Mưu sinh "mùa nước nổi" nơi phố Núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa mưa đến, nước từ các dòng suối nhỏ tràn về khiến cánh đồng nơi thung lũng Ia Lung (gồm các tổ 1, 2 và 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) ngập lên thành một biển nước, kéo theo nhiều tôm cá. Đây chính là thời điểm những hộ dân sinh sống ven khu vực này vào mùa mưu sinh bằng nghề chài lưới, nuôi vịt chạy đồng. Hàng chục năm nay, cứ vào “mùa nước nổi”, các ngư dân “thời vụ” lại nhộn nhịp ngày đêm để tranh thủ những mẻ lưới đầy.
Nhắc đến “mùa nước nổi”, người ta thường nghĩ ngay đến một mùa rất đặc trưng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Thế nhưng ngay giữa lòng Phố núi Pleiku cũng có một “mùa nước nổi” như thế, mang lại cho ngư dân sống quanh cánh đồng ngập nước một cuộc sống ấm no.
Làng ngư phủ đón mùa cá tôm
Khi những cơn mưa đầu mùa ào ào trút xuống, cánh đồng Ia Lung rộng gần 100 ha-nơi các hộ người dân tộc thiểu số các làng Ốp, Pleiku Roh vừa xong mùa gặt-lại ngập chìm trong biển nước. Cá tôm theo làn nước mát từ các con suối nhỏ hội tụ về vùng trũng này sinh sôi. Cánh đồng sau mùa khô hạn bỗng chốc lóng lánh cá tôm đủ loại, từ cá lóc, trê, diếc, rô, chạch cho đến lươn, tép, ốc… Mỗi năm, cứ vào khoảng tháng 5 Âm lịch, những người dân sống ven khu vực này lại cắm câu, thả lưới, dựng đăng, đặt lú...
Ông Puih Hyinh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trầm mình giữa cánh đồng thả lưới bắt cá. Ảnh: M.N
Ông Puih Hyinh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trầm mình giữa cánh đồng thả lưới bắt cá. Ảnh: M.N
Trời vừa dứt cơn mưa, ông Hoàng Văn Hạnh (tổ 1, phường Hoa Lư) nhanh tay vá lại những chỗ lưới bị rách trên các túi đục, chuẩn bị cho mẻ cá mới. Vừa thoăn thoắt luồn kim qua các lớp lưới bị rách một cách thuần thục, ông vừa giải thích: “Cá tôm bơi theo dòng nước khi gặp thành đăng chặn lại sẽ bị dẫn dụ chui vào đục lưới này, nếu không vá lại thì chúng sẽ theo các lỗ thủng chui hết ra ngoài”. Ít ai ngờ rằng 1 ngư phủ có tiếng với hơn 21 năm đánh bắt cá trên cánh đồng Ia Lung như ông Hạnh lại đến từ một tỉnh vùng núi phía Bắc. Năm 1998, ông từ Cao Bằng vào đây sinh sống. Ban đầu, ông chỉ đánh bắt cá những lúc nông nhàn, nhưng sau này đây lại là nghề chính nuôi sống gia đình ông. Để đánh bắt cá tôm trong “mùa nước nổi”, ông đầu tư gần 40 dàn đăng chặn, 20 lú (hay còn gọi là “lưới bát quái”, “12 cửa ngục”), mỗi ngày thu về khoảng 500 ngàn đồng. Những hôm trời nắng bỗng gặp cơn mưa lớn, nước mang theo nhiều cá tôm từ các con suối đổ về thì thu hoạch khá hơn, có khi lên đến tiền triệu. Hay tầm tháng 10 đến tháng 11, lúc nước trên cánh đồng dần rút cạn thì cá tôm dồn ứ lại nhiều, thu nhập vì vậy cũng tăng lên. “Làm nghề này tuy cực nhưng được cái tự do thoải mái, thành quả lao động thấy ngay mỗi sáng. Chỉ cần chịu khó thả lưới, buông câu thì thu nhập ổn định hơn so với việc đi làm thuê vất vả”-ông Hạnh vui vẻ nói.
Cũng là một ngư phủ có tiếng chịu khó, ông Phùng Văn Tiến (tổ 1, phường Hoa Lư) cho biết, ông vào nghề này khá muộn. Trước đây, ông là chủ thầu công trình nhà ở, tranh thủ mùa mưa bèn lần mò học cách đánh bắt cá rồi theo “đàn anh” có nghề ra đồng. Hơn 10 năm nay, công việc này đã níu chân ông và trở thành nghề cho thu nhập chính trong gia đình. Theo ông Tiến, thời điểm đầu mùa mưa, cánh đồng Ia Lung có nơi ngập sâu gần 2 m, lượng cá tôm về nhiều nhưng chủ yếu là cá nhỏ. Nói rồi ông giũ túi đục, tháo dây buộc để đổ cá tôm vào thùng. Những con cá diếc cỡ 2 ngón tay tươi rói vảy bạc lấp lánh, đuôi quẫy đành đạch như muốn nhảy ra. “Nếu nước lớn thì tôm, tép “ăn” đăng nhiều hơn, có khi túi đục của 1 đăng chặn thu được cả gần ký tép”-ông Tiến cởi mở chuyện trò. 
Ngồi trên xuồng nghỉ ngơi để chờ dỡ tiếp những mẻ lưới khác, người đàn ông tuổi ngũ tuần cho hay, hơn 50 đăng chặn và 40 lú đánh bắt cá trong “mùa nước nổi” được ông đầu tư hơn 30 triệu đồng. Đổi lại, mỗi đêm, ông kiếm gần chục ký cá tôm các loại, thu nhập khoảng 500 ngàn đồng. Với mức thu này, chỉ cần vài tháng là ông lấy lại vốn, chưa kể ngư cụ có thể khai thác liên tục từ 2 đến 3 năm. Bắt đầu từ tháng 9 trở đi, mức thu nhập tăng dần lên khi con nước rút, tháng 10 đến 11 là đỉnh điểm, có đêm ông cất túi trên 2 triệu đồng. Với giá bán cá diếc vào khoảng 70.000 đồng/kg; cá lóc, cá trê từ 80 đến 100 ngàn đồng/kg, cao nhất là tép với 120 ngàn đồng/kg thì ai cũng có thể tính ra mức thu của ông trong “mùa nước nổi”.
Nhọc nhằn mưu sinh
Khi chọn mua những con tép tươi rói còn bật mình búng nhảy, những con cá lóc, cá trê quẫy đuôi đành đạch trong các thau cá ngoài chợ, ít ai biết rằng phía sau thành quả ấy là những công đoạn đầy cơ cực, vất vả của những người trót yêu nghiệp “rái cá”.
 Ông Phạm Đức Khải (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã bỏ nghề đánh bắt cá để chuyển sang nuôi vịt chạy đồng. Ảnh: M.N
Ông Phạm Đức Khải (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã bỏ nghề đánh bắt cá để chuyển sang nuôi vịt chạy đồng. Ảnh: M.N
Mưa lất phất, nước lấp xấp đến ngực nhưng ông Puih Hyinh (làng Ốp, phường Hoa Lư) vẫn lội xuống thả lưới mặc mưa lạnh. Đáp lại, thành quả thu được sau đó không tệ. Gương mặt đen sạm của ông trở nên hớn hở khi tay lưới vừa dỡ lên khỏi mặt nước cá dính trắng cả lưới. Ông cho biết, mấy hôm nay, mưa nhiều nên ông chỉ thả 2 tay lưới, chủ yếu để kiếm cá ăn. Những lúc nắng, ông tranh thủ bủa đến 10 tay lưới, nếu gặp may thì chỉ trong buổi sáng cũng thu về khoảng 500 ngàn đồng, đủ để lo cái ăn cái mặc cho đàn con.
Trong khi đó, ông Tiến cho biết, trót theo nghiệp này nên từ 2 giờ sáng, ông đã phải lọ mọ dậy, mặc áo ấm, đeo đèn pha lên đầu, cầm theo cây sào tre rời nhà trên con xuồng chòng chành để đi dỡ lưới. Việc này sẽ đỡ nhọc nhằn hơn khi gặp thời tiết thuận lợi, còn nếu mưa lớn thì phải chịu cảnh nước thốc đến rát mặt. Nhiều lúc gió to, chiếc xuồng nhỏ chòng chành bởi sóng lớn khiến việc đổ các túi đục trở nên khó khăn. Những lúc như thế, ông Tiến phải nhảy xuống xuồng, ngâm mình dưới nước, một tay giữ xuồng, một tay cầm đuôi đục đổ cá tôm vào thùng. Nếu không làm vậy xuồng sẽ bị lật, kéo theo thành quả của cả một đêm lao động vất vả đổ ùm xuống nước. Trời hửng sáng, ông mới bơi xuống vào bờ. Chân chưa kịp ráo nước, vợ chồng ông lại ngồi hàng giờ cặm cụi loại bỏ rác, ốc, phân lựa từng loại cá, tép rồi mới gọi người đến thu mua. Có hôm, họ chở nhau ra chợ Hoa Lư để bán. Ông Tiến tâm sự: “Bỏ công ra chợ đứng bán thì tôm cá có giá hơn, thu nhập cao hơn nhưng không có thời gian chuẩn bị cho mẻ lưới tiếp theo trong ngày”.
Còn với ông Hạnh, điều ông e ngại nhất là cái lạnh căm căm của những tháng giáp Tết. Dù đã trang bị áo ấm kỹ càng nhưng do tay chân lúc nào cũng tiếp xúc với nước nên 2 hàm răng cứ va vào nhau cầm cập. May là trời phú cho những ngư phủ này sức khỏe hơn người nên nhiều khi ngâm mình dưới nước hàng giờ mà không mấy khi ốm đau, bệnh tật. Trong khi đó, ông Hyinh cho hay ông và nhóm người thả lưới thường chống chọi với cái lạnh bằng cách đốt lửa sưởi ấm, bắt mấy con cá nướng nhấm nháp với vài ly rượu ấm trong thời gian chờ đợi xuống nước cất mẻ lưới trước khi trời sáng.
Cùng mưu sinh trên cánh đồng này còn có ông Phạm Đức Khải (tổ 12, phường Hoa Lư). Từng làm nghề đánh bắt cá nhưng gần 10 năm trở lại đây ông chuyển qua nuôi vịt chạy đồng. Công việc này theo ông đỡ vất vả hơn, không phải lọ mọ đêm hôm, mưa gió. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như tôm, cá, ốc, hàng ngày, ông thả đàn vịt đẻ hơn 600 con trên cánh đồng “mùa nước nổi”. Cứ tầm cuối tháng 4 Âm lịch, ông lại thả vịt tìm thức ăn, đến tháng 12 thì nuôi nhốt trong chuồng vì khi đó người dân bắt đầu xuống giống. Có thời điểm gia đình ông nuôi đến 1.000 con vịt siêu trứng; với giá bán 2.700 đồng/quả, mỗi tháng sau khi trừ chi phí ông thu về hơn chục triệu đồng.
Cực nhọc, nhưng ai ở đây cũng chờ đón “mùa nước nổi”, bởi nước về là có thêm sinh kế. Mặc dù những “mùa nước nổi” sau này, lượng tôm cá không còn nhiều như trước nhưng những người làm nghề chài lưới như ông Hạnh, ông Tiến, ông Hyinh và hơn 20 hộ khác vẫn có nguồn thu nhập ổn định. Từ con cá, con tôm nơi cánh đồng thung lũng Ia Lung này, con cái họ ngày một trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn. Đó chính là động lực lớn nhất giúp họ vượt qua những cơ cực với nghề.  
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.