Nghề vẽ tranh tường: Kỳ công, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, xu hướng vẽ tranh tường trang trí ngày càng lên ngôi. Đây là mảnh đất màu mỡ dành cho những người yêu hội họa phô diễn tài năng và thỏa sức sáng tạo.

Tại Trung tâm Trí Việt Gia Lai (hẻm 29 Lê Quý Đôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku), anh Cao Dương-Chủ Phòng vẽ Cao Dương (236/28 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cùng vợ đang tỉ mẩn từng nét cọ trên mảng tường rộng khoảng 100 m2. Bức họa này được vợ chồng anh bắt đầu vẽ từ ngày 24-2 và dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 ngày tới. Anh Dương chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật (Trường Đại học Quảng Bình), năm 2009, anh vào Gia Lai để bắt đầu sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, sau 1 năm giảng dạy tại một trường tiểu học ở huyện Mang Yang, anh lại quyết định rẽ lối sang nghề vẽ tranh tường.

“Ban đầu, tôi phải đến từng nhà để tìm hiểu nhu cầu hoặc ngỏ lời mời với khách. Đơn hàng đầu tiên của tôi là vẽ tranh phong cảnh cho một gia đình ở huyện Đức Cơ với tiền công 2 triệu đồng. Sau 3 ngày, bức vẽ hoàn thành trong sự hài lòng của chủ nhà. Tiếng lành đồn xa, lượng người tìm đến thuê tôi vẽ tranh tường ngày một đông”-anh Dương nhắc nhớ.

Vợ chồng anh Cao Dương-Chủ phòng vẽ Cao Dương (236/28 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) “khoác áo mới” cho bức tường của Trung tâm Trí Việt Gia Lai. Ảnh: M.T

Vợ chồng anh Cao Dương-Chủ phòng vẽ Cao Dương (236/28 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) “khoác áo mới” cho bức tường của Trung tâm Trí Việt Gia Lai. Ảnh: M.T

Từ vẽ tranh tường trang trí không gian nhà ở, anh Dương dần mở rộng quy mô với các công trình cho nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, trường học, cơ sở tôn giáo... Tùy theo diện tích, yêu cầu, mục đích mà khách hàng hướng tới, anh Dương có thể vẽ theo mẫu hoặc tự do sáng tạo cho bức tường theo phong cách hội họa của riêng mình. Thời gian hoàn thành 1 bức tranh đơn giản chỉ vài tiếng đồng hồ, còn đối với tranh có nhiều chi tiết phức tạp hoặc vẽ trên diện tích lớn thì kéo dài 1-2 tháng.

“Để vẽ được một bức tranh tường đẹp cần đến nhiều yếu tố. Ngoài việc có năng khiếu về hội họa thì cần có mắt thẩm mỹ, óc sáng tạo, biết chọn chủ đề phù hợp với không gian địa điểm vẽ. Thêm vào đó, người vẽ cũng phải có trí tưởng tượng phong phú, hình dung tốt không gian để chia tỷ lệ và bố cục tranh phù hợp”-anh Dương chia sẻ.

Năm 2022, anh Dương nên duyên chồng vợ cùng chị Phan Thị Hồng Thương-một cô giáo dạy Toán nhưng luôn dành tình yêu đặc biệt cho hội họa. Từ đó đến nay, hành trình theo đuổi đam mê vẽ tranh tường của anh Dương có thêm người bạn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ khó khăn. Đây cũng là động lực để anh không ngừng sáng tạo và tiếp tục giữ “ngọn lửa” đam mê với nghề.

Tương tự, chị Lê Thị Hoàng Thảo-Giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cũng bén duyên rồi gắn bó với nghề vẽ tranh tường suốt 8 năm qua. Chị Thảo kể: Năm 2016, một người bạn của chị mở quán cà phê tại TP. Pleiku và nhờ vẽ bức tranh khung cảnh thiên nhiên lên tường để làm điểm check-in cho khách. Sau bức tranh đó, chị nhận được nhiều lời động viên từ bạn bè và bắt đầu thử sức với việc vẽ tranh tường như một “nghề tay trái”. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, chị nhận công trình và miệt mài vẽ. Lúc bấy giờ, trang trí cho quán cà phê và không gian gia đình vẫn là chủ yếu. Sau này, chị mới nhận hợp đồng trang trí, thiết kế tranh tường cho khách sạn, homestay, văn phòng công ty, ngân hàng, bệnh viện… Chị cũng kết hợp với nhiều họa sĩ uy tín trong và ngoài tỉnh để cùng lan tỏa giá trị hội họa qua các bức vẽ.

Chị Lê Thị Hoàng Thảo (bìa phải)-giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bên một bức tranh vừa hoàn thành. Ảnh: NVCC

Chị Lê Thị Hoàng Thảo (bìa phải)-giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bên một bức tranh vừa hoàn thành. Ảnh: NVCC

“Trước khi thi công, chúng tôi thường khảo sát để thẩm định chất lượng tường. Nếu chưa đạt, tôi phải xử lý để đảm bảo độ bám bền cho bức tranh. Màu dùng để vẽ cũng phải là loại sơn tốt, pha thêm một số thành phần hóa chất khác nhằm chống ẩm mốc và bám bụi. Sau khi hoàn thành, tôi thường phủ tiếp một lớp dưỡng để giữ màu và giúp bức tranh có chiều sâu hơn. Tuổi thọ trung bình của một bức tranh tường khoảng 10 năm; riêng những bức ở không gian ngoài trời chịu tác động của thời tiết thì giữ được khoảng 4-5 năm”-chị Thảo cho hay.

Với đa dạng chủ đề, tranh tường được nhiều người lựa chọn để tạo điểm nhấn cho không gian sống, sinh hoạt hay kinh doanh; đồng thời truyền tải đến người xem nhiều thông điệp ý nghĩa. Ông Hoàng Đình Hoàng-Giám đốc Trung tâm Trí Việt Gia Lai-chia sẻ: “Sau nhiều năm hoạt động, tôi quyết định làm mới không gian cho Trung tâm bằng những bức tranh sống động, đầy màu sắc trên các bức tường. Trong tranh sẽ khắc họa hình ảnh trụ sở Trung tâm, phía trên là những quả khinh khí cầu chở học sinh với ngụ ý đây sẽ là nơi góp phần chắp cánh cho ước mơ của các em bay cao, bay xa. Sau khi bức tranh này hoàn thành, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với họa sĩ Cao Dương trong một số dự án vẽ tranh tường khác nhằm tạo thêm điểm nhấn cho không gian của đơn vị”.

Không chỉ ở thành thị, nghệ thuật vẽ tranh tường giờ đây cũng đã lan tỏa đến khu vực nông thôn. Anh Phạm Minh Vương-Chủ tiệm cà phê Bàu Cạn 90S (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) cho biết: “Tôi bị thu hút bởi bức tranh vẽ trên tường ở một quán cà phê tại TP. Hồ Chí Minh nên đã quyết định thuê họa sĩ trang trí lại tiệm của mình. Bốn bức tranh tường nhanh chóng được hình thành phía trong và ngoài quán, mang phong cách vừa cổ điển vừa hiện đại. Trong đó, có một câu thơ tạo “thương hiệu” cho quán là “Bàu Cạn một sáng tinh mơ/Cà phê, đọc báo, đánh cờ ung dung”. Giữa hàng loạt các quán cà phê truyền thống tại địa phương, tiệm cà phê của tôi với những bức tường bắt mắt bỗng trở nên khác biệt, thu hút khá đông khách đến uống nước, chụp ảnh lưu niệm”.

Khách chụp ảnh lưu niệm với bức tranh vẽ trên tường tại Tiệm cà phê Bàu Cạn 90S (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Mộc Trà

Khách chụp ảnh lưu niệm với bức tranh vẽ trên tường tại Tiệm cà phê Bàu Cạn 90S (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Mộc Trà

Theo các họa sĩ, chi phí vẽ thường dao động từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích, độ kỳ công của bức tranh. Với mức giá này, vẽ tranh tường cũng được xem là nghề mang lại thu nhập ổn định. Thế nhưng, số người theo đuổi và gắn bó lâu dài với nghề lại khá ít. Nguyên nhân được đưa ra là do vẽ tranh tường ngoài sự vất vả, kỳ công còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Trong đó, vất vả nhất là vẽ các mảng tường ở không gian và địa hình không thuận lợi như trần nhà hoặc trên tầng cao, bởi khi đó, người vẽ phải ngửa mặt liên tục, mỏi cổ và rất dễ bị ngã. Chưa kể, họa sĩ vẽ tranh tường phải thường xuyên tiếp xúc với màu sơn, hóa chất, lâu dần gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

“Vậy nên, ai muốn gắn bó với nghề thì nhất định phải thật sự đam mê, kiên trì; đồng thời, phải luôn luôn sáng tạo, đổi mới để bắt kịp với xu hướng và đáp ứng thị hiếu khách hàng”-anh Dương khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.