Một thời đối mặt với FULRO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, những người lính không mang quân hàm của “Lực lượng 03, 04” huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) là “khắc tinh” của bọn phản động FULRO. Trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn tiếp tục cống hiến theo nhiều cách khác nhau. Và trong câu chuyện với lớp hậu sinh, những chiến công thầm lặng của họ vẫn có sức hút kỳ lạ.
Nỗi ám ảnh mang tên FULRO
Sau ngày đất nước thống nhất, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá thành quả cách mạng, bọn phản động FULRO vẫn được “hà hơi tiếp sức” để chống phá chính quyền. Tại “điểm nóng” xã Ia Khươl (huyện Chư Păh), chúng ra sức dụ dỗ những người nhẹ dạ, quấy nhiễu cuộc sống người dân, giết chóc, cướp phá.
Đã 37 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Quốc Việt (SN 1966, trú tại thôn Tân Lập, xã Ia Khươl) vẫn chưa thôi ám ảnh khi hình ảnh tang thương của buổi chiều định mệnh hiện về. Ông Việt rùng mình hồi tưởng: Đó là một chiều đầu tháng 8-1985, khi ông cùng cha và em trai đang lúi húi xếp củi khô chuẩn bị bó lại gánh về nhà thì bỗng giật mình phát hiện có 3 người đàn ông mang súng từ trong rừng đi ra. Một tên râu quai nón rậm rì, một tên để tóc dài, tên còn lại ra lệnh cho 3 cha con ông ra gặp chỉ huy của chúng. Đi chưa đầy 20 m, họ gặp một nhóm khoảng 15-16 người. Một tên trong nhóm cất tiếng dò hỏi: “Vừa rồi mày có nghe tình hình ở đây như thế nào không?”. Ông Việt hiểu ngay là chúng muốn dò hỏi tình hình truy quét FULRO, vì cách đó 2 hôm trưởng thôn thông tin rằng bọn chúng đang hoạt động rất mạnh trên địa bàn xã, lực lượng của xã đang lùng sục và khuyến cáo bà con nên cẩn trọng khi đi làm.
Ông Nguyễn Quốc Việt-Thôn Tân lập, xã Ia Khươl-kể về những nhát dao chí mạng của bọn FULRO ngày đó trút lên cơ thể mình. Ảnh: Minh Nguyễn
Đã 37 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Quốc Việt (thôn Tân Lập, xã Ia Khươl) vẫn chưa thôi ám ảnh khi nhắc lại chuyện người thân bị bọn FULRO sát hại, bản thân ông thì bị đánh đến ngất đi. Ảnh: Minh Nguyễn
Chỉ mới được thông báo như vậy thì hôm ấy, cha con ông Việt đã đụng mặt chúng. Ông Việt bình tĩnh, giả vờ không biết: “Gia đình tôi khó khăn quá nên mới vào khu kinh tế làm kiếm ăn chứ không biết gì”. Người này tiếp tục hỏi: “Mày là công an hay du kích?”. Ông trả lời mình là dân thường đi làm ruộng gần đây và năn nỉ chúng tha cho đi. Nhưng chúng bắt ông cởi quần áo, chỉ chừa lại cái quần đùi rồi lấy dây dù trói quặt tay ông ra phía sau. Sau đó, dao rựa, báng súng thi nhau trút lên chàng trai 19 tuổi. Trước khi ngất đi, ông còn kịp nghe tiếng năn nỉ xin tha của em mình. Mãi 3 ngày sau, khi tỉnh lại, ông mới biết mình còn sống. Nhưng nỗi đau thể xác không là gì khi ông biết cha và em trai mình đã bị bọn chúng giết hại dã man. Lúc đó, cha ông tròn 42 tuổi, còn em trai mới bước qua tuổi 17.
Tiếp lời ông Việt, ông Ksor Luih-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl (thời điểm năm 1985 là Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách “Lực lượng 03, 04” truy quét FULRO) nhớ lại: Sáng hôm sau, ông là người đầu tiên tiếp cận hiện trường, chứng kiến hình ảnh tang thương của cha và em trai ông Việt, còn ông Việt thì hai tay bị trói, máu me bê bết, kiến bâu khắp người. “Chúng bổ 2 nhát rựa vào đầu ông Việt, dùng báng súng đánh vào mặt làm lệch cả quai hàm, gãy mất mấy cái răng cửa và trên người còn con dao quắm bổ vào ngực, chạm đến phổi. Chắc chúng nghĩ ông chết rồi nên bỏ đi”-ông Luih kể lại. Theo ông Luih, trước ngày gia đình ông Việt gặp nạn, “Lực lượng 03, 04” của xã đã có trận đánh ác liệt với nhóm FULRO ở chân núi Ia Sol và tiêu diệt được 1 tên. Hôm sau, bọn chúng quay lại trả thù, trút giận lên gia đình ông Việt. Chúng dùng dao rựa sát hại chứ không nổ súng vì sợ bị lộ. Vụ việc chấn động này đã khiến 200 hộ dân ở khu kinh tế mới Đại An hoảng loạn, bỏ về quê gần 1/3 vì lo sợ.
Những trận đánh oai hùng
Nhắc lại nhiều trận đánh oai hùng của những người lính không mang quân hàm, ông Ksor Luih cho hay: Ông từng là lính trinh sát Trung đoàn 95B rồi chuyển về công tác ở Tỉnh đội. Năm 1980, ông về làm Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl. Thời điểm này, xã Ia Khươl đang là điểm nóng hoạt động FULRO. Bọn chúng dụ dỗ, bắt ép một số người dân đi theo, lập hành lang hoạt động, xây dựng lực lượng cốt cán chống phá chính quyền. Người dân đi làm rẫy gần rừng phải có lực lượng dân quân hay du kích cắt cử thành từng nhóm thay phiên bảo vệ.
Đến năm 1982, “Lực lượng 03, 04” của xã mới được thành lập, do ông Luih phụ trách. Lực lượng 03 là những thanh niên trẻ, khỏe, gan dạ được tuyển chọn từ dân quân du kích, bộ đội, công an. Đây là lực lượng tinh nhuệ, được huấn luyện, trang bị vũ khí đầy đủ làm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của FULRO. Những “thợ săn” dũng cảm này sẵn sàng đánh giáp lá cà khi đối mặt với FULRO, kề vai sát cánh cùng với lực lượng Quân đội, Công an trong những trận truy quét. Trong khi đó, lực lượng 04 là đội du kích cơ động cũng nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ tham gia truy quét FULRO tận rừng sâu.
Đã bước qua tuổi 72 nhưng ông Ksor Luih vẫn còn nhớ rất rõ từng trận đánh truy quét FULRO. Ảnh: Minh Nguyễn
Đã bước qua tuổi 72 nhưng ông Ksor Luih vẫn còn nhớ rất rõ từng trận đánh truy quét FULRO. Ảnh: Minh Nguyễn
Hào hứng kể về những trận đánh mà bản thân trực tiếp cầm súng tham gia cùng lực lượng này, ông Luih nhớ lại: Đó là trận đấu súng nghẹt thở giữa “Lực lượng 03, 04” và bọn phản động FULRO vũ trang vào buổi chiều đầu tháng 8-1985. Thoát chết sau khi bị FULRO bắn, một người dân đã chạy về xã thông báo. Lúc này, xã đang tổ chức đại hội Đảng. Được người này dẫn đường, ông Luih lập tức xách súng cùng hơn chục người thuộc “Lực lượng 03, 04” tìm đường lên núi. Lần theo dấu vết, nhóm ông Luih phát hiện lán trại FULRO với khoảng 6-7 tên. Lúc này, ông Luih ra ám hiệu cho anh em tập kích bất ngờ, giơ nòng súng ngắm chuẩn 1 tên trong nhóm rồi bóp cò nhưng súng không nổ. Cuộc tập kích bị lộ, 2 bên bắn nhau dữ dội. Bọn FULRO sử dụng cả súng phóng lựu M79 điên cuồng chống trả. Sau một hồi đấu súng ác liệt, nhóm của ông Luih đã tiêu diệt được 1 tên. “Cũng từ cái chết của đồng bọn, chúng đã tìm cách trả thù dẫn đến việc sát hại cha và em ông Việt trong ngày hôm sau”-ông Luih cho hay.
Lần khác, một người dân trên đường gặt lúa về tình cờ phát hiện nhóm FULRO nên chạy về báo ngay cho xã. Ông Luih cùng 5 người tổ chức mật phục ở đầu làng Grut thì phát hiện khoảng 9-10 đối tượng (có cả nữ) đang di chuyển lên núi. Lập tức, nhóm người của ông nổ súng nhưng không ngờ gần đó có một hố bom nên bọn chúng lăn vào đó né đạn. Ông Luih tiếp tục rút chốt 2 quả lựu đạn ném về phía chúng. Bị tấn công bất ngờ, 1 tên trong nhóm FULRO bị thương khiến cả nhóm hoảng loạn chạy trốn vào rừng, bỏ lại nhiều ba lô và vật dụng. Hôm sau, nhận tin báo tên FULRO bị thương này mò xuống làng Bối (nay thuộc xã Hòa Phú) xin cơm, “Lực lượng 03, 04” đã tổ chức mật phục tiêu diệt.
Thời điểm này, ngoài nhiệm vụ tiêu diệt FULRO có vũ trang, nhiều người thuộc “Lực lượng 03, 04” còn được bí mật cài cắm ở buôn làng để vận động người dân không nghe theo lời kẻ xấu chống phá chính quyền. Già Rơ Châm Jú (làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka) cho hay: Là người địa phương, ông thông thuộc hầu hết các vị trí, địa hình nên dễ dàng nắm bắt tình hình hoạt động của FULRO. Kinh nghiệm của ông là hòa đồng với tất cả mọi người, từ già đến trẻ, tham gia các cuộc sinh hoạt trong làng, từ đó nắm bắt được thông tin về những người đang có xu hướng bị lôi kéo để bí mật tìm cách vận động. Từ việc trò chuyện, động viên những người mẹ, người vợ có chồng con nghe theo lời kẻ xấu và kêu gọi họ trở về, ông còn nắm bắt thông tin về các đối tượng cầm đầu hay hoạt động để thông báo với chính quyền.
Già Rơ Châm Jú (ngồi giữa; xã Ia Ka, huyện Chư Păh) từng bị FULRO đe dọa đến tính mạng nhưng vẫn không chùn bước, tiếp tục vận động thanh niên trong làng không nghe theo lời kẻ xấu. Ảnh: Minh Nguyễn
Già Rơ Châm Jú (ngồi giữa; xã Ia Ka, huyện Chư Păh) từng bị FULRO đe dọa đến tính mạng nhưng vẫn không chùn bước, tiếp tục vận động thanh niên trong làng không nghe theo lời kẻ xấu. Ảnh: Minh Nguyễn
Có thời điểm hoạt động bí mật bị lộ, già Rơ Châm Jú bị một kẻ đến tận nhà dọa giết nhưng may mắn có người kịp thời giải cứu. Lúc đó, ông lo cho bản thân thì ít nhưng thương vợ và 5 đứa con gặp nguy hiểm thì nhiều. “Tôi tâm niệm, mình không làm điều gì sai trái mà phải sợ. Vì vậy, tôi vẫn kiên trì vận động bà con trong làng làm những điều tốt đẹp, chăm lo làm ăn phát triển sản xuất. Đáng mừng là nhiều thanh niên hiền lành, thật thà trót nghe theo lời kẻ xấu đã hiểu ra, chăm lo làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc”-già Rơ Châm Jú tự hào cho hay.
Theo thủ lĩnh “Lực lượng 03, 04” xã Ia Khươl, khi những toán FULRO có vũ trang cuối cùng bị tiêu diệt, lực lượng này cũng giải tán. Ông Luih yên tâm trở lại công việc. Năm 1992, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl, đến năm 2006 thì nghỉ hưu. Về lại làng Pôk, ông đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ đến 6 nhiệm kỳ. Còn già Rơ Châm Jú thì ngoài những hoạt động gìn giữ, bảo tồn văn hóa, ông còn trở thành người uy tín tham gia tổ hòa giải trong làng.
Giờ đây, phần lớn những người tham gia “Lực lượng 03, 04” đã mất, số còn lại (19 người) thì già yếu. Hàng năm, Công an huyện Chư Păh đều tổ chức gặp mặt, tặng quà như một sự tri ân đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của lực lượng này trong cuộc chiến chống FULRO. Dù không mang quân hàm và nhiều người trong số họ cũng không được hưởng chế độ gì, song nói như ông Luih: “Điều khiến chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào là vẫn có nhiều người thấu hiểu được những gian khổ, hy sinh mà chúng tôi đã trải qua và động viên, chia sẻ. Được vậy, chúng tôi cũng không cần gì thêm”.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.