Ngang nhiên phá rừng phòng hộ bán gỗ làm bè nuôi tôm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng trăm người dân huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đang lao vào rừng phòng hộ giáp ranh giữa tỉnh này với tỉnh Phú Yên, phá rừng lấy gỗ để bán cho người nuôi tôm làm lồng bè.

Hơn 12.000 lồng bè nuôi tôm bằng gỗ ở vịnh Vân Phong bị bão số 12 quật tan nát đang cần hàng ngàn mét khối gỗ để phục hồi, đã tạo nên một "cơn khát" gỗ chưa từng có.

Ngang nhiên phá rừng

 

Ngang nhiên vận chuyển gỗ trái phép giữa ban ngày.
Ngang nhiên vận chuyển gỗ trái phép giữa ban ngày.

Chiều 23-11, chúng tôi có mặt tại tuyến đường Dốc Mỏ - Suối Hương (thuộc xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) - đây là địa điểm mà lực lượng bảo vệ rừng nhận định tình trạng khai thác gỗ trái phép đang diễn ra nóng bỏng nhất.

Để vào được Dốc Mỏ, chỉ có tuyến đường đất độc đạo và chỉ xe hai bánh di chuyển được bắt đầu từ thôn Bình Lộc 2 (xã Vạn Bình). Tuy thời tiết đang mưa lớn, con đường dẫn vào nhão nhoét bùn nhưng những chuyến xe máy của các đối tượng khai thác gỗ vẫn ùn ùn di chuyển. Chỉ trong vòng 10 phút, có đến 4 chuyến xe máy nối đuôi nhau tuồn gỗ ra ngoài rừng mà không bắt gặp một sự cản trở nào. Mỗi xe chở hai thân gỗ đã được cưa xẻ, có cây còn ứa mủ, dài chừng 5-7m.

Đi bộ chừng 10 phút sẽ đến khu vực suối Dực Trạnh rộng chừng 5m, tất cả gỗ hầu hết muốn đưa ra khỏi rừng đều phải qua con suối này. Thời điểm này, nước suối dâng cao đến ngực, hàng chục người phân công nhau, 5 người dùng cây "xọc" vào bánh xe máy vác qua suối. Sau đó là những thân gỗ đã được cắt xẻ vuông vức, lần lượt thả trôi giữa dòng rồi kéo qua.

Chúng tôi hỏi một người đang chở gỗ tên Dũng (thôn Bình Lộc 2, xã Vạn Bình) về giá cả cũng như nguồn gốc của những cây gỗ này. Ông Dũng thẳng thắn trả lời: "Bọn tôi vừa chặt những cây gỗ này ở khu vực rừng phòng hộ Vạn Bình tiếp giáp tỉnh Phú Yên về để bán lại cho người ta làm bè nuôi tôm. Giá hiện tại là 650.000 đồng/cây nhưng chưa bán ngay, để được giá rồi bán".

Lực lượng tại chỗ bất lực

 

Hai đối tượng vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực suối Hương - thuộc rừng phòng hộ Vạn Ninh.
Hai đối tượng vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực suối Hương - thuộc rừng phòng hộ Vạn Ninh.

Chốt quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ được lập ngay giữa con đường để lên rừng phòng hộ Vạn Ninh. Anh Ngô Hữu Sự - phụ trách chốt Dốc Mỏ - cho biết chốt có biên chế tổng cộng 4 người, sau khi diễn ra tình trạng khai thác gỗ làm lồng bè có tăng cường thêm nhưng không thường xuyên. "Chúng tôi thừa nhận việc khai thác gỗ trái phép tại đây đang diễn ra, thậm chí bắt gặp tận mắt nhưng với bấy nhiêu con người ở đây không thể làm gì được" - anh Sự chia sẻ.

Cũng theo anh Sự, các đối tượng phá rừng thường đi theo nhiều tốp, mỗi tốp từ 5-7 người. "Khi phát hiện vận chuyển gỗ, chúng tôi giữ lại được một xe thì một đối tượng lại giả vờ xin rồi cố tình ngăn cản để các xe khác bỏ chạy. Thậm chí cùng lắm là chúng bỏ lại gỗ rồi lên xe tẩu thoát. Khi chúng tôi báo về đơn vị, các lực lượng tiếp cận được thì đã quá muộn" - anh Sự nói.

Ông Đặng Quang Thành - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh - cho biết diện tích rừng trên địa bàn do đơn vị quản lý là 850ha rừng phòng hộ, 16.000ha rừng tự nhiên và 250ha rừng sản xuất. Cũng theo ông Thành, sau khi tình trạng trên xảy ra, đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng truy quét, ngăn chặn. Tuy nhiên do lực lượng ít nên không hiệu quả. "Đơn vị cũng đã có văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm bố trí lực lượng, Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, Công ty TNHH Vạn Hương phối hợp cùng để triển khai chốt chặn trên tuyến Dốc Mỏ - Vạn Hương (xã Vạn Bình) nhưng vẫn chưa kiểm soát được" - ông Thành nói.

Điều động khẩn cấp đội kiểm lâm cơ động

Ông Trần Minh Thu - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa - cho biết sẽ điều động đội cơ động gồm năm người ra Vạn Ninh để phối hợp lực lượng địa phương chốt chặn tại khu vực chốt Dốc Mỏ.

Ông Đặng Quang Thành cho biết trong sáng 25-11 đã nhận được chi viện của lực lượng Hạt kiểm lâm huyện Vạn Ninh. Hiện tại tính cả lực lượng được tăng cường từ hạt, chi cục kiểm lâm quân số bảo vệ rừng hiện có là 12 người.

"Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể tiếp cận được khu vực Dốc Mỏ - Suối Hương do mưa lớn, nước suối dâng cao. Có ba cán bộ chốt quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ đang "mắc kẹt" trên đó. Chúng tôi đang tiếp tục nắm thông tin diễn biến, đồng thời phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tìm cách tiếp cận để trực chốt tại điểm nóng này" - ông Thành nói.

Thái Thịnh/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.