Đừng để lòng tham che mờ lương tri!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rừng đang chảy máu và rên xiết bởi lòng tham không đáy của con người. Bài viết "Lâm Đồng: Rừng bị hạ độc" trên Báo Người Lao Động đã khiến những người có lương tri, trách nhiệm một lần nữa nhói đau.

"Cưa ngang thân, đốn gốc và nay là khoan lỗ, đổ thuốc độc vào các cánh rừng thông để triệt hạ cây lấy đất là tình trạng đang xảy ra ở nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng". Từng câu chữ như cứa vào lòng người nỗi xót xa quá đỗi trước dã tâm và bàn tay tàn nhẫn của con người.

Lá phổi xanh của hành tinh đang bị tổn thương nghiêm trọng bởi thiên tai. Lá phổi xanh của trái đất còn phải chịu đựng muôn đòn thù từ chính những đứa con mà rừng chở che, ấp ủ và nâng niu sự sống. Chúng ta đang ứng xử nhẫn tâm ở hiện tại và hành xử quá lạnh lùng với tương lai. Chặt hạ một cây rừng khác nào xén mất một tí "lá phổi", bóp dần sự sống!

Vậy mà những mảng thông rừng bị chặt, cưa, xẻ, đốn hạ và giết không thương tiếc bằng nhiều chiêu thức độc hại, kể cả đổ các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... chỉ để lấy đất mà nhân lên những rẫy cà phê kiếm lợi lộc.

Vậy mà rừng vẫn "chảy máu" trong sự phẫn uất không nguôi của cộng đồng. Những cây pơ-mu trăm tuổi, đường kính 2-3 người ôm lần lượt ngã xuống ở Đắk Lắk với câu trả lời "không biết" của những cán bộ khoác áo "giữ rừng".

Có hay không sự bao che, tiếp tay của những người có trách nhiệm bảo vệ rừng? Có hay không hành vi ngoảnh mặt làm ngơ cho các đối tượng chặt hạ cây rừng, tuồn gỗ về xuôi? Sao thỉnh thoảng những khối lượng gỗ lớn như "con voi" lại "chui lọt lỗ kim", hiển hiện trêu ngươi như thế? Sao lại tréo ngoe chuyện "ngược đời lâm tặc tố ngược kiểm lâm... tiếp tay phá rừng"?

Quay ngược dòng thời gian nhìn lại thực trạng phá rừng và vận chuyển gỗ lậu có sự tiếp tay của cán bộ quản lý mới thật sự tê tái lòng. Chỉ một hành động tắc trách, vô tâm trong khâu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng cũng đều có thể tạo cơ hội cho lòng tham của một số kẻ. Chỉ một hành động tiếp tay cho lâm tặc hoành hành cũng để lại những hậu họa khôn lường đối với thiên nhiên.

Vì lợi ích trước mắt của cá nhân mà hủy diệt tương lai dân tộc, trong đó có con cháu, giống nòi của mình, có đáng không? Mấy rẫy cà phê, công trình thủy điện, sân golf, biệt phủ... có đổi lại được không khí trong lành và sự bình yên của cuộc sống? Biến đổi khí hậu dị thường khắp nơi trên trái đất và cả những đợt bão tố, lũ lụt, lở đất triền miên ở dải đất miền Trung thời gian qua là câu trả lời đầy ám ảnh một khi mẹ thiên nhiên nổi giận trước lòng tham của con người!

Xin đừng để lòng tham che mờ lương tri!

 

Theo Trang Nguyễn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).