(GLO)- Gia Lai hiện có diện tích tiêu lớn nhất toàn quốc với 13.000 ha, cao su đứng đầu khu vực Tây Nguyên với 120.000 ha, và cà phê với quy mô hơn 79.000 ha, mía 38.000 ha… Với những lợi thế đó, nhiều chương trình, dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Qua quá trình đẩy mạnh vốn cho ngành nông nghiệp đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, từ đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Nhờ có vốn, nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn chế biến với xuất khẩu. Kết quả cho thấy diện mạo kinh tế của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 11,75%, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,3%.
Vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: K.N.B |
Theo báo cáo của ngành Ngân hàng, hiện nay tình hình cho vay sản xuất tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng khá, trong đó tập trung vào một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như: cà phê, hồ tiêu, cao su… Hiện cho vay ngành cà phê đạt cao nhất với dư nợ 8.611 tỷ đồng (tăng 37,5% so cùng kỳ năm trước) với 75.173 khách hàng dư nợ. Tiếp đến là cho vay ngành cao su, mặc dù giá mủ vẫn ở mức rất thấp nhưng sản xuất-kinh doanh mặt hàng này đang có dấu hiệu phục hồi nên đã đẩy dư nợ tín dụng tăng nhẹ (tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước), hiện đạt 4.853 tỷ đồng với 6.859 khách hàng còn dư nợ. Tín dụng hồ tiêu cũng tăng khá mạnh đến 27,4% khi ngành này đã gần chạm 2.000 tỷ đồng với 25.541 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay điều đạt 203 tỷ đồng (tăng 69,7%) với 806 khách hàng còn dư nợ…
Với các loại cây công nghiệp dài ngày, giai đoạn sinh trưởng, phát triển và khai thác dài, nên nguồn vốn tín dụng trung-dài hạn cũng đang dịch chuyển mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ. Hiện dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 21.679 tỷ đồng (chiếm hơn 45% tổng dư nợ, tăng 17,7% so cùng kỳ năm trước và tăng 8,6% so cuối năm 2014) với 231.015 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, riêng ơt lĩnh vực nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80%. Điều đó có thể thấy, ngay bản thân ngành Ngân hàng cũng đã có sự chủ động tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.
Khi giá cao su liên tục ở mức rất thấp thì cà phê, hồ tiêu là cây trồng mũi nhọn. Tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp cần phải tái canh khá lớn, khoảng 18.550 ha trong tổng diện tích 79.122 ha toàn tỉnh. Khó khăn nhất là nguồn vốn cũng đã được “hóa giải” thông qua việc thực hiện chính sách cho vay tái canh cà phê. Theo bà Bùi Thị Năm-Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai, chương trình cho vay tái canh cà phê đã không còn vướng về điều kiện nữa. Mức cho vay theo quy định, song tùy từng vùng mà mức đầu tư sẽ khác nhau, trường hợp vượt 150 triệu đồng/ha, ngân hàng sẽ dùng nguồn vốn thương mại khác để linh động đáp ứng. Tuy nhiên, cũng theo bà Năm, khi nào danh sách khách hàng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngân hàng sẽ giải ngân vốn. Đồng thời, ngành chức năng cần xác định giống, thổ nhưỡng phù hợp, vì khi tái canh vườn cây có phát triển thì ngân hàng mới thu hồi được nợ.
Ảnh: Nguyên Võ |
Về vấn đề này, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, ngân hàng nên mạnh dạn “đổ” vốn vào tái canh cà phê, vì việc tái canh sử dụng lại đất canh tác đã ổn định. Đối với danh sách, diện tích đăng ký với tỉnh để làm quy hoạch đã được lập cách đây một năm, do đó cần lập lại và có xác nhận của chính quyền địa phương để ngân hàng có cơ sở giải ngân.
Dự kiến khi thực hiện tái canh cà phê, dư nợ cho vay ngành này sẽ có bước tăng trưởng rất mạnh, tín dụng đầu tư ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng về quy mô, góp phần hình thành vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thảo Nguyên