(GLO)- Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai nhưng TP. Pleiku chưa có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn quy định.
Công nghệ xử lý lạc hậu
Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai là đơn vị đảm nhiệm thu gom, xử lý rác thải tại 21/22 xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku (trừ xã Gào). Trung bình Công ty thu gom và đưa vào bãi rác xử lý khoảng 150 tấn rác thải/ngày đêm (chiếm khoảng 90% lượng rác thải toàn thành phố). Rác thu gom về được xử lý bằng hình thức chôn lấp; bãi thu gom, xử lý đặt tại xã Gào. Tại đây, rác thải được chôn lấp, phun men vi sinh giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy; phun hóa chất chống ruồi, côn trùng.
Ông Trần Minh Thành-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai-cho biết: “Bãi rác Pleiku có diện tích 10 ha, gồm 3 hố chôn lấp nhưng 2 hố đã đầy và đóng cửa. Hố thứ 3 đang sử dụng nhưng đến giữa năm 2021 cũng sẽ đầy”.
|
Một bộ ghế đệm mút bọc da tổng hợp được người dân bỏ tại điểm tập kết rác ở phường Thắng Lợi (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa |
Tại huyện Đak Đoa, việc thu gom, xử lý rác thải cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. “Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt được thu gom khoảng 20-25 tấn/ngày, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải toàn huyện. Rác thu gom về hàng ngày được đốt tại 2 bãi rác lộ thiên (tại xã Glar và Nam Yang) và phun hóa chất chống ruồi, côn trùng 1-2 lần/tuần. Mùa nắng, việc đốt rác tại bãi lộ thiên dễ thực hiện nhưng lại phát sinh mùi hôi, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của một số hộ dân quanh khu vực. Vào mùa mưa, việc đốt rác tiến hành rất khó khăn”-ông Nguyễn Thành Thoại-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa-chia sẻ.
Đánh giá về công tác xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Hiện nay, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Phần lớn thu gom là rác thải hỗn hợp, chưa được phân loại từ đầu. Công nghệ xử lý đã lạc hậu, chưa có địa phương nào đầu tư công nghệ xử lý triệt để.
Nhiều loại rác thải khác bị… bỏ quên
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai cho biết: “Người dân có thói quen bỏ chung tất cả các loại rác thải với nhau. Nếu số lượng lớn, công nhân thu gom dễ phát hiện để loại bỏ và từ chối thu gom ngay từ đầu. Tuy nhiên, với số lượng nhỏ rác thải nguy hại (pin, xác linh kiện điện tử…), rác thải công nghiệp thông thường vật thể nhỏ gọn (mút xốp, ít vật liệu cát đá do việc sửa chữa nhỏ…) thì rất khó phát hiện, bóc tách để phân loại”.
|
Bác rác tại xã Glar (huyện Đak Đoa) được xử lý theo công nghệ đốt lộ thiên sau đó chôn lấp. Ảnh: Lê Hòa |
Việc để lẫn nhiều loại rác thải, nhất là một số loại rác thải nguy hại là cực kỳ nguy hiểm. “Thực tế, vẫn có tình trạng một số cơ sở y tế tư nhân trộn lẫn rác thải y tế nguy hại trong các bì chất thải rắn sinh hoạt thay vì thuê đơn vị có đủ năng lực xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân lén đem đổ các loại rác thải xây dựng tại các bãi đất trống, hình thành các điểm xả rác trái quy định làm ảnh hưởng môi trường”-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Thành phố đã bố trí 6 ha đất nằm cạnh bãi rác hiện tại để xây dựng nhà máy xử lý rác và đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Đến nay, nhà thầu đang tiến hành lập quy hoạch xây dựng bãi rác. Sau khi lập quy hoạch, UBND TP. Pleiku sẽ tiến hành đấu thầu để thẩm định năng lực, lựa chọn nhà đầu tư đủ tiêu chuẩn”. |
Hiện nay, các đơn vị chỉ đảm nhận việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Với các loại rác thải khác như: chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại… vẫn chưa có đơn vị chuyên nghiệp đứng ra thu gom, xử lý. “Trong khi đó, địa phương chưa quy hoạch các bãi tập kết chất thải công nghiệp thông thường. Do vậy, việc người dân lén đổ rác thải xây dựng ra môi trường là khó tránh khỏi”-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai thông tin.
LÊ HÒA