Mùng 3 tết thầy: Chiếc bánh chưng cuối cùng biếu cô giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hôm nay là mùng 3 tết Giáp Thìn - ngày mà theo truyền thống người Việt 'Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy'. Nhìn chiếc bánh chưng xanh, trong tôi sống lại kỷ niệm về món quà biếu cô giáo nhiều năm trước.
Chiếc bánh chưng gợi nhớ nhiều kỷ niệm về ngày mùng 3 tết thầy. ẢNH: BẢO VY
Chiếc bánh chưng gợi nhớ nhiều kỷ niệm về ngày mùng 3 tết thầy. ẢNH: BẢO VY

Cô là cô giáo dạy văn suốt 4 năm tôi học THCS ở quê nhà, là người luôn kiên nhẫn với những trò nghịch ngợm của lũ "nhất quỷ nhì ma" tuổi mới lớn chúng tôi, người vui vẻ đón nhận những cục xà bông, chiếc khăn mặt gói trong giấy bọc quà là món quà quý giá những ngày lễ của đám học trò. Và cô cũng là người đầu tiên khiến tôi biết rằng mình yêu thích môn văn.

Chúng tôi xa quê, vào học đại học, đi làm, cuốn theo những thứ bận bịu, mới mẻ ở thị thành, lâu thật lâu mới có dịp về thăm cô giáo vào những dịp Tết Nguyên đán - ngày mùng 3 tết thầy. Cô giáo không như hoa đào, hoa mai, mỗi mùa xuân đều trở lại tươi tắn và rực rỡ. Tuổi tác, thời gian chẳng đợi ai bao giờ.

Tết năm ấy, tôi hăm hở về quê, cùng bố gói bánh chưng rồi thức xuyên đêm canh nồi bánh chín. Những chiếc bánh chưng lần đầu tiên tự gói. Mùng 3 tết, tôi hớn hở xách chiếc bánh chưng đẹp nhất tới biếu cô. Những câu chuyện cứ kéo dài mãi bên bàn trà, cảm tưởng như chúng tôi mới chỉ 12, 13 tuổi, ngày ngày đạp xe đi học dưới con đường rợp bóng phượng vĩ mùa hè khi tóc cô chưa hề bạc, những nếp nhăn không hằn sâu và những cơn ho của bệnh phổi không dai dẳng.

Mùng 3 tết thầy, chúng tôi nhớ tới chiếc bánh chưng cuối cùng tặng cô giáo... ẢNH: BẢO VY

Mùng 3 tết thầy, chúng tôi nhớ tới chiếc bánh chưng cuối cùng tặng cô giáo... ẢNH: BẢO VY

Cô chưa bóc bánh chưng, nhưng đón chiếc bánh chưng từ tay đứa học trò vốn vụng về như tôi thì vui lắm. Cô buột miệng "bánh chưng này muốn gạo nếp thật xanh thì lúc vo gạo xong em xay một ít lá riềng tươi, lấy nước cốt trộn đều với gạo rồi hãy gói. Khi ấy, bánh luộc chín rất thơm, bóc ra xanh mướt…".

Kinh nghiệm của cô được tôi về kể lại cho bố. Tết năm sau, hai bố con bắt đầu thử nghiệm cách gói bánh chưng mới. Hái lá riềng tươi, loại bánh tẻ, không non, không già, xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt và trộn cùng nếp đã vo sạch. Mẻ bánh đầu tiên được làm theo cách ấy thật sự thơm ngon ngoài mong đợi.

Bóc lớp lá dong ra, chiếc bánh chưng vẫn xanh mướt, thơm lừng, nhìn đã thấy hấp dẫn. Tôi háo hức cầm điện thoại gọi cho cô giáo, hẹn ngày mùng 3 tết tới nhà cô mang theo chiếc bánh chưng mới. Nhưng đầu dây bên kia chỉ là những tiếng tút dài, không hồi đáp… Chiếc bánh chưng mùng 3 tết thầy chưa kịp đến tay cô.

Gia đình quây quần gói bánh chưng, gạo được trộn với nước lá riềng tươi để khi bánh chín, phần gạo nếp luôn xanh mướt. ẢNH: BẢO VY

Gia đình quây quần gói bánh chưng, gạo được trộn với nước lá riềng tươi để khi bánh chín, phần gạo nếp luôn xanh mướt. ẢNH: BẢO VY

Cô bị ung thư phổi. Hoa đào nở hồng rực khắp các con đường trong phố phường. Cô cũng theo những cánh hoa bay thật xa. Cô tên là Tuyết. Nhưng cô ra đi khi vẫn còn mùa xuân…

Những dịp tết Nguyên đán sau này, năm nào mấy bố con tôi cũng gói bánh chưng. Bố tôi đã trồng hẳn mấy bụi riềng ở góc vườn, chỉ để lấy lá vào mỗi dịp cuối năm, để trộn vào gạo gói bánh chưng như lời cô dặn.

Cô giáo của tôi, người đã rời chúng tôi vào một ngày không hẹn trước, nhưng cách cô làm cho màu bánh chưng luôn xanh vẫn luôn đi theo mọi thành viên trong gia đình chúng tôi và được nối tiếp trong cách làm bánh của nhiều gia đình họ hàng, bạn bè nữa. Bánh chưng nhà ai cũng xanh thật xanh. Như những ký ức tươi đẹp nhất của chúng tôi về tuổi học trò, về mái trường, và về cô.

Tôi nhận ra rằng khi mình thật sự thương yêu một ai, những điều tốt đẹp nhất về người ấy sẽ không bao giờ mất đi, dù người không còn ở bên chúng ta nữa…

Có thể bạn quan tâm

Nhiều hướng đi cho học sinh hoàn thành lớp 9

Nhiều hướng đi cho học sinh hoàn thành lớp 9

Chỉ mất 2 - 3 năm để có bằng trung cấp và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT, sau đó có thể liên thông lên các bậc học cao hơn, việc học nghề sau lớp 9 đang được xem là có rất nhiều lợi thế, trở thành một trong những lựa chọn phù hợp cho học sinh.
“Gỡ khó” để hoàn thành 7 kế hoạch của ngành Giáo dục

“Gỡ khó” để hoàn thành 7 kế hoạch của ngành Giáo dục

(GLO)- Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2023) triển khai 7 kế hoạch của ngành Giáo dục diễn ra vào chiều 10-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương

Kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết việc quan trọng cần làm trong thời gian tới là tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra và bắt đầu kiểm tra công việc tổ chức kỳ thi của địa phương.
Thầy giáo Vũ Văn Tùng(mặc áo đỏ xanh) đang hỗ trợ bánh mì cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp(ở xã Pơ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). * ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai: Thầy Vũ Văn Tùng được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024

(GLO)-Chiều ngày 12-5, thầy giáo Vũ Văn Tùng cho biết: “Thầy mới nhận Thông báo số 80 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Theo đó, Thầy vinh dự được mời ra Nhà hát lớn TP Hà Nội dự, nhận biểu trưng và phần thưởng của Chương trình “Vinh quang Việt Nam” vào ngày 19 -5 tới đây”.