Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu 'nhạc trưởng'- Bài 1: Đìu hiu Phú Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Chưa bao giờ ngành du lịch từ đảo ngọc Phú Quốc cho đến 'thành phố ngàn hoa' Đà Lạt, hay 'thủ phủ' resort nghỉ đông Mũi Né…, khách du lịch quốc tế lẫn nội địa lại vắng vẻ như hiện nay; khách sạn, nhà hàng cũng ế ẩm theo. Một khung cảnh khác biệt so với thường kỳ những năm trước...

Những năm gần đây, Phú Quốc - được mệnh danh là “thiên đường” nghỉ dưỡng của Việt Nam - đã thu hút ào ạt nhà đầu tư với hàng loạt khách sạn, biệt thự mọc lên như nấm, đẩy giá nhà đất tăng phi mã, một tương lai xán lạn cho đảo ngọc. Bỗng dưng, ngành du lịch nơi đây rơi vào cảnh ế ẩm, vắng vẻ. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi, mới đây tỉnh Kiên Giang phải tổ chức cuộc họp “giải cứu” du lịch Phú Quốc.

Cảnh "chợ chiều"

Để ghi nhận cận cảnh hoạt động du lịch ở Phú Quốc tại thời điểm này, từ đất liền, chúng tôi đi phà (tuyến Hà Tiên - Phú Quốc) đến đảo. Thấy chúng tôi chụp hình khách đi phà, anh Cường, nhân viên phục vụ trên phà, cho hay, hai tuần nay, người dân rời đảo Phú Quốc rất nhiều. “Trên mỗi chuyến phà về đất liền đều có vài chục người đi xe máy, chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh. Phần lớn trong số họ là lao động nhập cư ra đảo làm thuê trong các quán ăn, nhà hàng, bán nước ở khu vui chơi... Giờ du lịch ế ẩm, thất nghiệp, họ phải rời đảo để tìm kế mưu sinh”, anh Cường chia sẻ.

Tàu chở khách tham quan nằm bờ tại cửa sông Dương Đông, Phú Quốc

Tàu chở khách tham quan nằm bờ tại cửa sông Dương Đông, Phú Quốc

Chúng tôi thuê một khách sạn nằm trên trục đường trung tâm đảo Phú Quốc. Quản lý khách sạn đưa chúng tôi lên phòng, nói vui nhưng giọng trầm xuống: “Khách sạn có hơn 40 phòng nhưng chỉ có 2 anh ở thôi, nên rất thoải mái. Cảnh vắng vẻ này kéo dài nhiều tháng nay, chủ khách sạn vừa cho nghỉ hơn chục nhân viên để giảm chi phí”.

Buổi tối, dọc đường Trần Hưng Đạo (tuyến đường được ví như “phố Tây” của đảo Phú Quốc), hàng quán dù sáng đèn, nhạc vẫn xập xình đây đó, nhưng nhìn từ ngoài vào chỉ thấy… toàn nhân viên phục vụ tụm năm tụm bảy tám chuyện. Có quán may mắn thì được 1 hoặc 2 bàn có khách. Tại chợ đêm Phú Quốc, trước cổng khá đông người đứng cầm dù che mưa, thoạt nhìn cứ tưởng khách du lịch, khi đến gần hóa ra là cánh tài xế taxi đứng chờ bắt khách. Bên trong chợ, nhiều sạp hàng kinh doanh đủ loại mặt hàng, bày tràn ra giữa đường, nhưng có rất ít khách xem, mua sắm.

Cuối chợ, một quán nhậu treo bảng bán hải sản tươi sống với đầy đủ các loại mực ống, tôm biển, mú đỏ, nhum, ốc đỏ, ốc hương, tôm hùm…, nhưng khi khách vào gọi món, chủ quán cho biết, chỉ có tôm biển và mực ướp đá. “Mấy anh nhậu đỡ, lúc này ế quá, em không dám nhập hàng sống. Trước đây, mỗi tối bán cả chục triệu bạc, giờ có bữa chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Tuần rồi, em tính trả mặt bằng, nghỉ bán, nhưng ráng gồng đến hết tháng xem thử có thay đổi…”, chủ quán nhậu than thở.

Dì Năm bán bánh canh gần Trường Tiểu học Dương Đông 1 cho hay, dì không tưởng tượng có ngày đảo Phú Quốc lại vắng khách đến vậy. Số lượng tô bánh canh dì Năm bán ra mỗi tối từ cuối tháng 8 đến giờ chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. “Lúc trước, tối nào cũng có đông khách Tây đến ăn, bây giờ cả tháng cũng không có đến một người, chủ yếu bán cho người địa phương”, giọng Dì Năm buồn rượi.

Giảm giá vẫn vắng khách thuê

Tình cảnh ế ẩm, vắng khách không chỉ xuất hiện ở quán xá, nhà hàng, chợ đêm mà còn lan đến các khu vui chơi, giải trí. Ở các khu vui chơi có quy mô hoành tráng, tên gọi mỹ miều, như “Đảo thiên đường Hòn Thơm”, “thị trấn Địa Trung Hải”… chỉ thấy toàn nhân viên. Bãi Khem gần resort 5 sao JW Marriott cát trắng mịn cũng vắng dấu chân người.

Hầu hết hàng quán ở khu Grand World Phú Quốc đã đóng cửa ngừng kinh doanh

Hầu hết hàng quán ở khu Grand World Phú Quốc đã đóng cửa ngừng kinh doanh

Trước đó, chúng tôi liên hệ Sun World Hòn Thơm để đặt vé đi cáp treo Hòn Thơm thì nhân viên ở đây cho biết, hệ thống cáp treo đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 19-9, hiện chưa có thông báo khi nào sẽ chạy lại. “Khách muốn đi Hòn Thơm có thể đặt ca nô của Rooty Trip, hoặc các công ty dịch vụ giới thiệu trên mạng”, nữ nhân viên Sun World Hòn Thơm hướng dẫn, nhưng cũng lưu ý: “Hòn Thơm chỉ mở cửa đón khách du lịch từ thứ tư đến thứ bảy, các ngày còn lại không hoạt động. Khi nào ra Hòn Thơm, anh nên điện tổng đài hỏi trước, vì hiện nay các dịch vụ như Dòng sông lười, Bãi biển nhân tạo…, một số ngày không hoạt động, do khách du lịch ít”.

Từ Hòn Thơm, chúng tôi ngược về phía Nam đảo Phú Quốc, đến khu vực Cửa Cạn, Cửa Dương. Tại đây, hoạt động du lịch của các resort, bungalow (mô hình nhà nghỉ dưỡng) cũng không mấy sáng sủa. Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên bungalow Ý Nghĩa ở ấp Ông Lang (xã Cửa Dương), anh Khuyến, nhân viên bungalow này, cho biết, khách Tây thường đến đây du lịch, nghỉ dưỡng, vì ngoài phòng nghỉ còn có vườn tiêu, cây ăn trái, sinh vật cảnh để tham quan, thư giãn.

Lúc trước, mỗi phòng nghỉ ở đây có giá 800.000 đồng/ngày đêm và luôn trong tình trạng kín phòng, nhưng thời gian gần đây, lượng khách sụt giảm mạnh, dù chủ bungalow đã hạ giá phân nửa. “Toàn khu có 21 phòng, nhưng chỉ có 2 khách nước ngoài ở. Hai người này cũng không phải khách du lịch lưu trú ngắn ngày, mà là khách lâu năm, tạm trú lâu dài trên đảo Phú Quốc để làm việc”, anh Khuyến chia sẻ. Chủ một số khách sạn lớn ở Phú Quốc cho biết, chuẩn bị đến Noel, Tết Dương lịch, mọi năm đến thời điểm này, khách du lịch đã đặt kín phòng, nhưng năm nay, số lượng khách liên hệ, đặt phòng cho các kỳ nghỉ trên chỉ khoảng 20%-30%, trong đó có rất nhiều khách chưa cọc tiền trước.

“Du lịch thời gian qua ế ẩm, những người làm du lịch như chúng tôi chưa hết ám ảnh, giờ lại đang sốt ruột, lo lắng trước viễn cảnh thất thu, thua lỗ trong những đợt nghỉ lễ cao điểm cuối năm”, chủ một khách sạn 4 sao ở Phú Quốc (xin giấu tên) chia sẻ.

Giảm một nửa chuyến bay đến Phú Quốc

Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hiện mỗi ngày chỉ có khoảng 22-25 chuyến bay tới đảo (trong đó 3-4 chuyến quốc tế). Con số này cùng thời điểm năm trước là 45-50 chuyến. Theo Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, thời gian qua, du lịch Phú Quốc gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Lễ 2-9 năm nay, Phú Quốc chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.

Thống kê khách tăng, doanh thu tăng nhưng lại “kêu cứu”

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, lũy kế 10 tháng, riêng đảo Phú Quốc ước đón 5.196.872 lượt khách (tăng 17,4% so với cùng kỳ, đạt 86,6% kế hoạch năm), khách quốc tế ước đón 540.323 lượt khách (tăng 242,4% so với cùng kỳ, vượt 54,4% kế hoạch năm); tổng thu đạt trên 13.203 tỷ đồng (tăng 105,4% so với cùng kỳ, vượt 14,8% kế hoạch năm).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh khách sạn ở Phú Quốc cho biết, rất lấy làm khó hiểu khi du lịch ở Phú Quốc thời gian qua ế ẩm, nhưng UBND tỉnh Kiên Giang lại báo số lượng khách du lịch đến đảo này tăng mạnh so với cùng kỳ. Nếu khách du lịch đến Phú Quốc tăng, hoạt động du lịch ổn định, phát triển, UBND tỉnh Kiên Giang họp Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, các doanh nghiệp, cơ quan liên quan tìm giải pháp để làm gì? Lý giải vấn đề này, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, nói: “Số liệu là tính từ đầu năm tới nay, tức là có thời điểm đông khách. Việc vắng khách chỉ mới xảy ra trong thời gian gần đây, nên ít ảnh hưởng tới chỉ tiêu cả năm”.

Trả lại môi trường bình an cho “đảo ngọc”

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Phú Quốc, lực lượng làm nhiệm vụ đã đấu tranh, triệt xóa, làm tan rã 8 băng nhóm tội phạm với 104 đối tượng; phát hiện 74 đối tượng dương tính ma túy, bắt 5 vụ, 7 đối tượng có hành vi tàng trữ và sử dụng ma túy; phát hiện 2 vụ với 10 đối tượng tụ tập, mang theo vũ khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn; phát hiện, bắt, xử lý, giải tán 32 sòng bạc lớn nhỏ; khám phá, xử lý 2 vụ cướp…

Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, nhằm thiết lập lại sự ổn định về an ninh trật tự, đặc biệt kịp thời ngăn chặn các loại tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cướp giật…, góp phần thúc đẩy du lịch Phú Quốc phát triển, Công an tỉnh Kiên Giang đang triển khai nhiều kế hoạch, cao điểm trấn áp tội phạm với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm đối với các loại tội phạm, không để tội phạm có “đất sống” tại Phú Quốc.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.