Nâng cao vị thế của phụ nữ trên nghị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phấn đấu để nam nữ bình quyền, để phụ nữ được tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước là mục tiêu phấn đấu suốt nhiều thập kỷ qua. 35% đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV sắp tới liệu có phù hợp, khi tiềm năng của lực lượng phụ nữ đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước là rất lớn.


Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 đã qua, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đang đến. Khi những công việc chuẩn bị cho ngày hội dân chủ của đất nước được thực hiện khẩn trương thì cũng là lúc vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử được chú trọng. Đó là ai sẽ trở thành đại biểu Quốc hội khóa này? Ai sẽ là người thực sự được cử tri tin tưởng, đặt kỳ vọng khi cầm lá phiếu bầu họ vào Quốc hội, để tâm tư, nguyện vọng của cử tri được phản ánh trung thực nhất, chất lượng nhất đến nghị trường.

Đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khắp. Ảnh: Internet
Đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khắp. Ảnh: Internet

Phải thừa nhận rằng, mấy năm gần đây, người dân đã quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Nhất là khi những buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Cử tri cả nước có điều kiện theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của người đại diện cho mình tại Quốc hội. Ngày càng có nhiều đại biểu Quốc hội dám nói và dám nói thẳng, không sợ mất lòng, không sợ trù úm. Bởi họ hiểu, đó là nhiệm vụ cao cả mà người đại biểu Quốc hội phải làm.

Nghị trường Quốc hội mấy khóa gần đây ngày càng có nhiều gương mặt mới, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cử tri. Nhất là các đại biểu của phái đẹp.

Cũng như nhiều người, tôi rất ấn tượng về một nữ đại biểu trẻ, nhưng đã có nhiều phát ngôn ấn tượng khi chất vấn, tranh luận làm “nóng” nghị trường Quốc hội khóa XIV. Đó là nữ đại biểu đoàn Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp. Những vấn đề cử tri còn băn khoăn, lo lắng từ lĩnh vực giáo dục đến thủy điện hay môi trường... đã được nữ đại biểu này tranh luận thẳng thắn, sắc sảo tại diễn đàn Quốc hội bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình. Còn nhớ, có lần trả lời báo chí, nữ đại biểu này khẳng định: “Tôi không “phát ngôn” để làm “nóng” nghị trường mà đó là những vấn đề mà nghị trường và cử tri đang quan tâm nên trở thành vấn đề “nóng”.

Cùng với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách như Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thúy Anh, Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Thị Thanh Hải... sự xuất hiện các nữ đại biểu địa phương như Ksor H’Bơ Khăp đã làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội dành cho nữ đại biểu Quốc hội. Họ không phải được bầu vào cho đủ số lượng, đủ cơ cấu mà vì sự cần thiết cho đất nước, cho Nhân dân.

Những phát ngôn tâm huyết và chất lượng của các nữ đại biểu Quốc hội ở nghị trường đã thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của người dân. Đó thực sự là năng lực, là trách nhiệm của nữ đại biểu khi tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Vấn đề bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra 7 mục tiêu, trong đó, mục tiêu đầu tiên là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp khóa sau tăng hơn khóa trước. Nhiều cán bộ nữ đã được bầu làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành. Nhiều người tham gia ứng cử vào Quốc hội, góp phần đưa số đại biểu trong Quốc hội đạt tỷ lệ kỳ vọng.   

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, cử tri cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XV. Công tác chuẩn bị đang được triển khai rốt ráo. Việc hiệp thương giới thiệu ai ra ứng cử sẽ quyết định đến chất lượng hoạt động của Quốc hội sau này. Chắc chắn là trong nhiều sự quan tâm, cử tri sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến các nữ ứng cử viên cho Quốc hội khóa tới.

Xin đừng làm khó các nữ ứng cử viên, khi đặt lên vai họ quá nhiều trách nhiệm về cơ cấu: đại biểu nữ, đại biểu trẻ, đại biểu có trình độ, phụ nữ dân tộc thiểu số...

Hãy cho họ một cơ hội cạnh tranh bình đẳng để tiếng nói của phái nữ được đặt đúng chỗ, phát ngôn đúng lúc khi tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Tỷ lệ 35% hay nhiều hơn nữa không quan trọng bằng việc tạo cho họ một không gian cần thiết để tiếng nói, vai trò của phụ nữ được đặt đúng tầm trong sự phát triển của đất nước.

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...