Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở các ngôi đình cổ nổi tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 8 ngôi đình tiêu biểu nhất nước, Bắc Giang có 3 đình là: Phù Lão, Thổ Hà và Đông Lỗ. Điểm nổi bật ở những di tích quốc gia này là kiến trúc cổ, phong cách độc đáo, đặc biệt là còn lưu giữ được nhiều chạm khắc gỗ tinh xảo với đề tài phong phú.
Mỗi bức chạm đều phản ánh câu chuyện gần gũi trong đời sống người dân, qua đó thể hiện trình độ đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam.
Linh khí của đất trời
Bốn tác phẩm chạm khắc ở đình Phù Lão xã Đào Mỹ (Lạng Giang) được xem là độc nhất vô nhị vì có nét không thể lẫn với bất cứ đình nào khác. Ở đó có thể xem là đã hội tụ được linh khí của vũ trụ gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc và bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Dưới thời phong kiến, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền nên mô típ đó cũng không ngoại lệ ở đình Phù Lão... 
Đó là những hình rồng lưỡi đao lửa xoắn xuýt, đan ken đầy ắp trên khuôn tranh nhưng lại rất uyển chuyển. Bức thứ nhất được cách điệu “mai hoá long”, hai rồng to khiến ta liên tưởng đến gốc và thân cây hoa mai, các râu rồng hình thanh mảnh như cành mai. Hình rồng con uốn lượn, thân tung tẩy như những búp non xuân, đầu và miệng há tròn như bông hoa mai nở.
Vẫn đề tài rồng ổ nhưng ở một bức chạm khác lại thể hiện cách điệu “cúc hoá long”. Râu rồng to hơn, mỏng hơn, đặc biệt là mềm mại như hoa cúc. Cô tiên có cánh cưỡi trên lưng rồng con và hai chú sóc rất ngộ nghĩnh. Phía sau là hai người cởi trần, đóng khố như thể đang diễn ra một trận đấu vật, xung quanh có bốn rồng con bao bọc. Tất cả gợi cho người xem một không gian mùa thu trong lành, yên ả, thanh bình.
Ở tác phẩm cách điệu “tùng hoá long” được cấu tạo bởi các họa tiết đao mác to, gợi cảm giác vững chắc, trường tồn như cây tùng, cây bách. Còn tác phẩm “trúc hóa long” thoạt nhìn giống như khóm trúc đang lay động trong nắng hè, nhưng thực ra vẫn là đề tài rồng ổ với những hình râu của rồng mẹ, rồng con tạc thanh vuốt như cành trúc, lá trúc. 
Cùng đó là cảnh sinh hoạt múa võ, bắt trăn, săn thú được các nghệ nhân thể hiện rất sinh động, lột tả được đầy đủ cái ý của trời đất “mùa hạ vạn vật trưởng thành”. Để rồi thiên nhiên ban tặng cho con người mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu thoả nguyện ước mong của người dân vùng lúa nước.
 
Bức chạm khắc cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở đình Phù Lão.
Tuyệt tác trên gỗ
Đình Đông Lỗ còn có tên gọi là đình Lỗ Hạnh. Đình thuộc làng Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Là ngôi đình cổ có niên hiệu sớm nhất vùng Kinh Bắc xưa- Bắc Giang ngày nay. 
Đình được  khởi dựng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVI (1576). Các tác phẩm điêu khắc ở đình cho thấy sự phong phú của các đề tài: Bức chạm hoa, lá, mây ở đầu các con giường, ổ xà nách, ở ván gió; rồng mẹ, rồng con quấn quýt ở các đầu dư; hình nghê ở chân cột, giá chiêng và vì nóc; chim, phượng ở các bức cốn; hươu, nai, hổ xen kẽ được bố cục hợp lý. 
Trên các bức chạm khắc trong đình, hình tượng cô gái cưỡi rồng và người chơi đàn đáy, hai bức sơn mài bát tiên không chỉ cho ta thấy sự độc đáo của nghệ thuật điêu khắc mà còn khẳng định loại trang sơn mài có từ rất sớm trên vùng đất Kinh Bắc xưa cũng như nghệ thuật âm nhạc dành cho ca trù một loại hình âm nhạc dân gian ở thế kỷ XVI. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, các bức phù điêu ở đình Đông Lỗ đã minh chứng cho thành tựu của nền mỹ thuật cổ Việt Nam. Đó là nghệ thuật hướng tới nhân sinh.
Trong các tác phẩm phù điêu và tranh sơn mài, các nghệ nhân bố cục rất hợp lý giữa các đề tài vào những vị trí thích hợp trong nội thất ngôi đình. Những hình tượng rồng trong mây, tiên cưỡi rồng, tiên cưỡi phượng, các thiếu nữ múa râu rồng… mang đậm phong cách của nghệ thuật dân gian là sự bứt phá trong tư tưởng và nghệ thuật ở thế kỷ XVI một cách tinh tế. Thể hiện cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của người dân nơi làng quê thôn dã cũng như ước vọng của họ muốn vươn tới cái chân-thiện-mỹ.
"Tiên" ở đình Thổ Hà
Khó có thể đếm hết những họa tiết hoa văn tầng tầng, lớp lớp ở đình Thổ Hà (Việt Yên). Công trình kiến trúc mang dấu ấn thế kỷ XVII này tiêu biểu với những hình ảnh về con người và thiên nhiên. Ngoài các đề tài về “Long- ly- quy- phượng”… có tại hầu khắp các kết cấu vì, kèo, đấu kê, kẻ, đầu dư thì các nàng tiên ở nhiều tư thế khác nhau là điểm độc đáo của ngôi đình. 
Đó là những hình chạm thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Qua đó phản ánh rõ tư tưởng “cha rồng mẹ tiên” trong dân gian. 
Trang trí đình Thổ Hà có điểm chung là đường nét khoẻ, với những khối nổi cao, có độ tương phản giữa nổi và chìm do trình độ điêu luyện của kỹ thuật chạm lộng, bong kênh tài hoa của các nghệ nhân xưa. 
Các cô tiên ở đầu dư 3 gian giữa đình và ở xà nách đều núp trong râu rồng. Có nàng thì cưỡi mây, cưỡi lưng phượng, lại có nàng tiên trong tư thế đang múa. Nét đáng chú ý là các  tiên đều có gương mặt trái xoan, tóc búi tó, bàn tay mềm mại, mặc váy để lộ chân trần, gót son trông đẹp…  
Ngoan Phạm (Cảnh sát Toàn cầu online)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.