Một trận đánh không tiếng súng trước Hiệp định Genève

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 70 năm trước, ngay tại trung tâm huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) ngày nay diễn ra một trận đánh, quân ta giành thắng lợi lớn nhưng không hề có bất kỳ tiếng súng nào. Mặc dù còn một vài chi tiết chưa thống nhất trong ghi chép, song sự kiện này từ lâu đã đi vào nhiều sách lịch sử địa phương như một niềm tự hào.

  Ông Ngô Thành trò chuyện cùng tác giả bài viết (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hoa
Ông Ngô Thành trò chuyện cùng tác giả bài viết (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hoa

Cuốn sách được nhắc đến ở đây là Địa chí Gia Lai, xuất bản năm 1999; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), in năm 2009; Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Prông (1945-2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945-2015) lần lượt phát hành trong các năm 2010 và 2015.

Theo đó, vào khoảng nửa đầu tháng 7-1954, trước sự bất lợi về chính trị, quân sự, lực lượng địch ở khắp nơi đều hoang mang, lo sợ. Tại Chư Ty (Đức Cơ), một số cán bộ cách mạng đã chớp thời cơ, lãnh đạo quần chúng bao vây, uy hiếp, gọi hàng toàn bộ đồn lính đóng ở địa phương. Kết quả, tên đồn trưởng người Jrai đã dẫn hơn 40 binh sĩ ra đầu hàng cùng toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.

Trong phần lớn các tài liệu lịch sử đã dẫn, những người lãnh đạo trận đánh này không được nêu cụ thể mà chỉ viết chung chung, đó là các cán bộ của Đoàn (hoặc Đội) vũ trang xây dựng 118. Trong khi đó, Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945-2015) viết, họ là “4 cán bộ của Đoàn 118 do đồng chí Trịnh Quang Ngọc (Tường) và Ngô Thành chỉ huy”.

Theo ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, chi tiết vừa nêu đúng nhưng chưa đủ. Ông Ngô Thành phân tích: Tham gia sự kiện này không chỉ có 2 người lãnh đạo là ông Trịnh Quang Ngọc (đã mất) và ông. Trên thực tế, khi đó, Đoàn vũ trang xây dựng 118 đã phân cho 3 người phụ trách khu vực phía Nam Chư Ty, gồm: Trịnh Quang Ngọc (Tường)-đoàn phó, Nguyễn Thành (Ui)-cán bộ trung đội và Huỳnh Đắc Dụng-y tá (ông Dụng hiện sống tại Đà Nẵng).

Vào thời điểm sự kiện sắp xảy ra, ông Ngô Thành (lúc này là Chính trị viên phó đại đội, phụ trách khu vực phía Đông Chư Ty của Đoàn 118) về báo cáo tình hình công tác với ông Trịnh Quang Ngọc. Liền sau đó, ông Ngọc thông tin cho ông Thành biết tình trạng dao động của binh lính trong đồn Chư Ty và ý định ta muốn tấn công chính trị, binh vận buộc chúng đầu hàng, giải phóng Chư Ty. Tuy nhiên, lúc này, lực lượng ta đang thiếu cán bộ, nhất là những người thạo tiếng Jrai. Vì lẽ đó, ông Ngọc yêu cầu ông Thành ở lại trợ lực. Ông Thành vui vẻ đồng ý và ở lại đây gần 1 tuần để tham gia sự kiện này. Như vậy, có 4 người tham gia lãnh đạo sự kiện này với họ tên, chức danh đầy đủ.

Một góc đồn Chư Ti xưa (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm VHTT huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một góc đồn Chư Ty xưa (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Về cách thức ta lấy đồn Chư Ty khi ấy, các sách viết gần giống nhau về nội dung, tuy có khác nhau chút ít về diễn đạt. Theo nhân chứng Ngô Thành, sách lịch sử Đảng bộ các huyện Chư Prông và Đức Cơ diễn đạt rằng: Ta bao vây, đưa tối hậu thư buộc tên Đồn trưởng Bleng (người Jrai) cùng với 42 lính đầu hàng. Điều này có thể dẫn đến một cách hiểu khác. Thực tế, không có bất kỳ lá thư nào được đưa vào đồn giặc trong trường hợp này. Nói một cách ngắn gọn, nhân lúc địch hoang mang, ta bao vây, kêu gọi, thậm chí hăm dọa khiến chúng phải giao nộp vũ khí, đầu hàng. Tất nhiên, sự việc không hoàn toàn dễ dàng như vậy. Do địch đông, lại được trang bị vũ khí đầy đủ nên ta đã khôn khéo cử Phó tổng Nhàn và 2 chủ làng là cơ sở của ta vào đồn phân tích, tuyên truyền, vận động, thuyết phục chúng.

Về thời điểm diễn ra sự kiện, các tài liệu lịch sử địa phương nêu trên chưa thống nhất. Cụ thể, trong khi Địa chí Gia Lai, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) và Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Prông (1945-2010) xác định đó là ngày 15-7-1954 thì riêng sách Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945-2015) lại cho rằng thời điểm ta lấy đồn Chư Ty là 12-7-1954.

Một số sách lịch sử viết về chiến thắng Chư Ti. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một số sách lịch sử viết về chiến thắng Chư Ty. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Ngày 12 hay 15-7 là đúng? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Ngô Thành xác nhận: Đó thực chất là một ngày ước định. Vì khi ấy, tình hình rất khẩn trương, công việc cách mạng dồn dập, vả lại cũng không ai có ý thức ghi chép sự kiện vừa xảy ra. Sau này, trong một số hội thảo, mọi người chỉ áng chừng rằng nó đã xảy ra trước khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 20-7-1954) độ 1 tuần, tức là khoảng từ ngày 12 đến 15-7 năm đó. Khi làm sử địa phương, phần lớn tác giả chọn ngày 15-7 là ngày chiến thắng đồn Chư Ty như đã biết. “Cần nhắc lại rằng, 15-7 là ngày chính quyền cách mạng tổ chức mít tinh mừng huyện Chư Ty được giải phóng”-ông Ngô Thành giải thích thêm.

Chiến thắng Chư Ty năm 1954 là một sự kiện quan trọng vì đã nhổ được đồn Chư Ty không tốn một viên đạn, đồng nghĩa với việc ta giải phóng được cả một vùng đất rộng lớn ở phía Tây của tỉnh. Gần 70 năm đã trôi qua, trận đánh đặc biệt này đã đi vào sử sách địa phương. Năm 2008, địa điểm từng là đồn Chư Ty thời Pháp thuộc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện tại, Đức Cơ đã khởi động một kế hoạch đầu tư, tôn tạo di tích này.

 

 NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".