Ngăn 'cái chết trắng' nơi địa đầu Tây Bắc - Bài 2: Giáp mặt với súng đạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy ở vùng biên giới Tây Bắc vô cùng khó khăn do địa hình hiểm trở, phức tạp. Cùng đó, các đối tượng tội phạm thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, trang bị nhiều phương tiện, vũ khí, sẵn sàng chống trả, gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ.
Lực lượng biên phòng bắt tội phạm ma túy (giữa) trong chuyên án DB622

Lực lượng biên phòng bắt tội phạm ma túy (giữa) trong chuyên án DB622

Hiểm nguy và vất vả

Một sáng sớm đầu mùa đông, trinh sát N.T.P. của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) nhận được lệnh lên đường hành quân, chuẩn bị “đánh” một chuyên án lớn tại Mường Nhé. Ngay sau khi nhận lệnh, trinh sát N.T.P. và tổ công tác lập tức lên đường.

Chặng đường từ TP Điện Biên Phủ vào tới Mường Nhé dài gần 200km, đi mất nửa ngày. Từ Đồn Biên phòng Mường Nhé để tới được địa điểm tập kết, mật phục ở khu vực mốc 17 trên biên giới, các chiến sĩ phải men rừng, trèo đèo lội suối tới tận nửa đêm. Lúc đó, trời tối đen như mực, lại là khu vực rừng núi hiểm trở, không có sóng điện thoại, anh em phải rất cẩn trọng để không lạc nhau khi triển khai đội hình vây bắt.

Sau ít giờ theo dõi, đối tượng nghi vấn xuất hiện. Vừa xâm nhập qua biên giới, đối tượng đã bị tổ công tác nhanh chóng khống chế. Tuy nhiên, đây không phải là đối tượng chính nên bài toán đặt ra cho tổ công tác lúc này là nhanh chóng đưa đối tượng về đơn vị phía sau để không đánh động “cá lớn”.

Lúc này, dù rất mệt vì vừa trải qua nhiều giờ hành quân, giờ lại phải chia quân đưa đối tượng về đơn vị, những cán bộ chiến sĩ còn lại tiếp tục bám núi, ngủ rừng. Tới chiều tối hôm sau thì “cá lớn” đã sa lưới.

“Anh em đi đánh án chẳng bao giờ tính thời gian hay quãng đường bao xa, chỉ biết cứ hết đường mòn trong rừng, rồi lại leo dốc, lội suối, cho tới khi đến địa điểm nước suối cạn thì thôi”, trinh sát N.T.P. tâm sự.

Anh cho biết, nhiều chuyên án khác, anh em còn phải đối mặt với súng đạn, với cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng sau đó cũng không dám kể lại cho vợ con, người thân, vì sợ gia đình lo lắng. Có thâm niên gần 20 năm đánh án ma túy, Trung tá Vũ Thế Lương, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cho biết, ở Tây Trang có nhiều đường dây ma túy lớn. Trong năm 2023, đơn vị đã triệt phá 5 vụ án ma túy. Để lập được những chiến công này, lực lượng phải đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm của tội phạm.

“Phần lớn đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy đều đi theo các nhóm, không chỉ có vũ khí mà các đối tượng còn trang bị cả ống nhòm hồng ngoại ban đêm, thậm chí điện thoại vệ tinh và chó nghiệp vụ để đối phó với lực lượng chức năng”, Trung tá Vũ Thế Lương chia sẻ.

Để đánh bắt được một vụ án ma túy trên tuyến biên giới, anh em nhiều khi phải đi mấy ngày, mang theo áo giáp chống đạn rất nặng, cùng đồ ăn, nước uống trèo đèo, lội suối vô cùng vất vả. Dù đã tham gia phá thành công nhiều chuyên án, nhưng Trung tá Vũ Thế Lương vẫn không thể quên được chuyến đánh án vào năm 2010, khi anh cùng đồng đội là chiến sĩ Nguyễn Chí Linh được phân công theo dõi 2 đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới.

Quá trình mật phục, khi phát hiện 2 đối tượng, Trung tá Vũ Thế Lương và đồng đội quyết định tấn công vây bắt. Biết có động, 2 đối tượng chia nhau chạy mỗi người một hướng, Trung tá Vũ Thế Lương và đồng đội Nguyễn Chí Linh quyết định chỉ đuổi theo 1 đối tượng với quyết tâm không cho thoát. Các anh đã nhanh chóng tiếp cận được đối tượng, nhưng trong quá trình bắt giữ, đối tượng vật lộn chống trả quyết liệt khiến cả 3 người rơi xuống vực sâu. Rất may, cả 3 chỉ bị thương.

“Đối mặt với tội phạm túy, nếu mình không xử lý tình huống khéo léo và cương quyết thì rất nguy hiểm tới tính mạng của bản thân, của đồng đội và người dân, vì chúng có vũ khí và manh động”, Trung tá Vũ Thế Lương tâm sự.

Anh kể, có những lần đánh án, ngay bản thân cũng không biết, vì cấp trên giữ bí mật. Tới khi được lệnh, cũng chỉ dám nói với người thân là đi công tác.

Tinh vi và xảo quyệt

Trong câu chuyện kể với chúng tôi về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Thượng tá Lò Văn Khánh, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), luôn nhấn mạnh về tính chất manh động, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy từ ngoại biên vào nội địa.

Điện Biên là tỉnh giáp các huyện Bắc Lào (thuộc 2 tỉnh Phongsali, Luangprabang) và chịu nhiều áp lực lớn về ma túy từ trung tâm “Tam giác vàng”, nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Qua trinh sát và điều tra cho thấy, ma túy từ “Tam giác vàng” sau khi được đưa qua các tỉnh của Lào như Bokeo, Oudomxay, Luang Namtha thì tới điểm tập kết ở các bản làng giáp biên giới của Việt Nam. Từ đó, hình thành các đường dây khép kín trong dòng họ với nhau để vận chuyển ma túy vào nội địa.

“Quá trình vận chuyển ma túy, các đối tượng rất tinh vi, vì chỉ vận chuyển trong dòng họ nên công tác đấu tranh càng khó khăn. Trong các chuyến hàng, các đối tượng phân công nhau từng công đoạn, mỗi người phụ trách một đoạn vận chuyển tới vị trí nhất định rồi tiếp tục có đối tượng khác tới lấy để chuyển tiếp”, Thượng tá Lò Văn Khánh cho biết.

Một thử thách rất cam go khác đối với lực lượng phòng chống ma túy vùng biên ở Điện Biên là địa hình hiểm trở và đường biên giới rất dài (hơn 450km) tiếp giáp với cả Lào và Trung Quốc nên tội phạm rất phức tạp. Nguy hiểm và đáng lo hơn khi các đối tượng lợi dụng thời gian học sinh nghỉ hè rồi thuê các em với giá vài trăm ngàn đồng để mang ma túy tới địa điểm nhất định.

“Thủ đoạn này không phải là thường xuyên nhưng rất đáng lo ngại. Bọn chúng đánh vào tâm lý thích ăn quà và chơi điện tử của một số cháu. Số tiền chúng trả cho các cháu từ khoảng 100.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo số lượng ma túy”, Thượng tá Lò Văn Khánh chia sẻ.

Với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, cuộc chiến với tội phạm ma túy ngày càng gian khó và phức tạp hơn. Theo Thượng tá Lò Văn Khánh, cách đây 10 năm, việc mua bán, vận chuyển ma túy chủ yếu mang yếu tố thủ công, các đối tượng phải gặp nhau trao đổi trực tiếp, thỏa thuận giá cả, hình thức vận chuyển, lượng hàng như thế nào… Nhưng hiện nay, thủ đoạn đã thay đổi nhiều, thay đổi cả hướng vận chuyển.

“Các đối tượng hiện nay thường dùng mạng xã hội Zalo, Facebook để trao đổi. Có những đối tượng cầm đầu ở Thái Lan chỉ đạo người từ Lào sang Việt Nam để mua bán, vận chuyển ma túy, điều này rất khó cho lực lượng triệt phá”, Thượng tá cho biết.

Để phát hiện được các thủ đoạn của tội phạm ma túy và phá án thành công, các lực lượng đánh án luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, đã có cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay trên tuyến biên cương của đất nước. Chia tay những chiến sĩ biên phòng Điện Biên, chào TP Điện Biên Phủ, chúng tôi xuôi về Hà Nội. Đất trời và người dân Điện Biên đang tất bật, rộn ràng chuẩn bị đón đại lễ 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2024 (7-5-1954 - 7-5-2024).

Khuất sau những cánh rừng già, núi cao, hoa dã quỳ đang mùa vàng rực khắp nơi là sự quả cảm, anh dũng và cả hy sinh của những người lính biên phòng trong cuộc chiến đầy khốc liệt, cam go với các loại tội phạm ma túy, để ngăn chặn, triệt hạ “cái chết trắng” từ ngoại biên đổ về, đem lại sự bình yên cho cuộc sống người dân.

Hiện nay, tội phạm trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp, từ các tuyến Luangprabang vào cửa khẩu Huổi Puốc, tuyến Huổi Ven (Lào) và Mường Nhà (Điện Biên), tuyến Pang Hốc - Na Ư, tuyến Na Luông và Pa Thơm, tuyến Huổi Cúc và Si Pa Phìn. Đây là những tuyến thuận lợi về giao thông mà tội phạm ma túy thường tập kết để đưa ma túy vào nội địa Việt Nam.

Năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ 144 vụ/175 đối tượng; thu giữ hơn 48kg heroin, hơn 350.000 viên ma túy tổng hợp, 17kg ma túy tổng hợp dạng đá; phối hợp các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tội phạm ma túy phát hiện, bắt giữ 49 vụ/63 đối tượng.

Có thể bạn quan tâm

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.