(GLO)- Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018 diễn ra trong 3 ngày (từ 3 đến 5-8) tại khu vực trung tâm huyện với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch của địa phương. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy để không chỉ du lịch Kbang mà cả ngành du lịch Gia Lai phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Từ trải nghiệm văn hóa truyền thống
Kbang là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử của tỉnh Gia Lai. Bởi vậy, việc tổ chức các hoạt động thu hút khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống được xem là điểm nhấn quan trọng trong Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018. Đến với ngày hội, du khách sẽ được hòa mình trong không khí sôi động, khám phá những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Bahnar như: lễ hội “Mừng lúa mới”; biểu diễn trang phục đồng bào các dân tộc thiểu số; trình diễn nhạc cụ dân tộc, dân ca, đan lát, tạc tượng, giã gạo, dệt thổ cẩm…
|
Đội cồng chiêng nữ xã Tơ Tung (huyện Kbang) luôn duy trì hoạt động để bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Đức Thụy |
“Chương trình của ngày hội được chia làm nhiều hoạt động với chủ đề cụ thể như: “Kbang-điểm đến của di sản văn hóa” gồm các hoạt động truyền thống được các nghệ nhân của các xã, thị trấn thể hiện; “Kích cầu và xúc tiến du lịch”-nhằm giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm văn hóa truyền thống, ẩm thực, tổ chức và giới thiệu các điểm du lịch của huyện. Chúng tôi đã bố trí 19/58 gian hàng về loại hình du lịch văn hóa truyền thống để thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, tại ngày hội, huyện còn tổ chức các hoạt động quảng bá ẩm thực địa phương như: cơm lam, gà nướng, heo quay, lá mì xào cà đắng...; giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Di tích Lịch sử-Văn hóa Làng kháng chiến Stơr, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, thác Kon Lok, thác Hang Dơi…”-ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, Trưởng ban tổ chức Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018-cho biết.
Trong không khí thân thiện và cởi mở của ngày hội, ngoài việc được thưởng thức các tiết mục trình diễn cồng chiêng, múa xoang, du khách có thể tham gia chế tác nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, giã gạo… cùng nghệ nhân đến từ các thôn, làng. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại những trải nghiệm mới mẻ, tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương.
|
Ông Võ Văn Phán ( thứ 2 từ phải sang) - Chủ tịch UBND huyện Kbang kiểm tra các gian hàng trước khai mạc lễ hội. Ảnh: M.Triều |
Gần nửa tháng nay, chị Đinh Thị Thai (làng Stơr, xã Tơ Tung) ngày đêm say sưa bên khung cửi dệt những tấm vải, những bộ trang phục thổ cẩm đẹp mắt nhất, tinh xảo nhất để mang tới ngày hội. Chị chia sẻ: “Đây là dịp để mình giới thiệu cái đẹp, cái hay của văn hóa truyền thống dân tộc Bahnar cho bạn bè gần xa. Mình mong là sản phẩm thổ cẩm sẽ được nhiều người biết đến và yêu thích”. Cũng như chị Thai, ông Đinh Ngơn (làng Kuk, xã Tơ Tung) rất tự hào khi được chọn là một trong những nghệ nhân đan lát tham gia Ngày hội Du lịch của huyện. Với ông, đây là một sự kiện lớn và rất có ý nghĩa. “Ngoài việc đưa văn hóa truyền thống của dân tộc mình ra giới thiệu cho mọi người thì đây còn là dịp để các nghệ nhân như chúng tôi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức cho lớp trẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”-ông Đinh Ngơn cho biết.
Đến thưởng thức sản phẩm nông nghiệp sạch
Quảng bá đặc sản địa phương trong Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018 cũng là hoạt động rất đáng chú ý nhằm đẩy mạnh công tác giới thiệu tiềm năng du lịch và các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn huyện đến với người tiêu dùng gần xa. 22 gian hàng sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ hoạt động suốt thời gian diễn ra sự kiện này với các sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm hàng dược liệu, trái cây, rau sạch… Tiêu chí đặt ra đối với các mặt hàng là phải bắt mắt, chất lượng, đảm bảo vệ sinh và đặc biệt là phải sản xuất tại huyện Kbang.
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Mỗi xã, thị trấn xây dựng một sản phẩm để mang tới ngày hội. Các sản phẩm này chủ yếu là nông sản thế mạnh, có giá trị kinh tế cao và sản xuất an toàn. Chúng tôi đã bắt đầu tổ chức sản xuất, chuẩn bị hàng hóa và đăng ký sản phẩm từ tháng 3-2018. Mỗi giai đoạn, chúng tôi sẽ kiểm tra chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Sản phẩm phải được sản xuất theo đúng quy trình với các bước: lấy giấy xác nhận an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh; đóng gói; có tờ rơi giới thiệu về sản phẩm. Đặc biệt, một số sản phẩm cần có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội cho người dân giới thiệu những sản phẩm do chính họ làm ra. Chính vì vậy, đối với những người trực tiếp làm ra sản phẩm, đây là cơ hội kết nối cung-cầu hiệu quả”. Theo ông Tình, dịp này, huyện sẽ có các gian hàng trưng bày 10 loại trái cây là đặc sản của địa phương như: cam sành, na dai, mắc ca, ổi, nhãn, chuối, bơ sáp… Ngoài ra, có 22 loại dược liệu được thu hái từ rừng như các loại nấm quý, mật nhân, mật ong, măng khô, sa nhân... cũng được giới thiệu tại ngày hội.
|
Ngày hội Du lịch là cơ hội để người dân giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn huyện Kbang. Ảnh:M.Thi |
Hiện nay, các sự kiện quảng bá du lịch được nhiều địa phương tổ chức hàng năm nhưng hoạt động chuyên về giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch và đặc sản phục vụ du lịch chưa được tổ chức nhiều. Vì thế, Ngày hội Du lịch chính là điểm đến lý tưởng của nhiều hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kbang. Ông Lê Cao Sáng-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang-cho hay: “Thị trấn Kbang có 6 hộ tham gia trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp sạch tại Ngày hội Du lịch. Đây cũng là sự kiện hứa hẹn mở ra cơ hội mới cho người dân. Hầu hết họ đều rất phấn khởi và có sự chuẩn bị chu đáo”. Với nhiều hộ dân trồng cây ăn quả thì việc chăm sóc sản phẩm của mình sao cho bắt mắt và ấn tượng nhất để đưa ra ngày hội là công việc rất quan trọng. “Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là điều nhà nông chúng tôi vô cùng quan tâm. Để giữ gìn và phát huy thương hiệu trái cây sạch, gia đình tôi đã bỏ công đầu tư chăm sóc nhãn, ổi, chuối… trong vườn của mình một cách tốt nhất với mong muốn khi đưa ra ngày hội sẽ được mọi người hài lòng đón nhận”-bà Lê Thị Dung (tổ dân phố 2, thị trấn Kbang) chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, Trưởng ban tổ chức Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018: “Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018 là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, dịch vụ du lịch đến với du khách. Thông qua sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện, từ đó đẩy mạnh thu hút hợp tác đầu tư, liên kết giữa các tỉnh trong cả nước về tuyến điểm du lịch trong khu vực lân cận, hình thành các tour liên kết gắn với các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng. Huyện sẽ tổ chức thường niên Ngày hội Du lịch để tạo điểm đến với hình thức, quy mô ngày càng hấp dẫn và lớn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân địa phương và du khách”. |
Bên cạnh mục tiêu giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch và các loại dược liệu, ngày hội còn nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là dịp để các nhà sản xuất nông nghiệp có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các công nghệ mới trong sản xuất cũng như quy trình sản xuất. “Tôi tự làm mắc ca sấy khô bán ra thị trường đã 4 năm nay. Tuy nhiên, sản phẩm của tôi còn ít người biết đến nên lượng tiêu thụ chưa nhiều. Nhân dịp này, tôi muốn đưa mắc ca ra tìm kiếm thị trường rộng hơn, không còn bó hẹp trong địa bàn huyện nữa. Tôi mong nhiều người sẽ có hứng thú và ấn tượng với sản phẩm mắc ca của mình”-chị Nguyễn Thị Lệ Giang (tổ 11, thị trấn Kbang) kỳ vọng.
|
Thác 50-một điểm du lịch hấp dẫn ở huyện Kbang. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài việc chuẩn bị tốt cho chương trình ngày hội thì huyện Kbang cũng nỗ lực tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu để sự kiện này diễn ra thành công. Theo đó, bên cạnh việc chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự vỉa hè, lấy lại không gian thoáng đãng cho các tuyến đường xung quanh khu vực quảng trường trung tâm, Công viên văn hóa, huyện cũng đã lên kế hoạch phân công các lực lượng trực phân luồng giao thông, bố trí khu vực đỗ xe, đảm bảo giao thông thuận tiện cho du khách trong những ngày hội. Đồng thời, các ngành chức năng chủ động rà soát toàn bộ các cơ sở lưu trú, đáp ứng nhu cầu du khách ngủ qua đêm; kiểm tra nhà hàng, điểm cung cấp dịch vụ, đảm bảo quy định về niêm yết giá công khai; tăng cường công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng-chống cháy nổ, vệ sinh môi trường…
Nhóm PHÓNG VIÊN