(GLO)- Trong cái nắng vàng ươm của tháng ba Tây Nguyên và trong hương rượu cần của mùa lễ hội, người dân làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê) tự hào và vui mừng khi vinh dự đón nhận danh hiệu làng văn hóa trong 3 năm liên tiếp (2011-2013) do Chủ tịch UBND huyện Chư Sê tặng.
Ảnh: Nguyễn Giang |
Ngày hội văn hóa
Ngay từ sáng sớm, dân làng đã tập trung đông đủ tại nhà rông văn hóa. Mỗi người một việc. Trai làng thì kê bàn ghế, sân khấu, loa đài, cắm cờ trên nhà rông và dọc lối vào. Đám con gái lo nước, sắp ghế ngồi thành từng hàng ngay ngắn, đón tiếp các vị đại biểu của huyện, của xã về chung vui với làng. Những người già ngồi lại với nhau nhắc nhớ về chuyện làng của những ngày còn cơ cực từ thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cho đến ngày hôm nay. Tất bật nhất phải kể đến đội cồng chiêng, múa xoang của làng.
Khi tiếng trống, tiếng chiêng ngân lên là lúc dân làng thực sự được đắm chìm vào không khí của ngày vui và lắc lư theo điệu múa. Những bài chiêng cổ được đội cồng chiêng làng chơi một cách tinh tế và điêu luyện, chính những bài chiêng này cũng đã mang về cho làng Greo Pết nhiều giải nhất trong các hội thi cồng chiêng do xã, huyện tổ chức trong những năm qua. Đội múa thiếu nhi của làng cũng có dịp được khoe tài năng với những động tác uyển chuyển trong từng bài múa truyền thống. Dân làng thích thú khi được dịp thưởng thức đã mắt những nét văn hóa của dân tộc mình.
Nổi bật giữa đám đông, già làng Rơ Mah Punh, năm nay đã 74 tuổi với mái tóc, bộ râu bạc phơ cùng bộ trang phục truyền thống còn khá mới. Ông đã giữ trọng trách rường cột của làng hơn 20 năm qua. Hơn ai hết, ông vui mừng khi chứng kiến những đổi thay của làng. Già Punh chia sẻ: “Già mừng lắm! Làng được như ngày hôm nay là phải cảm ơn Đảng, ơn Nhà nước. Ngày trước làng Greo Pết khổ lắm, bà con thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả cái nhà để ở, giờ được Đảng, Nhà nước lo cho thế này thì già trẻ, gái trai đều yên tâm sinh sống, làm ăn, nhắc nhở cháu con chăm ngoan và dạy chúng biết giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc”.
Đội cồng chiêng biểu diễn trong ngày vui của làng. Ảnh: Nguyễn Giang |
“Quyết tâm giữ vững danh hiệu cho làng”
Đó là lời hứa của dân làng Greo Pết và ai cũng tin vào lời hứa ấy vì làng Greo Pết là làng cách mạng, đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên tình đoàn kết càng ngày càng gắn sâu. Hiện làng Greo Pết có 102 hộ gia đình Jrai và 35 hộ người Kinh cùng sinh sống thuận hòa. Ông Hà Đức Thưởng đã gắn bó với đất làng Greo Pết 14 năm nay và đã từng là Bí thư chi bộ của làng chia sẻ: “Sống giữa cộng đồng dân tộc Jrai tôi không thấy có gì bất tiện cả, ngược lại tôi rất thích những nét truyền thống của dân tộc họ như đánh cồng chiêng, váy áo truyền thống và nhà sàn. Tôi mong muốn dân tộc Jrai sẽ gìn giữ và phát huy được những nét đẹp ấy để con cháu chúng tôi còn có dịp được thưởng thức”.
Trong làng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được bà con hưởng ứng tích cực. Các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng lên hàng năm, đến nay đã có gần 100 hộ đạt và quyết tâm đến năm 2015, làng phải có trên 130 gia đình văn hóa. Đời sống tinh thần của bà con được các đoàn thể quan tâm, chăm lo chu đáo. Khi trong làng có người ốm đau hay gặp hoạn nạn đều được các đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà. Món quà tuy nhỏ nhưng mang lại giá trị tinh thần lớn, giúp bà con ngày càng tin tưởng nghe theo lời vận động làm điều hay lẽ phải của chính quyền địa phương. Tuy còn nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng làng giàu mạnh khi tỷ lệ hộ nghèo của làng vẫn ở mức 16,7% với 23 hộ dân nhưng không vì thế mà bà con nản chí. Làng Greo Pết quyết tâm trong thời gian ngắn nhất sẽ cùng nhau giúp đỡ các gia đình khó khăn làm ăn, vươn lên thoát nghèo để cùng chung tay xây dựng làng và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”.
Cùng tôi đi dạo một vòng quanh làng, chị Trần Hồng Minh Phương-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê tự hào: “Greo Pết là một trong ít làng của huyện còn giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc Jrai như cồng chiêng, váy áo truyền thống hay nhà rông. Ở đây, bà con thực hiện tốt nếp sống văn minh, đường làng ngõ xóm hay trong từng nếp nhà đều được bà con giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Thanh niên làng thì lo làm ăn, không vướng vào các tệ nạn xã hội… Nếu có thật nhiều những làng như Greo Pết thì chúng tôi sẽ vui mừng biết mấy!”.
Nguyễn Giang