Mưu sinh cuối miền cực nam Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống không lo thiếu cái ăn nhưng để kiếm miếng cơm manh áo đâu phải chuyện dễ dàng. 
Người dân xã Đất Mũi lặn mò ốc móng tay ở khu vực bãi bồi ẢNH: GIA BÁCH
Người dân xã Đất Mũi lặn mò ốc móng tay ở khu vực bãi bồi ẢNH: GIA BÁCH
Bươn rừng bắt tôm cá, phơi mình giữa cái nắng bỏng rát ngoài biển xa... là chuyện thường ngày của những người dân mưu sinh nơi cuối miền cực nam Tổ quốc.
Với khoảng 100 hộ dân sinh sống, xóm Mũi, xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) là xóm làng duy nhất gần điểm mốc tọa độ phía nam Tổ quốc. Người dân hằng ngày ra biển thả lưới, lên rừng mò cua, bắt ốc... Tối đến, họ đi “săn đêm” để có thêm tiền trang trải cuộc sống và lo cho con cháu đến trường.
Săn đêm
Trời nhá nhem tối, chúng tôi xách đèn pin và thùng nhựa theo chân ông Nguyễn Văn Thắng (55 tuổi) đi săn đêm. Trên chiếc vỏ lãi chông chênh, ông Thắng dự đoán hôm nay cua cá, đẻn biển (rắn biển - PV) sẽ ít rời hang kiếm ăn hơn thường ngày vì trăng sáng. “Gặp con gì bắt con nấy. Bình thường tui đi đóng đáy ngoài biển khơi. Giờ chưa tới mùa mực nên ở nhà, tối đi săn kiếm thức ăn hằng ngày, bữa nào trúng dữ tui mới bán”, ông Thắng cho hay.
Sau khoảng 30 phút luồn lách qua những con rạch để tiến sâu vào rừng, ông Thắng tắt máy rồi thả vỏ lãi trôi dọc bờ. Đây là nơi có những gốc đước, gốc mấm (mắm), cây vẹt mà cua, ba khía... thường tìm đến kiếm ăn. Đặc biệt, sát mé kênh loài đẻn biển hay núp dưới đáy “phục kích” các loại cá.
Khua nhẹ mái chèo, ông Thắng tập trung cao độ để quan sát thật kỹ cả dưới nước và trên bờ. Chỉ vào đôi găng tay, ông nói đề phòng bị đẻn cắn, ông phải thủ sẵn cho chắc ăn. Mải trò chuyện, bỗng ông Thắng khựng lại vài giây, miệng khẽ nhắc: “Con đẻn to hơn nửa cổ tay đang núp chỗ kia. Chuẩn bị tui chụp nó nè!”. Dứt lời, ông vung tay mạnh xuống mặt nước rồi nhanh chóng lôi lên chiến lợi phẩm. Thao tác tiếp theo là... gõ mạnh con đẻn vào mạn vỏ lãi để khỏi bị phản đòn. “Nó đờ ra mười mấy phút rồi tỉnh lại thôi. Bắt đẻn không nhanh tay sẽ bị cắn như chơi”, ông giải thích.
Ông Thắng cho biết đẻn biển đem xào sả ớt hay luộc với sả đều ngon hết chỗ chê. Hơn nữa, loài này chỉ ăn cá biển nên thịt rất thơm. “Giá đẻn hơn 100.000 đồng/kg. Ba khía 40.000 đồng/kg, mực 60.000/kg”, ông Thắng liệt kê. May mắn hơn thì bắt được cua, chỉ cần một con cua thợ săn đã kiếm cả trăm ngàn.
“Sống ở xứ này không lo đói nhưng phải chịu khó mới được”, ông Thắng chia sẻ. Công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, từng giáp mặt với con rắn hổ đước nặng gần 5 kg mà chỉ có may mắn ông Thắng mới thoát nạn. Hôm đó, khi đang mải miết săn đêm, ông phát hiện con rắn ngóc đầu, đứng sát chỗ mình. Kịp định hình, ông lấy mái chèo đập mạnh xuống nước hòng cho con rắn bỏ đi. “Tui giằng co một hồi nó mới bò vào rừng. Từ đó tui không dám bén mảng tới khu rừng đó nữa. Mình mưu sinh nhưng gặp rắn độc thì... chạy cho chắc”, ông Thắng tỏ ra thận trọng.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã bắt hơn chục con đẻn biển. Khuôn mặt hồ hởi trông thấy, ông Thắng nháy mắt: “Nhiêu nhiều rồi, về thôi!”.
Phận đời nơi bãi bồi
Không có ghe tàu ra khơi xa, không đất sản xuất, nuôi trồng, nhiều người chọn nghề lặn mò ốc ở các bãi bồi ven biển kiếm sống. Đây là công việc đòi hỏi thợ lặn phải chai lì với nắng gió và nước mặn. Chưa kể những vỏ ốc, vỏ sò có thể cắt da thịt họ bất cứ lúc nào...
Đợi con nước chuẩn bị ròng (nước cạn - PV), nhóm chúng tôi bắt đầu xuất phát, đi dọc bãi bồi tìm điểm có nhiều ốc móng tay để lặn mò. Ông Võ Văn Cu (50 tuổi, ngụ xóm Mũi) tiết lộ đây là việc chỉ dành cho những người “mình đồng da sắt” chứ không phải ai cũng có thể bám trụ. “Cuộc sống mưu sinh mình phải làm hết. Nhưng nghề này cực lắm, thu nhập ba cọc ba đồng và cùng lắm chỉ đủ tiền xăng với cơm nước qua ngày thôi”, ông Cu chia sẻ.
“Chiến lợi phẩm” ốc móng tay, bắt lên bán với giá 25.000 đồng/kg
“Chiến lợi phẩm” ốc móng tay, bắt lên bán với giá 25.000 đồng/kg
Sau mấy chục phút lướt sóng, ông Cu chỉ tay về nơi có nhóm người đang ngụp lặn, bảo: “Đó là nơi dành cho những người nghèo sinh kế. Mải mê mò ốc móng tay nhưng ai cũng canh con nước, khi nước rút phải về ngay, kẻo lại mắc cạn thì tới rạng sáng mới vô bờ được”, ông nói.
Tròng sợi dây có cột chiếc thau nhựa vào cổ, ông Cu lập tức nhảy xuống nước mò ốc. Thoạt nhìn có vẻ việc này rất dễ dàng, chỉ cần vài thao tác là có thể bắt được những con ốc tươi ngon. Vừa xuống làm cùng mọi người, chúng tôi đã “ăn” vết cắt ngay ngón chân cái. Thấy chúng tôi “đứng hình”, ông Cu như biết chuyện: “Kiếm chén cơm không phải chuyện dễ đâu. Chân tay tui tả tơi vì bị vỏ ốc vỏ sò cắt, chưa kể ngâm mình hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày dưới nước. Mưa lạnh cóng, nắng thì bỏng hết da mặt”.
Cách đó không xa là vợ chồng bà Nguyễn Thị Ánh, 56 tuổi, ngụ xã Đất Mũi. Hằng ngày, rạng sáng vợ chồng bà chạy vỏ lãi hơn 1 giờ mới tới bãi bồi. Họ mò ốc miết tới 2 giờ chiều, khi con nước ròng gần sát đáy bãi bồi mới lật đật trở về. “Ốc móng tay giá 25.000 đồng/kg. Một ngày vợ chồng tui bắt được khoảng 15 kg”, bà Ánh kể. Quấn chiếc khăn rằn và đội thêm nón lá trên đầu, bà Ánh nói hơi nước mặn chát với cái nắng chói chang này không phải ai cũng chịu nổi. Da mặt người phụ nữ lặn biển đã bong tróc gần hết. Cơm mang theo cũng phơi nắng cả ngày để “tiếp lửa” cho vợ chồng bám trụ suốt nhiều giờ dưới nước.
Bà Nguyễn Thị Ánh ngâm mình hơn 10 giờ mỗi ngày dưới biển để mò ốc móng tay
Bà Nguyễn Thị Ánh ngâm mình hơn 10 giờ mỗi ngày dưới biển để mò ốc móng tay
Sau hơn một giờ “làm thiệt”, chúng tôi thu hoạch chưa quá 1 kg ốc. Lúc lên vỏ lãi chuẩn bị ra về, những tấm lưng lom khom đều thẳng đứng, họ ngước nhìn như chào tạm biệt khách lạ. Bà Ánh nói với theo: “Về nhớ tắm xà bông chứ hông ngứa lắm nghen. Tụi tui quen chứ người lạ chịu sao nổi”. Sóng vẫn dập dìu, nước vẫn mặn chát và rồi những phận đời vẫn tiếp tục mưu sinh ở nơi cuối miền cực nam Tổ quốc... Chẳng mấy chốc, từng người thu dọn chiến lợi phẩm lên vỏ lãi đi về, kết thúc một ngày mưu sinh. Đây cũng là lúc bãi bồi từ từ hiện rõ sau lưng chúng tôi, ngoái nhìn bãi kéo dài ngút mắt...
Xóm không... cửa
Dọc dòng kênh Mũi là nơi người dân đến cất nhà sinh sống từ hàng chục năm nay. Có người quê Bạc Liêu, Tiền Giang... nhưng cũng có người ở tuốt ngoài Quảng Ngãi vào đây bám rừng, bám biển mưu sinh. Đặc biệt, những ngôi nhà ở xóm Mũi đều không có... cửa. Ở đây, tiền bạc vật chất có thể thiếu, nhưng ai cũng sống tình cảm, không tham lam trộm cắp bao giờ! Ông Nguyễn Văn Thắng kể từ hàng chục năm khai phá, lập nghiệp ở vùng này, nhà của bà con đều không làm cửa. Bởi có ai... giàu có đâu, với lại bà con sống tình cảm, đoàn kết, không khi nào bị mất trộm thứ gì.
Cậu bé siêng năng
 
Danh Khánh Nhựt (12 tuổi) là cậu bé mà người dân xóm Mũi ai cũng biết đến. Chập tối, Nhựt tròng đèn pin lên trán, xách thêm bao lưới đi dọc bờ kênh Mũi săn đêm (ảnh). Nhựt kể gia đình mình dưới Kiên Giang, mới đến trú ngụ ở xóm Mũi chỉ hơn một năm nay. Cha Nhựt khai thác ốc móng tay ngoài biển, mẹ ở nhà nội trợ. Hiện Nhựt đã nghỉ học và hằng ngày phụ mẹ kiếm cái ăn. Áo quần Nhựt lấm lem, thậm chí chai nước mang theo uống cũng dính đầy sình bùn. Ngày nào cũng thế, cậu bé như con đom đóm len lỏi nơi mé sông, rong ruổi khắp xóm để tìm cái ăn....
Gia Bách-Trác Rin (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.