(GLO)- L.T.S: Trong 2 ngày 27 và 28-3, cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Trung ương-ông Lê Huy Ngọ đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại một số địa phương và làm việc với UBND tỉnh về tình hình triển khai và thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Huy Ngọ xung quanh những nhiệm vụ mà tỉnh ta cần làm để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia này vào năm 2020.
- P.V: Gia Lai là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2020 thì Gia Lai cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
Ông Lê Huy Ngọ: Chương trình xây dựng NTM triển khai được 3 năm nhưng thực chất làm thì mới có 2 năm nay, còn năm đầu tiên các địa phương chỉ loay hoay làm quy hoạch. Gia Lai là tỉnh có xuất phát điểm thấp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều nền văn hóa khác nhau trong khi đó thực tiễn xây dựng NTM phong phú, đa dạng hơn nhiều so với 19 tiêu chí đã đưa ra. Vì vậy, khi áp dụng các tiêu chí xây dựng NTM của Trung ương, Gia Lai không chỉ làm điểm các mô hình kinh tế, mà cả mô hình văn hóa, y tế... phù hợp với đặc thù của tỉnh. Việc thực hiện điểm các mô hình là để có cơ sở rút kinh nghiệm và cổ vũ phong trào nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Các địa phương tuy còn nhiều khó khăn nhưng phải phấn đấu hoàn thành từng tiêu chí trong khoảng thời gian cụ thể. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh, huyện cần quan tâm đến các hình thức tổ chức sản xuất... phù hợp. Điển hình như trồng cà phê, hồ tiêu... như thế nào, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống của người dân, từ đó mới phát triển bền vững. Xây dựng NTM phải mang lại quyền sống, quyền sản xuất tốt nhất cho người dân. Tiếp đến, từng ngành phải thảo luận tiêu chí thuộc ngành mình, từ đó đề xuất đầu tư hợp lý. Đặc biệt, phải chú trọng đến đầu tư hoàn thành hạ tầng cơ sở; hình thức sản xuất. Tỉnh sớm tổng kết 5 xã đã đạt chuẩn NTM, từ đó rút ra cái gì tốt, phù hợp để nhân rộng cho các xã đang thực hiện xây dựng NTM.
- P.V: Với vai trò cố vấn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Trung ương, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm các địa phương khác để Gia Lai nghiên cứu, vận dụng vào quá trình xây dựng NTM tại địa phương đạt hiệu quả cao?
Ông Lê Huy Ngọ kiểm tra tình hình xây dựng NTM tại xã Gào (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy |
Ông Lê Huy Ngọ: Trước tiên phải thấy rằng, đối với vùng đồng bằng thì xây dựng thành công 1 xã đạt chuẩn NTM chỉ tốn từ 70 tỷ đồng đến 80 tỷ đồng. Còn đối với Tây Nguyên phải tốn đến 200 tỷ đồng cho việc này theo quy hoạch. Từ thực tế trên cho thấy đối với vấn đề kinh phí xây dựng NTM ở 1 xã vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên khó khăn hơn nhiều so với khu vực đồng bằng. Dó đó, xử lý bài toán khó khăn về vốn trong quá trình xây dựng NTM là phải theo khả năng hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội và của nhân dân để lựa chọn tiêu chí nào ưu tiên làm trước để đáp ứng nguyện vọng của dân, phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân. Còn làm đúng, làm đủ các tiêu chí quốc gia là câu chuyện dài. Mặt khác, các tỉnh Tây Nguyên cần lồng ghép các chương trình để có vốn đầu tư xây dựng NTM. Theo tôi được biết, đối với vùng Tây Nguyên có 2 chương trình lớn là chương trình xóa đói giảm nghèo và chương trình xây dựng NTM, đây là điều kiện thuận lợi giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Xây dựng NTM nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, nếu cứng nhắc theo các tiêu chí, không tính đến sức mạnh và bề dày văn hóa của các dân tộc anh em thì chương trình sẽ không thành công. Nâng cao mức sống, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM ở Tây Nguyên. Nếu các địa phương không giải quyết được căn cơ việc giảm nghèo thì sẽ không thể làm được NTM. Vì vậy, muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM phải khai thác triệt để phương châm “từ nhà ra vườn, từ vườn ra ruộng”. Đây là kinh nghiệm được nhiều địa phương áp dụng thành công. Nghĩa là, muốn đạt NTM, trước hết phải làm cho dân hiểu NTM là gì, họ được hưởng lợi gì từ NTM... Khi đã thông suốt, chính người dân sẽ tích cực tham gia phong trào và tự nguyện góp công, góp của để xây dựng NTM.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Anh Khoa (thực hiện)