Muôn nẻo nhà đầm Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhà đầm là tên gọi những căn nhà trên vườn rẫy, là nơi chủ vườn lưu lại mỗi mùa vụ. Hễ nơi nào có vườn rẫy cách xa nhà, đi lại cách trở, người Bahnar lại dựng nhà đầm để tiện ở lại, cất trữ nông sản. Khám phá nhà đầm của người Bahnar có không ít điều thú vị.
 


Nét chấm phá nơi vườn rẫy

Làng Vir (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có 94 hộ, hầu hết là người Bahnar. Làng nằm cách trung tâm xã chỉ vài trăm mét nhưng đất sản xuất phần lớn lại ở khu vực Đak Tơ Nang-nơi xa làng gần chục cây số đường rừng. Chúng tôi về thăm làng Vir một ngày đầu tháng Chạp. Làng vắng hoe, phần lớn mọi người đều đã “di cư” lên khu vườn rẫy, ở lại trên các nhà đầm để chăm lo việc đồng áng. Dạo qua nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài mới bắt gặp một cụ bà đang chăm chú lắng nghe chương trình dân ca Bahnar qua chiếc radio cũ kỹ. Gần đó, trong một căn nhà khác, người mẹ trẻ tuổi địu con nhỏ khép nép, thập thò nhìn người lạ qua ô cửa. May mắn thay, tôi tìm gặp được già làng Đinh Pring. Lý giải cho sự trống vắng hiện hữu ở làng, già Pring phân trần: “Bao đời nay, người dân làng Vir vẫn qua Đak Tơ Nang lập khu sản xuất. Đất ở đấy màu mỡ, bà con canh tác mới có của ăn, của để”-già Pring nói.


Già làng Pring cũng có một căn nhà đầm nơi cánh đồng Đak Tơ Nang. Đã 70 tuổi nhưng già vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và thường xuyên lên ở tại nhà đầm mỗi vụ sản xuất. “Chỉ khi nào làng có đám cưới, đám tang hay hội họp thì tôi mới thu xếp trở về làng. Ở trên đấy không khí ruộng nương quen rồi. Mình quen mùi rẫy, mùi cỏ cây và khi muốn làm còn có việc để bận chân, bận tay, không thì buồn lắm”-già Pring cười đôn hậu, làn da nâu bóng khỏe khoắn với hàng trăm nếp nhăn xếp lớp tôn lên vẻ quắc thước.

Người Bahnar ở Krong (Kbang) thu hoạch bo bo. Ảnh Lê Hòa
Người Bahnar ở Krong (Kbang) thu hoạch bo bo. Ảnh: Lê Hòa

 

… Lưng chừng đèo Đất Đỏ có một mảng rẫy rộng lớn dễ đến gần chục héc ta nằm chênh vênh bên sườn đồi. 4 gia đình gồm hộ anh Đinh Phanh và vợ chồng người em trai, hộ bok Xuyên và bok Ngóc (cùng trú làng Kta, xã Krong) là chủ khu đất rẫy này. Những mái nhà đầm nhỏ bé như nét chấm phá lạ mắt tô điểm trên nền bức tranh núi non điệp trùng xanh ngắt. “Vài năm trước, căn nhà đầm cũ do cha mình dựng nên đã xuống cấp, mình buộc phải cất lại”-anh Phanh cho biết. Căn nhà đầm của gia đình anh Phanh được làm kỹ lưỡng, bài bản hiếm thấy, có đầy đủ các công trình phục vụ ăn ở, sinh hoạt không khác một ngôi nhà ở làng: rộng đến 40-50 m2, vẫn kiểu nhà sàn truyền thống của người Bahnar tường ván gỗ, sàn lót phên tre, giữa nhà đặt một bếp củi luôn âm ỉ cháy. Phía trái nhà, một kho thóc với dáng vẻ kiên cố, chắc chắn được dựng lên. Xa hơn, anh Phanh cất một khu chuồng trại nhỏ để nhốt đàn vật nuôi. “Người Bahnar mình hễ vườn rẫy ở đâu xa là lại cất thêm nhà đầm. Ngày mùa vợ chồng mình ở lại đây, con cái ở làng gửi nhờ ông bà chăm sóc và lo việc học hành”-anh Phanh nói.

Những “khu vườn cổ tích”

Chị Đinh Thị Xuyên-Trưởng thôn Vir-cho biết: Theo quan niệm của người Bahnar, nhà đầm chỉ là nơi để ở trong mùa vụ và cất trữ nông sản, tuyệt đối không được tổ chức lễ cúng. Dịp Tết mùa của người Bahnar (cúng đóng cửa kho, cúng hết năm, tương tự Tết Nguyên đán của người Kinh), tất thảy mọi người trong làng đều phải rời các khu nhà đầm để trở về làng. Trong Tết mùa, mỗi hộ dân trong làng sẽ góp một nắm lúa mới đưa về nhà rông để già làng cúng tạ ơn Yàng đã ban cho một mùa vụ no đủ, không để con sóc, con chuột trên rừng phá hoại cây trồng của bà con. Nhà đầm dù có lúc bỏ trống và không thiếu khi cất trữ nông sản nhưng tuyệt đối không xảy ra cảnh mất cắp, bởi người Bahnar tin rằng Yàng luôn ngự trị, theo dõi và biết tất cả những điều tốt-xấu…

Cũng theo chị Xuyên, mỗi khu vườn rẫy của người Bahnar luôn có đầy các loại cây trồng, xứng đáng tên gọi “khu vườn cổ tích”. “Mình có 2 ha rẫy ở Đak Tơ Nang, chừng ấy nhưng mình trồng đủ nào cà phê, lúa, bắp, mì, rau củ… Vườn rẫy ít cây là vườn rẫy nghèo, chứng tỏ gia chủ không chăm chỉ làm ăn, không biết tính toán”-chị Xuyên nói. Tương tự, khu vườn của vợ chồng anh Phanh rộng tới 3 ha, là phần đất rẫy được cha mẹ để lại. Trên diện tích ấy, anh Phanh và vợ chia ra từng khoảnh để trồng lúa, mì, đậu cô ve lùn, bắp. Gần bờ thửa hoặc sát nhà đầm, anh trồng thêm vài cây xoài, ổi, mít, đu đủ... vừa có hoa trái, bóng mát, vừa đánh dấu ranh giới khu đất. Sát nhà luôn có ít cây ớt chỉ thiên, vài bụi lá é, những đám ngò gai-thứ gia vị người Bahnar ưa thích. Điểm xuyết trên vài ụ đất nổi có vẻ tươi tốt là những khóm bí đỏ, bầu hồ lô để có thêm nguồn rau xanh…

 Vẻ đẹp yên bình của khu nhà đầm trên đèo Đất Đỏ (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: L .H
Vẻ đẹp yên bình của khu nhà đầm trên đèo Đất Đỏ (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: L .H



Mặc dù nằm trên lưng chừng núi nhưng kỳ lạ thay, ngay tại eo đất trũng thấp chính giữa khu đất lại có một bàu nước nhỏ đủ cung cấp nước cho một số loại cây trồng cần nước tưới mùa khô hạn. Nơi ấy, vợ chồng anh dành một khoảnh nhỏ chuyên trồng bo bo cho mỗi mùa Tết. Đầu tháng Chạp, những chùm hạt bo bo đã khô già, vợ chồng anh thu hái về chuẩn bị ủ rượu ghè uống Tết. Bo bo từng là “hạt cứu đói”, thứ hạt độn cơm mùa giáp hạt xưa kia để “đánh lừa” dạ dày. Giờ đây, bo bo lại là thứ hạt quý làm nên những ché rượu cần thượng hạng của người Bahnar.

Đảm bảo phòng-chống dịch bệnh

Huyện Kbang có 14 xã, thị trấn với gần 15.600 hộ dân, trong đó có trên 80% dân cư làm nông nghiệp. Với đặc thù địa bàn trải rộng, hầu như xã nào cũng có bóng dáng những ngôi nhà đầm. Ở xã Kon Pne-nơi xa xôi nhất của huyện Kbang, theo ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne: Toàn xã có trên 400 hộ thì có tới 40-50% số hộ có nhà đầm. “Riêng với Kon Pne, nhà đầm trước kia được bà con xem như nhà ở chính. Sau này, nhờ chính sách thu hút dân cư về các khu định cư tập trung, bà con mới rời nhà đầm. Phần lớn thời gian sinh sống của người Bahnar đều ở nhà đầm. Quen đến độ, có hộ nhà và rẫy cách nhau chỉ vài trăm mét cũng vẫn làm nhà đầm”-ông Điệp cho biết thêm.


Và cũng do đặc tính dân cư thường xuyên sinh sống phân tán, rải rác trong các khu nhà đầm, xã Kon Pne quy định ngày 15 hoặc 30 hàng tháng tổ chức họp dân, cắt cử cán bộ y tế theo dõi, nắm địa bàn để tuyên truyền đến người dân những kiến thức, kỹ năng phòng-chống dịch bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết. Tương tự, tại xã Krong, ông Đỗ Công Trúc-Chủ tịch UBND xã Krong-cho hay: Trong số 10 làng trên địa bàn, hầu như làng nào cũng có nhà đầm. “Ngày thường, nhà đầm là nơi nghỉ trưa mỗi ngày lên rẫy. Vào vụ sản xuất, người làng thường đưa cả gia đình lên rẫy, ăn-ở-ngủ-nghỉ tại rẫy đến khi kết thúc mùa vụ mới về. Do vậy, trước đây, mỗi mùa cấy hái hay thu hoạch, con em người Bahnar thường xuyên nghỉ học, theo cha mẹ lên rẫy. Từ khi xây dựng trường học bán trú đến nay, các cháu nhà xa được đưa về học tập, ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Tình trạng con em nghỉ bỏ học theo cha mẹ lên rẫy gần như đã chấm dứt”-ông Trúc nói.

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.