(GLO)- Điện ảnh trên thế giới ra đời từ năm 1895 tại Pháp và chỉ sau một thời gian ngắn đã được thế giới công nhận là một loại hình nghệ thuật và là nghệ thuật thứ 7 sau sáu loại hình nghệ thuật được công nhận trước nó gồm: kịch (sân khấu), âm nhạc, múa (vũ đạo), hội họa, văn (thơ) và kiến trúc.
Với sức lan tỏa nhanh, loại hình nghệ thuật thứ 7 cũng đã có mặt tại Việt Nam ngay trong thời kỳ Pháp thuộc dưới vai trò là một công cụ tuyên truyền của thực dân Pháp mà Bác Hồ đã chỉ rõ nội dung phản động của nó trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III: “Hồi đó chỉ có chiếu bóng câm, bọn thực dân Pháp dùng chiếu bóng để bôi nhọ dân tộc ta. Thí dụ: Trong Hội chợ ở Mác-xây, ngoài những tranh vẽ những công khanh Việt Nam đang lúc nhúc quỳ trước vua bù nhìn cùng chó ngao toàn quyền, khâm sứ, ngoài những công nhân trần trụi kéo xe thuê, còn có chiếu bóng, trong phim có những bà già ăn trầu răng đen, những nông dân gầy gò rách rưới, những người đóng khố đang trèo dừa. Chúng gọi đó là hình ảnh An Nam”.
Phim “Mùi cỏ cháy” được vinh danh tại lễ trao giải Cánh diều tháng 3-2012. |
Qua đó để thấy rằng Bác Hồ đã thấy được tầm quan trọng của nghệ thuật điện ảnh trong công tác tuyên truyền giáo dục nên ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với bộn bề công việc nhưng vào ngày 15-3-1953 tại Đồi Cọ thuộc xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 147/A1 thành lập Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh. Kể từ đây ngành Điện ảnh Việt Nam chính thức được khai sinh thể hiện tấm lòng yêu thương của Bác đối với ngành, nhưng sâu xa hơn là ước vọng của Bác muốn phát huy tác dụng ngành Điện ảnh Việt Nam đến với người dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Để phát huy tác dụng loại hình nghệ thuật non trẻ này theo ước vọng của Bác Hồ kính yêu, trong 6 thập kỷ qua ngành Điện ảnh Việt Nam đã phát triển không ngừng, nhiều hãng phim đã được thành lập với những công nghệ máy móc hiện đại và cho ra đời nhiều bộ phim có giá trị động viên quân đội và nhân dân cả nước trong công cuộc chống Pháp và chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ngày nay.
Nhiều đội chiếu bóng lưu động được thành lập kể từ khi mới chỉ có 3 đội lúc ban đầu thuộc Bộ Tuyên truyền thì nay các tỉnh thành trong cả nước đều có nhiều đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mặc dù các đội chiếu bóng lưu động cũng không ít thăng trầm theo từng thời kỳ biến đổi của xã hội đương đại vì sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ thông tin tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao vừa gọn nhẹ, vừa rẻ tiền và đều có thể chuyển tải được các thể loại phim đến với người xem khi họ có nhu cầu; rồi tiếp đến là truyền hình ngày càng phủ sóng rộng khắp nhưng các đội chiếu bóng lưu động vẫn tồn tại và phát huy hiệu quả theo như chức năng vốn có của nó.
Tại Gia Lai, ngay trong thời kỳ quân và dân cả tỉnh đang tập trung cho công cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì vào năm 1970 Đội Chiếu bóng lưu động thuộc Ban Tuyên huấn Quân khu 5 đã có mặt để kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ quân và dân vùng căn cứ, vùng tranh chấp.
Đến năm 1975 khi tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng số lượng đội chiếu bóng lưu động được tăng lên gấp bội, mỗi huyện một đội động viên đồng bào tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương và cho đến những năm gần đây khi đời sống kinh tế-xã hội trong tỉnh phát triển người dân nhiều thôn làng đã có cái ăn, cái mặc, có ti vi để xem truyền hình, có phương tiện công nghệ để xem phim nhưng tỉnh vẫn bảo tồn 3 đội chiếu bóng lưu động để phục vụ những thôn làng còn nhiều khó khăn, những điểm nhạy cảm về an ninh trật tự tại các xã thuộc các huyện Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn và biên giới của tỉnh.
Những đội này hiện đang hoạt động rất hiệu quả, đi đến đâu cũng được người dân nhiệt tình ủng hộ, nhiều bộ phim mang đề tài chiến tranh, đề tài công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, đề tài xây dựng nông thôn mới… được chính quyền địa phương và người dân đề nghị chiếu nhiều lần. Điều này thật đúng với nhiệm vụ chính mà Bác Hồ đã ghi trong Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: “Tuyên truyền chủ trương chính sách của Chính phủ, nêu cao thành tích, gương anh dũng của quân và dân…”.
Minh Khôi