Giữa lúc sức mạnh của Trung Quốc gia tăng, Mỹ tìm cách sử dụng lại một số căn cứ quân sự trước đây ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong lúc chính quyền Obama cải tạo lại chiến lược châu Á nhằm đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên, giới quân sự Mỹ đang tìm cách trở lại một số căn cứ quân sự quen thuộc Mỹ đã xây dựng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Trong mấy tuần gần đây Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh các cuộc thương lượng với Thái Lan để xây dựng một trung tâm giải cứu thiên tai tại một căn cứ không quân từng làm căn cứ cho các máy bay B-52 trong các thập kỷ 1960-70 của thế kỷ trước. Các quan chức Mỹ nói rằng họ cũng quan tâm đến việc có thêm các chuyến thăm của hải quân đến các hải cảng của Thái Lan và các chuyến bay trinh sát hỗn hợp để theo dõi các tuyến đường thương mại và hoạt động quân sự trong vùng.
Các căn cứ quân sự Mỹ đang tìm cách tái tiếp cận với Biển Đông. |
Tại Việt Nam, Bộ trưởng quốc phòng Leon E. Panetta là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm căn cứ hải và không quân ở Cam Ranh từ khi chiến tranh chấm dứt. Nói rằng "tiềm năng ở đây rất to lớn", ông Panetta đã tỏ nhiệt tình về triển vọng các tàu chiến Mỹ lại trở thành một cảnh tượng phổ biến tại cảng nước sâu này.
Lầu Năm Góc cũng đang tìm kiếm thêm các chỗ neo đỗ ở Philippine, trong đó có căn cứ hải quân ở vịnh Subic và căn cứ không quân cũ Clark, đã từng là những cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á cũng như là các trung tâm sửa chữa và hậu cần trọng yếu trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Các quan chức Mỹ nói rằng Mỹ không mong muốn tái chiếm đóng bất kỳ một căn cứ quân sự lớn nào ở Đông Nam Á từ thế kỷ trước. Họ cũng không có đủ tiền để xây dựng các căn cứ mới. Vì vậy họ đang tìm cách để được phép hoạt động từ các căn cứ cũ với tư cách là khách mời, phần lớn là trên cơ sở tạm thời.
Chính quyền Mỹ phủ nhận việc tái quan tâm này nhằm kiềm chế Trung Quốc. Theo họ, mục tiêu chính của họ ở châu Á là duy trì sự ổn định bằng cách bảo đảm tự do hàng hải và tự do thương mại với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng trong tâm chiến lược của Mỹ và các hiệp định đóng quân mới là cần thiết để bảo đảm với các nước đồng minh rằng Washington sẽ giữ những cam kết về an ninh ở châu Á và tiếp tục làm đối trọng có hiệu quả với Trung Quốc, bất chấp ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm ở trong nước.
Sau nhiều năm ít chú ý đến Thái Lan sau vụ lộn xộn năm 2006, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc giờ đây đang tái quan tâm đến Bangkok. Chuyến thăm của tướng Dempsey là chuyến thăm đầu tiên của một vị Chủ tịch tư lện liên quân trong hơn một thập kỷ qua.
Hai nước đang trao đổi về khả năng xây dựng một trung tâm quân sự hỗn hợp để đối phó với những cơn bão, sóng thần và những thảm họa thiên nhiên tàn phá khác ở khu vực. Trung tâm này sẽ được đặt ở căn cứ không quân của Hải quân Hoàng gia Thái tại Utapao, cách Bangkok 90 dặm về phía Nam.
Một số quan chức quân sự Mỹ nói họ muốn nâng cấp việc tiếp cận hải quân đến các cảng của Thái Lan. Hải quân Mỹ đang chuẩn bị neo đậu bốn tàu chiến loại mới nhất của họ - còn gọi là tàu chiến ven bờ - ở Singapore và muốn định kỳ luân phiên chúng sang Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.
Hải quân Mỹ cũng đang theo đuổi các phi vụ trinh sát chung bằng máy bay xuất phát từ Thái Lan, Philippine và Australia. Lầu Năm Góc cho biết một trong những ưu tiên cao nhất của họ là cải thiện việc trinh sát các tuyến vận tải biển và các đợt chuyển quân trong khắp khu vực Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương , khu vực có các tuyến thương mại tấp lập nhất thế giới.
Năm 2014, Hài quân Mỹ dự kiến sẽ triển khai các loại máy bay trinh sát mới P-8A Poseidon và các máy bay săn tầu ngầm đến Thái Bình Dương, thay thế cho các máy bay trinh sát P-3C Orion thời chiến tranh Lạnh.
Hải quân Mỹ đang chuẩn bị triển khai các máy bay không người lái giám sát mới bay ở cao độ cao tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng khoảng thời gian này. Mỹ đang tìm kiếm các đối tác châu Á chấp nhận chúng thay cho Guam.
Theo Dantri