(GLO)- Tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng, trong đó có Dự án Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh. Ngay sau khi nắm bắt thông tin này, lãnh đạo các đơn vị quản lý cũng như văn nghệ sĩ đã bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh trước một chủ trương đúng đắn.
Công trình văn hóa xứng tầm
Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, thời gian triển khai từ năm 2022 đến 2024. Quy mô nhà hát dự kiến 1.000 chỗ ngồi. Đây là công trình cấp I; các phòng chức năng, phòng phụ trợ như sân khấu, phòng bán vé, nơi gửi mũ áo, hành lang phân phối khách, sảnh nghỉ, khu vệ sinh, phòng y tế, căng tin... được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9369:2012. Công trình còn tích hợp các hạng mục thư viện tỉnh, không gian trưng bày triển lãm... Cùng với đó, Dự án hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ khác như khuôn viên sân bê tông, nhà để xe...
Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Diện tích dự kiến quy hoạch công trình rộng gần 7.800 m2 thuộc Kho Cục dự trữ khu vực Bắc Tây Nguyên cũ (đường Lê Lợi). Do vậy, tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính chuyển diện tích này về cho địa phương quản lý, trên cơ sở đó triển khai các bước tiếp theo, trong đó có tổ chức thi thiết kế để chọn ra kiến trúc phù hợp. “Đây là công trình mang dấu ấn văn hóa của TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung. Dự án là quyết tâm lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm xây dựng một công trình xứng tầm với đô thị loại I, nếu đầu tư thành công sẽ tạo thành một quần thể thiết chế văn hóa quan trọng gồm: Quảng trường Đại Đoàn Kết-Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh-Bảo tàng tỉnh-Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tỉnh. Nhà hát khang trang, đúng quy chuẩn sẽ thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, giao lưu văn hóa vùng miền, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân”-ông Nhung nêu quan điểm.
|
Cơ sở vật chất của nhà hát cũ không còn đảm bảo yêu cầu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San chỉ sử dụng làm nơi tập luyện. Ảnh: Phương Duyên |
Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, liên quan đến vị trí xây dựng đã có ý kiến lo ngại về vấn đề xung đột giao thông nếu nhà hát đi vào hoạt động với sức chứa 1.000 người. “Tuy nhiên, không phải tất cả mọi phương tiện đều đến đây mà có thể đậu đỗ tại bãi đỗ xe ở đường Anh Hùng Núp gần đó. Tại Quảng trường Đại Đoàn Kết cũng từng tổ chức nhiều sự kiện lớn, huy động chừng đó người nhưng đều xử lý tốt vấn đề giao thông”-ông Nhung phân tích.
Mong Dự án sớm triển khai
Những năm qua, do thiếu vắng một nhà hát xứng tầm nên hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh khá trầm lắng. Ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho biết: Nhà hát hiện nay có sức chứa tối đa 100 người, cơ sở vật chất đã xuống cấp, không còn đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn nên lâu nay chỉ dùng để tập luyện. Cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị đã rất vất vả với việc tìm địa điểm phù hợp để tổ chức đêm nhạc của Đại tá-Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang, cuối cùng đành chọn Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku nhưng lại phải thuê 1 công ty chuyên về âm thanh, ánh sáng ở Đà Nẵng lên để xử lý các vấn đề về sân khấu. “Biết tin Dự án xây nhà hát được thông qua, chúng tôi rất vui mừng. Nhà hát đúng quy chuẩn sẽ có hội trường đủ sức phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh, là nơi tổ chức hoạt động ca múa nhạc chuyên nghiệp, đăng cai các hội diễn lớn trong cả nước. Từ đó, các nghệ sĩ được giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời quảng bá hình ảnh Gia Lai, kích cầu du lịch”-ông Long chia sẻ.
|
Các họa sĩ trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ hội giới thiệu tác phẩm đến công chúng do thiếu 1 trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật quy mô, đúng quy chuẩn. Ảnh: Phương Duyên |
Họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai cũng bày tỏ sự hoan nghênh trước chủ trương của tỉnh. “Hiện nay, nhiều tác phẩm đạt giải chưa có cơ hội giới thiệu đến đông đảo công chúng. Ở chiều ngược lại, người dân và du khách cũng thiệt thòi khi ít có điều kiện tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật. Gia Lai từng đăng cai tổ chức Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên năm 2011 tại Nhà Thi đấu tỉnh, nhưng cơ sở vật chất tạm bợ không đảm bảo cho hoạt động triển lãm. Vì vậy, chúng tôi rất mong Dự án sớm triển khai, hoàn thành”-họa sĩ Lê Hùng mong mỏi. Cũng bày tỏ sự vui mừng, bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-chia sẻ: “Hy vọng thư viện sẽ có một không gian riêng biệt, phù hợp để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) về Dự án Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Đây là công trình trọng điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, là công trình hết sức ý nghĩa… Về quy hoạch cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh sẽ cho ý kiến sau. Tuy nhiên, ngoài cốt nhà cần chú trọng đến không gian xung quanh. Bên cạnh chỗ ngồi của 1 khán giả phải tính xem 1 bức tranh chiếm diện tích bao nhiêu và cả không gian xung quanh”. |
PHƯƠNG DUYÊN