Nghề lạ: Trông nhà vắng chủ ở làng ve chai, lương ngàn đô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 60 tuổi, ông Lưu Hà ngụ ở thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm nghề quản lý cho gần chục căn nhà vắng chủ. Công việc chính của ông là bật- tắt đèn, đi vòng quanh kiểm tra cửa nẻo. Những lúc rảnh, ông kiêm thêm việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa.
“Chắc không ai sướng như tui. Mỗi ngày đi một cái xe máy, ở một cái nhà khác nhau!”- Vừa cười giòn vừa khoe chùm chìa khóa lủng lẳng tầm 20 chiếc, ông Lưu Hà nói vui về công việc mình đang làm. Đó là chìa khóa nhà, xe máy, ô tô… của những người đồng hương, họ hàng đang làm nghề buôn ve chai ở các tỉnh phía Nam.
Việc “nhẹ”, lương ngàn đô
Bắt đầu công việc thường nhật mỗi ngày, đứng trước một căn nhà hai tầng vắng chủ, ông Lưu Hà nhanh tay tìm được một chiếc chìa tra vừa ổ khóa cổng trong đùm chìa khóa luôn mang theo người. Sau vài phút, ông đã bày ra nào thau, nào chậu, chổi, nước… để bắt đầu “chiến đấu”.
 
Bật- tắt đèn kiêm dọn dẹp nhà cửa cho gần chục ngôi nhà vắng chủ, đó là công việc mỗi ngày của ông Lưu Hà.
Cánh tay sải dài, chân bước nhanh nhẹn. Những đường chổi thẳng, nhanh lướt trên nền nhà. Thoáng chút, phòng khách đã sạch bong, ông Hà lại chuyển sang lau chùi phòng ăn, phòng ngủ, cửa nẻo. Mỗi ngày ông Lưu Hà chỉ dọn dẹp lau chùi một căn nhà, tuỳ vào thời gian và hứng khởi của mình. Cứ như vậy, gần chục ngôi nhà vắng chủ do ông quản lý được lau chùi, dọn dẹp luân phiên quanh năm.
“Ban đầu thì mình cũng chưa quen nhưng làm riết thì nhanh thôi. Đàn ông mà dọn dẹp nhà cửa cũng không thua đàn bà đâu”- ông Hà miệng cười trắng loá, mồ hôi long tong nhỏ xuống gương mặt rám nắng. Những vết chân chim trên khuôn mặt in đậm nỗi khắc khổ.
Thật ra, công việc chính ông được giao là bật đèn, tắt đèn. Cứ 5 giờ 30 phút chiều, ông cưỡi chiếc xe máy, lượn qua từng ngôi nhà do mình trông nom. Căn nhà trong bóng chiều tối bừng sáng ánh đèn sau cái bật công tắc điện của ông. Thắp nhang, ngồi trong nhà cho chút hơi ấm, ông lại di chuyển sang căn nhà khác. Đến 5 giờ sáng hôm sau, ông lại lượn quanh, tắt đèn, đi một vòng và kết thúc công việc trong ngày.
Ông Hà tâm sự, xóm Điền Long này có đến hơn nửa dân nam tiến gắn với nghề ve chai. Riêng gia đình ông cũng có tới 2 đứa em ruột làm nghề này. Người thu mua, chủ vựa ve chai bám xứ người chục năm đằng đẵng. Tích góp, họ về quê làm nhà khang trang, sắm sửa đồ đạc, xe mới. Sau những ngày tết, tất cả lại lưu về phương Nam. Vắng nhà quanh năm, hai người em giao lại chìa khóa nhờ ông trông nhà dùm. Thấy ông tận tâm, chăm chút công việc, nhiều người khác cũng ngỏ ý nhờ ông quản lý.
 
Một trong những ngôi nhà khang trang vắng chủ ở làng ve chai Điền Long.
“Mình coi ngó nhà cửa, rồi vào đi vài vòng cho có hơi ấm của người. Bà con, họ hàng đi làm ăn xa nhờ mình trông nom thì cũng phải chu tất như thế. Tiền công thì cũng là vừa trả vừa cho thêm. Anh em, làng xóm cả mà” – Ông Lưu Hà cười nói. Tiền công của ông mỗi tháng tính ra cũng tầm hơn 30 triệu đồng. Theo cách nói vui của người trong xóm, thì nhờ cái nghề bật- tắt đèn ấy mà ông Hà kiếm ra hơn ngàn đô.
Ký ức vui- buồn nghề ve chai
Trước khi “nghỉ hưu” để gắn bó với nghề trông nom nhà cửa này, ông Hà cũng từng bôn ba nơi xứ người với đủ nghề kiếm sống. Trong đó, có nghề ve chai. 
Hai mươi năm trước, gia đình ông cũng vào tận Sài Gòn vì cảnh nghèo ở quê không cách nào thoát khỏi. Những ngày đầu vào nghề đói khổ nơi đất người vẫn như mới hôm qua, in đậm trong ký ức của ông.
Thoạt đầu, vợ chồng ông đi bán bánh tráng dạo. Sau đó vài năm lại chuyển qua nghề buôn ve chai. Chiếc xe đạp cũ kỹ, bao tải và dây thừng, ông lặn lội khắp ngõ ngách Sài thành. Ông kể, hồi đó, nhiều nhà khá giả lắm có rất nhiều đồ ve chai vứt bỏ nhưng họ không bán. Đợt đó ông nghĩ ra cách tìm mua cái khác, nhưng lại được họ bán ve chai với giá rẻ.
“Tui đi vòng quanh các khu nhà rao, ai bán cóc không, mỗi con mười ngàn. Nhiều người tò mò mở của hỏi cóc gì mắc thế. Tui bảo cóc nay tăng giá, vô tìm nếu có thì mua, không có thì cũng sẽ dọn dẹp sạch sẽ giùm gia đình họ. Thế là mình vô trong ngóc ngách, tìm cóc nhưng thật ra là lôi hết đồ nhựa, ve chai thải ra ngoài. Cóc thì không có mà ve chai đầy sân, thế là họ vừa bán vừa cho giá rẻ” – Ông Hà bật mí.
 
Chùm chìa khóa nhà, xe gần 20 chiếc của họ hàng, đồng hương đang được ông Lưu Hà gìn giữ, trông nom.
Với kế hay đó, mà bao nhiêu năm trời lăn lộn ở đất Sài Gòn, vợ chồng con cái ông được sống đầy đủ hơn những ngày ở quê. Cũng chính những ngày đó, ông hiểu thêm tấm lòng khoáng đạt của người Sài Gòn. “Họ thấy mình vất vả, vui tính  mà lại hiền lành nên có người cho không các vật dụng hư hỏng, rồi chỉ mối, giới thiệu mình với các nhà khác để mình mua bán. Càng đi nhiều nơi thì càng thu mua được”- ông Hà nói về miền ký ức ấm áp đã qua.
Vui với nghề, nhưng ông cũng có những mảng xám buồn gắn với nghề ve chai. Người bạn đời từng đồng cam cộng khổ với ông, đã ra đi mãi mãi do bị tai nạn giao thông khi đi buôn ve chai hơn hai năm trước. “Vợ tui đó, sống gắn với nghề, mà chết cũng vì nghề. Sau lần đó, tui bỏ hẳn, về quê luôn”- ông Hà cười buồn, nghĩ về những năm tháng cùng vợ lặn lội nơi xứ người. Kinh tế ổn định, chưa kịp về quê an hưởng tuổi già thì vợ ông đã bỏ đi trước.
Sau hồi nhớ lại những chuyện cũ, ông nhanh nhẹn quay lại với công việc thường ngày. Sáng nay, ông Hà lại lái một chiếc ô tô chạy vòng quanh xóm. Định kỳ, ông tạt vào tiệm gara quen thuộc để bảo dưỡng, kiểm tra máy móc. “Cái xe này là của mấy đứa em, tụi nó đi làm ăn quanh năm, bỏ lại mấy cái xe máy nữa. Tui còn có nhiệm vụ lâu lâu phải nổ xe chạy cho nóng máy vì sợ để lâu quá rồi hư. Tết về tụi nó còn có xe đi chớ!”- ông Hà cười khà khà.

Trông nom, quản lý những ngôi nhà vắng chủ, để những người đồng hương an tâm gắn bó với nghề ve chai, kiếm thu nhập ổn định. Đằng sau công việc bật- tắt đèn hay mở- đóng cửa, đó là sự tận tâm, thấu hiểu của người đàn ông từng trải qua nhiều sóng gió cuộc đời…

Dân Việt (Theo Khả Nhiên-Như Ý/Báo Quảng Ngãi)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.