(GLO)- Từ tháng 5 Dương lịch cho đến hết tháng 10, khi Tây Nguyên đắm mình trong mùa mưa cao nguyên với những trận mưa triền miên, dai dẳng cũng là lúc thích hợp cho những chồi măng vượt đất vươn lên. Và cứ đến thời điểm ấy, các chị, các cô trong buôn làng lại lũ lượt rủ nhau lên rừng, tìm hái những ngọn măng tươi rói, mập mạp và ngọt đậm vị rừng-món quà bao đời rừng đã hào phóng ban tặng cho con người để chế biến thành vô số món thơm ngon.
… 54 tuổi, già Y Deo (làng Ea Luh-xã Nghĩa Hưng-Chư Pah) chẳng nhớ nổi mình biết lên rừng hái măng chính xác là từ khi nào. Gốc là người Xơ-đăng, sinh ra trên bản làng lưng chừng đồi núi ở vùng Đak Tô (Kon Tum), từ tấm bé, Y Deo đã theo lưng mẹ lên núi tìm măng. Lớn lên một chút, Y Deo theo người làng tự đi kiếm măng và rồi, Y Deo mê luôn công việc này mỗi khi mùa măng đến. “Ở làng Ea Luh này, ai người ta cũng biết tôi là người chuyên đi hái măng. Một mình lên núi tôi cũng đi. Mưa, gùi nặng sức, con muỗi con vắt thì theo bước chân về tới tận nhà… tôi vẫn đi. Nhà nghèo, đất vườn ít lại đông con, tôi phải đi tìm măng kiếm sống chớ”-già Y Deo, cho biết.
Phần măng già được già Deo lại để muối ăn dần. Cách này có thể trữ được măng cả năm cũng không hư hỏng. Ảnh: Lê Hòa |
Hành trình hái măng của già Deo thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng. Giờ kết thúc phụ thuộc vào măng trên rừng nhiều ít, nếu nhiều măng, đủ gùi già được về làng sớm hơn. Chỉ với chiếc gùi và cái nèo đào măng, mỗi ngày lên rừng, già Deo hái được trung bình 30-40 kg măng tươi. Măng đầu mùa và cuối mùa còn ít nên khó kiếm, măng mới nhú thậm chí phải đào sâu xuống đất để lấy phần củ ngon nhất. Giữa mùa mưa, măng mọc nhiều, dễ hái nhưng giá măng lại rẻ. Măng sau khi được bẻ từ bụi tre nứa, phải đem ra lột sạch lớp vỏ và đem về luộc với nước muối loãng chừng nửa tiếng mới đem đi bán. “Mỗi cân măng thường già bán được từ 6-10 ngàn. Quán trong làng lấy mối hết của già, khi nhiều họ nhập không hết mình lại bán lẻ tiếp cho người làng, không thì đem bỏ muối ăn dần trong năm. Măng le, măng nứa được người ta chuộng hơn măng lồ ô”- già Deo nói.
Dáng vẻ nhỏ nhắn, nước da đen sạm và đôi bàn tay sần sùi-dấu vết của một mùa măng cực nhọc, vất vả in lên dáng vẻ người phụ nữ chăm chỉ ấy. Ở Ea Luh, cứ nói đến hái măng, người ta gọi tên già Deo. Ai muốn tìm mua măng, người ta chỉ đến nhà Deo. Những khóm tre, nứa, lồ ô khắp dãy núi Bà Ba, núi Khối bao bọc quanh làng, bà Deo đã khắc ghi từng chỗ một. “Mấy mươi năm rồi, năm nào già chả đi. Người ta sợ lên rừng phải rủ nhau nhóm họp 5-7 người mới đi và cũng lâu lâu mới lên hái một lần về ăn, mình thì đi miết miết, thành quen, thuộc cả mấy ngả núi bao quanh làng rồi. Người ta bảo, cứ đi lỡ gặp chuyện gì đó trên rừng hay gặp người xấu, Deo biết làm sao? Nhưng mùa măng nào tôi cũng vẫn đi, tôi không thấy sợ”- già Deo, bộc bạch.
Già Deo luộc măng cho chín tái trước khi đem nhập cho mối. Ảnh: Lê Hòa |
Khi hỏi, đi lấy măng rừng khổ nhất là điều gì? Già Deo cười, “ồ, khổ nhiều chứ!”. Nói rồi, già Deo kéo chiếc ống quần lên, chỉ cho xem vết tích của một lần đi hái măng mà già chẳng may bị trượt chân ngã. “Hôm đó măng nhiều, mình cứ ham hái miết, đến khi quay trở ra thì trời tối. Đường trơn, gùi nặng lại đi vội vã nên mình trượt ngã, đầu gối đập vào đá. Vết thương ấy bắt mình ở yên một chỗ, không đi lại được liên tục 2 tuần liền. Giờ trở trời nó vẫn đau…”- già Deo, kể lại. “Chuyện con muỗi, con vắt là thường lắm. Có khi về tới nhà rồi, đi tắm mới thấy con vắt no căng máu miệng vẫn còn bám chặt lưng…”- già tiếp lời.
Không “chuyên nghiệp” như già Deo, chị Y Dun ở cùng làng chỉ thi thoảng mới lên rừng hái măng một lần về làm thức ăn cho cả nhà. “Món măng là món ăn phổ biến của dân tộc mình. Mùa mưa có măng tươi, ăn không hết đem muối hoặc phơi khô trữ đến mùa khô hay Tết”-Dun nói. Nhờ có việc làm hợp đồng hái chè với công ty chè Biển Hồ, Dun ít nhiều có khoản thu nhập thường xuyên, nên chị Dun đỡ vất vả mưu sinh như các chị em khác trong làng. “Tuy vậy, ngày rỗi việc, mình vẫn rủ chị em đi lên rừng kiếm măng. Việc ấy thấm vào máu của chị em Xơ-đăng mình rồi. Con gái Xơ-đăng không biết lên rừng hái măng, không biết làm măng, nấu măng là chưa bắt được chồng đâu”- Dun nói vui.
Hái măng không là công việc nhẹ nhàng nhưng đa số lại là chị em phụ nữ người Jrai, Bahnar, Xơ-đăng… trong các buôn làng đi hái. Việc đòi hỏi sự cần cù, kiên nhẫn và cả đôi bàn tay có chút khéo léo để bẻ được những ụ măng hay bóc tách các lớp lá áo. “Bây giờ kinh tế thị trường người ta mới hái đem buôn bán, chứ xưa chỉ hái để cho gia đình, họ hàng ăn thôi, nên đấy cũng là công việc tề gia nội trợ của người phụ nữ”- chị Dun, chia sẻ.
… Măng có mặt ở hầu khắp các cánh rừng Tây Nguyên khi mùa mưa đến và kéo dài cho đến hết tháng 10, 11. Ở đâu có bóng họ cây nhà tre, ở đấy có những măng. Từ măng le, măng nứa, lồ ô… Mỗi loại một vị hấp dẫn riêng tùy khẩu vị và thậm chí, những “tín đồ” của món ăn dân dã này còn “phát minh” ra hàng trăm cách chế biến khác nhau làm nên những món ăn khác lạ, độc đáo và không thiếu sự tinh tế. Người ta đồ rằng, măng là loại món ăn không nhiều dinh dưỡng nhưng chẳng mấy người lại không bị thuyết phục bởi sự ngon miệng của món ăn này.
Dẫu khoa học kỹ thuật có tiến bộ, con người thậm chí trồng được cả những gốc măng tươi ngay giữa ngày hè oi nóng thì những bó măng rừng vẫn có sức hấp dẫn riêng mỗi khi mùa mưa cao nguyên về. Và cũng nhờ thế, những người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó ở các bản làng gần rừng lại có những ngày mùa hái măng vất vả, cực nhọc nhưng bù lại, họ và gia đình có được những bữa cơm ấm no hơn.
Lê Hòa