Ngành du lịch kêu cứu vì... thiếu 'nhạc trưởng' - Bài 2: Vắng vẻ 'thành phố ngàn hoa', lác đác miền di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được ví là 'thành phố ngàn hoa', 'xứ hoa anh đào' có khí hậu mát mẻ, là nơi trốn nắng duy nhất của cả khu vực Nam bộ, thường xuyên thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Vậy mà nay TP Đà Lạt vắng vẻ du khách đến kỳ lạ. Ở khu vực phía Bắc, 'thủ phủ' du lịch, quần thể vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, cũng chung nỗi niềm… !
Bãi biển khu du lịch Mũi Né - Hàm Tiến (Bình Thuận) thưa thớt du khách. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bãi biển khu du lịch Mũi Né - Hàm Tiến (Bình Thuận) thưa thớt du khách. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Phòng ốc mốc meo

Những ngày này, lượng khách đến Đà Lạt thưa thớt hơn nhiều so với mọi năm. Tại khu vực các tuyến phố trung tâm, không còn cảnh ùn tắc đường cục bộ, hay quá tải các dịch vụ ăn uống, đi lại… Thay vào đó, đường phố trở nên thông thoáng, cho dù là ngày cuối tuần. Dịp hè, lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, lượng khách đến với Đà Lạt cũng ít đi nhiều. Khách vắng, các cơ sở lưu trú rơi vào cảnh lao đao.

Chị Nguyễn Thị Vinh Hạnh (chủ cơ sở lưu trú tại phường 3, TP Đà Lạt) cho biết: “Nếu như trước đây, vào dịp cuối tuần, khách phải đặt phòng sớm mới có, còn nay luôn có sẵn, dịp cuối tuần không kín phòng như trước kia. Các phòng không có khách ở thường xuyên nên bị ẩm mốc, xuống cấp, vì vậy chúng tôi lại tốn thêm chi phí bảo dưỡng; chưa kể khuôn viên lúc nào cũng phải chăm sóc cây, hoa để có cảnh quan cho khách ngắm”.

Nhiều cơ sở lưu trú được thuê lại còn khó khăn hơn, vì phải chật vật tìm cách tồn tại. Anh Thái Hà (quản lý biệt thự du lịch tại phường 9, TP Đà Lạt) thở dài: “Mỗi tháng chi phí mặt bằng hết 60 triệu đồng cho căn biệt thự 12 phòng, cộng với tiền thuê nhân viên buồng phòng, điện nước, chăm sóc khuôn viên, nhưng lượng khách chỉ lác đác vài nhóm khách lẻ vào dịp cuối tuần; những ngày trong tuần hầu như không có khách”.

Không chỉ các cơ sở lưu trú nhỏ, hiện những khách sạn có quy mô lớn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại khách sạn Dalat Palace (tiêu chuẩn 5 sao) với 70 phòng, có khuôn viên rộng, đẹp, vị trí đắc địa giữa trung tâm TP Đà Lạt, nhưng công suất từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 50%.

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Gia Đà Lạt (đơn vị kinh doanh khách sạn Dalat Palace), cho biết: “Lượng khách bắt đầu suy giảm từ tháng 3-2023, sau đó tới dịp nghỉ lễ 30-4 thì tiếp tục giảm. Chúng tôi phải giảm số ca trực của một số bộ phận vì vắng khách”.

Ghi nhận tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Lạt, lượng khách giảm đi thấy rõ, các bãi xe tại đây hầu như không còn cảnh quá tải. Tại khu du lịch thác Datanla - Công ty Dalat Tourist, thường xuyên áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho gói dịch vụ trải nghiệm, nhưng lượng khách vẫn hụt so với trước.

Tương tự, tại chuỗi các khu điểm du lịch tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương của Công ty Dalat Tourist cũng ghi nhận lượng khách giảm mạnh.

Ông Nguyễn Nhật Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Tourist, cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 10, lượng khách Việt Nam đến các khu du lịch của công ty quản lý đạt gần 1,5 triệu lượt. Tuy nhiên, con số trên đã giảm 50% so với trước đây.

Theo ông Nguyễn Nhật Vũ, Đà Lạt đang bị sự cạnh tranh từ các địa phương lân cận, nhất là Phan Thiết. “Các tỉnh thành phía Nam cung cấp lượng khách lớn nhất cho Đà Lạt, tuy nhiên kể từ thời điểm cao tốc nối Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thiện, các phương tiện di chuyển dễ dàng hơn. Trong khi đó, năm nay thời tiết tại Lâm Đồng mưa nhiều, các vụ sạt lở, ngập úng cục bộ cũng khiến tâm lý du khách ngại lên Đà Lạt vì sợ bị ảnh hưởng”, ông Vũ cho biết.

Vịnh Hạ Long “ngủ đông”

Những ngày này, vịnh Hạ Long - điểm du lịch nổi tiếng phía Bắc, khách vắng hoe. Tuyến đường bao biển trước đây thường xuyên tấp nập xe cộ, giờ vắng vẻ. Cả khu vực bờ biển Bãi Cháy xinh đẹp cũng chỉ lác đác một vài xe cá nhân dừng chân chụp ảnh rồi đi tiếp. Ki ốt, hàng quán đều đóng cửa im ỉm… Gần 12 giờ trưa, tại nhà hàng ăn uống Minh Phi nằm trên trục phố lớn ở Hạ Long, cả cụm 3 phòng ăn lớn thênh thang chỉ có hơn chục khách.

Chị thu ngân kiêm luôn chân chạy bàn dốc bầu tâm sự: Từ Bắc Giang theo chồng về Hạ Long lập nghiệp đã hơn chục năm, ngoài một nhà hàng dành cho khách bình dân nằm ở phường Hà Khẩu, ngay đầu TP Hạ Long, vợ chồng mở thêm một cửa hàng cỡ 500 khách chuyên dành đón khách du lịch. “Nhưng hè năm nay chán lắm, chỉ đông được 1 tháng, còn sau đó khách vãn hẳn…”, chị than thở.

Nhớ lại thời “hoàng kim”, cũng mùa này hồi trước dịch Covid-19, nhà hàng duy trì hơn 100 nhân viên; năm ngoái nhân viên tuy giảm nhiều nhưng cũng được 30-40 người, nay chỉ còn 2 bếp chính và 4 người phục vụ. Vậy chứ nhiều khách sạn, nhà hàng lớn ở trong phố còn treo biển bán”, chị chép miệng.

Khách du lịch vắng vẻ, nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đóng cửa, treo biển bán, sang nhượng. Ảnh: MAI AN

Khách du lịch vắng vẻ, nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đóng cửa, treo biển bán, sang nhượng. Ảnh: MAI AN

Tại cảng khách quốc tế Tuần Châu - Quảng Ninh, chúng tôi chứng kiến phòng đợi rộng thênh thang nhưng chỉ có vài nhóm khách nhỏ ngồi đợi hướng dẫn viên hoàn thành các thủ tục chuẩn bị ra tàu.

Anh Mai Trung Hiếu, Trưởng bộ phận marketing của khu du lịch Tuần Châu - Hạ Long phân tích, sau lễ 2-9, chuyện vắng khách cũng theo quy luật. Tuy nhiên, năm nay số lượng khách nội địa về nơi này sụt giảm 30%-40%. Khách Trung Quốc chỉ mới bắt nhịp lại nên ngoài những dịp cuối tuần khách lưu trú có tăng chút ít thì công suất phòng nhìn chung vẫn trầm lắng, giảm 20%-30% so với cùng kỳ.

Theo đại diện đơn vị khai thác dịch vụ du thuyền 5 sao tại vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ, các du thuyền lưu trú thời điểm này cũng ghi nhận có sự quay lại của khách quốc tế như Ấn Độ, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc… nhưng số lượng chưa nhiều, chỉ mới đạt khoảng 20%-30% so với trước dịch.

Bên cạnh đó, khách nội địa, vốn được coi là “cứu tinh” của du lịch trong mùa Covid, đặc biệt là dòng khách từ TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam đến với Hạ Long, năm nay chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái, nên đội tàu đang ở mức duy trì chứ không nhộn nhịp như trước.

Trong khi đó, thống kê từ Sun World Hạ Long cho thấy, mới phục hồi hơn 60% so với năm 2019. Để tăng sức hút, nhiều khu công viên Sun World đưa ra giá vé chỉ với 150.000 đồng/người, áp dụng tới cuối năm 2023. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lưu trú giảm từ 10%-20% giá dịch vụ nhưng không khí vẫn ảm đạm. “Năm nay bết hơn mọi năm, dù là thời điểm Covid cũng không khó khăn bằng”, một doanh nghiệp với nhiều dự án đầu tư lớn cho du lịch ở khắp Bắc - Trung - Nam chia sẻ.

Mũi Né, Nha Trang: Khách sạn, resort thoi thóp Vào thời điểm này của những năm chưa bùng phát dịch Covid-19, khu vực Mũi Né - Hàm Tiến hầu như không còn chỗ để khách nội địa lưu trú, bởi lượng khách quốc tế ồ ạt đến. Tuy nhiên, mùa du lịch trú đông năm nay, khách quốc tế vắng lặng, khách nội địa thưa thớt.

Chủ resort Little Muine Cottages thông tin: “Cơ sở chúng tôi có khoảng 80 phòng, công suất phòng vào ngày cuối tuần được khoảng 20%-30%, còn ngày thường chỉ được 10%-20%, chủ yếu là khách nội địa. Đối với khách nước ngoài thì hôm nào may mắn được 2-3 phòng”.

Tương tự, ông Trần Anh Thi, Giám đốc điều hành Seahorse Resort & Spa, cho biết, lượng khách nước ngoài đến trú đông năm nay đang giảm rất mạnh. “Đến thời điểm hiện tại, lượng khách quốc tế đến lưu trú tại resort chỉ đạt khoảng 6%-7% so với thời điểm năm 2017-2018, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát”, ông Thi chia sẻ.

Vì ế ẩm nên nhiều cơ sở kinh doanh du lịch Mũi Né - Hàm Tiến “gồng mình” duy trì đội ngũ nhân sự, chi phí hoạt động. Khảo sát một số khách sạn ở Nha Trang, tình trạng trống phòng rất nhiều. “Ba tháng nay, khách sạn chỉ hoạt động tối đa 50% công suất phòng vì khách du lịch ít so với cùng kỳ”, ông Trần An, chủ khách sạn 4 sao trên đường Trần Phú cho biết.

Một loạt khách sạn nằm mặt tiền đường Trần Phú cũng báo còn phòng dù giá lưu trú ở những nơi này chỉ bằng một nửa so với trước dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, nếu so với thời điểm trước dịch Covid-19 thì con số 6,2 triệu lượt khách của 10 tháng đầu năm 2023 vẫn rất ít, trong khi tiềm năng và khả năng phục vụ của ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa rất lớn.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.