(GLO)- “Chuyên bán tiền giả giống 98% trên toàn quốc, giao hàng trong 1-2 tiếng đồng hồ. Chất liệu Polymer, có mùi giống, kích thước giống 100%. Mắt thường không phát hiện được, cam kết xài được. 100% khác seri. Tỷ lệ 1 triệu đồng = 10 triệu. Lấy bao nhiêu cũng được. Cam kết an toàn bí mật cho khách...”-đó là một trong những nội dung rao bán tiền giả công khai do tài khoản Nguyễn Hoa Thúy đăng trên trang Mua bán rao vặt tại Gia Lai.
Ngoài ra, tài khoản này còn hướng dẫn nên dùng tiền giả vào việc đổ xăng, đánh bài, mua vé số, trả nợ, đá gà, mua thẻ điện thoại, mua hàng ở quán tạp hóa, ăn uống..., và lưu ý không dùng ở những nơi có máy soi tiền như siêu thị, ngân hàng... để tránh bị phát hiện. Kèm theo những nội dung trên là số điện thoại di động và hình ảnh những cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng mới có, đã làm cũ có.
Một tài khoản rao bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook. |
Một tài khoản khác là Mỹ Ngọc cũng đăng trên trang Mua bán rao vặt tại Gia Lai nội dung mua bán tiền giả, song ngắn gọn hơn: “Hàng mới về nha, quan tâm ib (inbox) shop. 1:10. Giao trực tiếp, không cọc” (Hàng mới về nha, ai quan tâm thì nhắn tin facebook cho shop. Tỷ lệ 1 đổi 10-N.V). Kèm theo đó cũng là hình ảnh những cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng mới cứng. Điều đáng chú ý là sau khi tin này đăng lên được ít phút thì đã có bình luận bên dưới đề nghị đổi tiền kèm theo số điện thoại liên lạc.
Trên trang cá nhân của những tài khoản rao vặt này hoàn toàn không có thông tin cá nhân nào để xác định chính xác chủ tài khoản là ai, ở đâu ngoài số điện thoại đăng trên tin rao vặt (cũng có thể là sim rác chỉ dùng để mua bán tiền giả). Những bình luận công khai đề nghị đổi tiền cũng không nhiều, nhưng khó ai xác định được có bao nhiêu người đã gửi tin nhắn đổi tiền trên facebook hay qua điện thoại, bởi tỷ lệ 1 ăn 10 quả thực vô cùng hấp dẫn đối với những người có lòng tham. Và đã có bao nhiêu tiền giả đang được lưu hành trên thị trường, khi thỉnh thoảng lại nghe một vài tiểu thương ở Trung tâm Thương mại TP. Pleiku hay vài người bán tạp hóa than thở: “Hôm nay gặp tờ tiền giả”? Với cách thức in ấn ngày càng tinh vi như hiện nay, những người dân bình thường rất khó phân biệt giữa tiền thật và tiền giả, trừ khi có máy soi tiền hoặc được hướng dẫn cụ thể.
Giám đốc Ngân hàng SHB-Chi nhánh Gia Lai, ông Lý Anh Đào cho biết: “Vài năm trước, tại Ngân hàng SHB Gia Lai cũng phát hiện vài trường hợp gửi, trả tiền có lẫn tiền giả, nhưng chủ yếu là do người dân vô tình, không phân biệt được tiền giả, tiền thật. Còn từ đầu năm đến nay, ngân hàng chưa phát hiện trường hợp nào. Thực ra tiền giả chủ yếu lưu thông trên thị trường chứ người ta không đem gửi hay trả tại ngân hàng, vì khi phát hiện và xác định đúng là tiền giả thì ngân hàng sẽ đục lỗ, lập biên bản, thu giữ, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, tờ nào chưa chắc chắn sẽ chuyển qua Ngân hàng Nhà nước thẩm định lại”.
Đáng chú ý, đối với việc rao bán tiền giả trên mạng, ngoài các giao dịch thật thì còn có những trường hợp lừa đảo. Cụ thể, sau khi đã nhận tiền của người mua, người bán sẽ lặn mất tăm, người mua lúc đó tiền mất mà không dám kêu. Pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và nghiêm khắc về chế tài đối với việc mua bán tiền giả. Theo đó, nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm vào tội tàng trữ, lưu hành tiền giả và về phía người bán có thể bị xử lý thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mức án cao nhất là chung thân. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền giả, chớ để lòng tham làm mờ mắt mà vướng phải vòng lao lý.
Hà Duy