Nâng chất lao động ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.

Theo số liệu của Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước có khoảng 20.000 người tốt nghiệp. Xét về số lượng, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo như hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là thách thức. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia...

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cũng tiên liệu rằng trong bối cảnh thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN đã có hiệu lực (cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN), người làm du lịch nước ngoài có thể “tràn vào” khiến người làm du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lo âu về chất lượng lao động ngành du lịch có thể thấy là do mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Phần lớn giáo viên, giảng viên ở các trường có đào tạo về du lịch được đào tạo từ các ngành khác nên kinh nghiệm chuyên môn cũng như trải nghiệm thực tiễn còn hạn chế.

Để giải quyết được vấn đề này, GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, nêu yêu cầu việc mở mã ngành đào tạo du lịch ở các trường phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như: cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập, lực lượng giảng viên đúng ngành nghề, có trình độ cao cả về lý thuyết và thực hành, chương trình giảng dạy phải phù hợp… Vấn đề tự chủ của các trường cũng cần phải có tiêu chuẩn cụ thể.

Về lâu dài, cơ quan quản lý cần sớm đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học; thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh; tăng cường hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế. Để đảm bảo cơ hội được tiếp cận với công việc từ sớm cho sinh viên, các cơ sở đào tạo cần xây dựng mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch trong đặt hàng đào tạo.

Chiều ngược lại, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào công tác đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại doanh nghiệp, từ đó tận dụng nguồn tuyển dụng sau khóa học...

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để cập nhật kiến thức, kỹ năng, xu thế du lịch mới. Ngoài ra, người lao động cũng phải nhận thức rõ sự cần thiết phải nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.

Chỉ khi tất cả các bên liên quan cùng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ thì chất lượng nhân lực ngành du lịch mới hòng được nâng lên và có chỗ đứng vững trên sân nhà.

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.