân khúc dễ dàng gia nhập nhưng cũng rất dễ bị đào thải.

Nhân sự chất lượng cao đã ít, còn phải cạnh tranh với phân khúc nhỏ hơn, do đó chúng tôi cần thêm nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hiểu đúng về BĐS thì mới có thể tham gia các khâu tốt hơn. Vì thế, cần gia tăng đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng hơn” - bà Quyên chia sẻ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS Nguyễn Đức Lập cho rằng, vấn đề lớn nhất là quy định pháp luật trong hoạt động ngành nghề kinh doanh BĐS gần như không có rào cản nào để gia nhập ngành, vì thế khi thị trường sốt lên là người người gia nhập thị trường.

Dữ liệu năm 2019 cho thấy, thị trường có 300.000 người môi giới nhưng chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề.

“Hiện nay, môi giới gia nhập tự do, không cần học, nhiều tổ chức chỉ hợp thức hóa để làm, mà không yêu cầu gắt gao, dẫn đến phát sinh thị trường thiếu minh bạch. Chúng ta nghĩ rằng, việc học BĐS chỉ là lý thuyết, không có giá trị thực tiễn, tuy nhiên, chỉ khi chúng ta có lý thuyết vững thì mới áp dụng tốt vào thực tế” - ông Lập nói.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.